Để ví von hình tượng Kim Trọng tương tư Thúy Kiều, Nguyễn Du viết: “Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm” (Truyện Kiều); còn trong Nhị thập tứ hiếu diễn nghĩa do Lý Văn Phức thực hiện thì có câu: “Mẹ đầu nhuốm tuyết, con đầu hoa râm”.
Như vậy, khái niệm “đầu hoa râm” đã xuất hiện trong tiếng Việt ít nhất cũng vào khoảng đầu thế kỷ 19. Song hoa râm là gì? Xin thưa, đây là hoa của cây râm, được ghi nhận bằng chữ Nôm là 菻 (râm). Đại Nam Quấc âm tự vị (1895) cho biết: 菻 (râm) là thứ cây nhỏ lá người ta hay dùng trị chứng đau xương; còn Từ điển Taberd (1838) ghi nhận: 菻 cây râm (Phillyrea indica), hoa râm đầu (tr.418). Từ những yếu tố này có thể khẳng định hoa râm có liên quan với đầu bạc hoa râm, vì đây là chữ dùng trong câu “Mẹ đầu nhuốm tuyết, con đầu hoa râm” (媄頭染雪𡥵頭花菻).
Đầu hoa râm cho thấy tóc đã nhuốm bạc khá nhiều, còn gọi là tóc muối tiêu. Nhìn chung, người từ 40 tuổi trở lên có tỷ lệ tóc bạc hoa râm nhiều hơn người trẻ, tức người đã suy giảm sức khỏe phần nào.
Trong Hán ngữ, cụm từ ban bạch (斑白) có nghĩa là tóc hoa râm. Mạnh Tử viết: “Ban bạch giả, bất phụ đái ư đạo lộ hĩ” (Ngoài đường những kẻ tóc hoa râm, không còn phải vác đội vật nặng nữa).
Cây râm, còn gọi là cây nữ trinh, có tên khoa học là Phillyrea indica Lour., tên khác là Ligustrum sinense, Ligustrum indicum (Lour.) Merr… Loài này có từng chùm hoa trắng xen kẽ lá xanh nên được liên tưởng với mái tóc muối tiêu, lốm đốm bạc của con người. Người Trung Quốc gọi cây này là tiểu lạp 小蜡 (xiăo là), nghĩa là cây sáp (nến) nhỏ, tuy có chữ “nhỏ” nhưng chúng không hề nhỏ vì có thể phát triển cao đến 7 m. Tiểu lạp còn những tên khác là Hoa Nam tiểu lạp, sơn lạp thụ, sơn chỉ giáp, tiểu thực nữ trinh, ngư lạp, hoàng tâm liễu (vùng Vân Nam), thủy hoàng dương (Hồ Bắc), thiên trương thụ (Tứ Xuyên) và khoảng 6 loài khác cũng gọi là tiểu lạp, tất cả đều thuộc chi Ligustrum.
Trong tục ngữ, dân ca Mường ở Thanh Hóa, hoa râm còn được gọi là hoa rì rì. Xin chú ý, hoa râm không phải là hoa râm bụt (theo phát âm của người sống ở vùng ven biển Bắc bộ) - một loài có tên khoa học là Hibiscus rosa-sinensis, còn được gọi là dâm bụt mà người miền Nam gọi là bông bụp, bông lồng đèn; còn gọi bằng từ Hán Việt theo gốc Trung Quốc là chu cận, đại hồng hoa, phù tang hay phật tang…
Tóm lại, có 3 chữ Nôm viết là râm (森, 淫, 菻), tất cả đều liên quan với khái niệm tóc muối tiêu, lốm đốm bạc. Hai chữ 森 và 淫 có gốc từ Hán ngữ, chỉ có chữ 菻 (râm) là thuần Nôm, đây là chữ phổ biến nhất, dùng để nói về cây râm, hoa của cây này được dùng để chỉ khái niệm “tóc hoa râm” trong tiếng Việt.
Bình luận (0)