Đây là một từ của phương ngữ Nam bộ, bắt nguồn ở từ vu của tiếng Khmer, mà Từ điển Khơme - Việt (ảnh) của Hoàng Học giảng là “con quay” (tập 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1979, tr.1496).
Dictionarium Anamitico Latinum (1772 - 1773) của Pierre Pigneau de Béhaine, lấy tiếng Đàng Trong làm nền tảng, đã đối dịch vụ là “turbo lusorius”, tức “con quay [dùng làm] đồ chơi”, mà Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên đã dịch thành “chơi chong chóng” (xin xem Tự vị Annam Latinh, NXB Trẻ, 1999). Đây là một cách dịch sai hẳn vì đã biến một danh ngữ thành một ngữ vị từ, thuộc hai từ loại đối lập với nhau. Huống chi, turbo cũng chẳng phải là “chong chóng” vì chong chóng là helix (đã cho ra tiếng Pháp hélice). Nếu là “chơi chong chóng” thì phải dịch thành helicem ludere. Trong quyển từ điển cùng tên in tại Serampore (Ấn Độ) năm 1838, J.L.Taberd đã dịch gọn lại là “turbo, turbinis”, nghĩa là “con quay” (turbinis là sinh cách [genitive] của turbo), với thí dụ chọi vụ, được dịch thành “turbinem agitare”, nghĩa là “búng [khởi động] con quay”. Đây mới đích thị là một ngữ vị từ.
Sở dĩ phải dài dòng như trên là để khẳng định rằng tên của con quay mà trong Nam kêu là bong vụ thì ban đầu chỉ là vụ mà thôi. Còn bong vụ thì lại là một ngữ vị từ đồng nghĩa với chọi vụ trong từ điển của Taberd. Chính vì nó là một ngữ vị từ nên Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của mới giảng bong vụ là “đánh cho cái vụ xoay tròn”. Chẳng qua là do từ nguyên dân gian nên ngữ vị từ này đã bị dùng sai lệch về ngữ nghĩa và từ loại mà trở thành danh từ bong vụ một cách sái quy trình nên mới “không giống ai” về cấu tạo mà thôi. Vậy bong vụ vốn chỉ là vụ.
Còn thò lò thì sao? Thì vốn vẫn là thò lò. Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở hai tiếng ghi bằng hai chữ [陀螺], mà âm Hán Việt hiện hành là đà loa, có nghĩa là “con quay”. Trong tiếng Hán thì đà [陀] là “vật có hình tròn” (Hán ngữ đại tự điển, Thành Đô, 1993, nghĩa 2) còn loa [螺] là “ốc”. Vậy đà loa có nghĩa gốc là “[con] ốc hình tròn”, dùng theo ẩn dụ để chỉ con quay. Quan hệ ngữ âm giữa đà loa và thò lò có thể được chứng minh như sau. Về ĐnTH giữa đà và thò, ta còn có: - đà [佗,拖,馱], chở đồ vật nthồ (trong xe thồ); - đoạt
[痥], chân ngựa bị thương, bị thương nói chung; đồng nguyên với đột [跌], chân bị thươngn thọt (trong cà thọt, thọt chân); - đĩnh [挺], ngay, thẳng n thẳng; - độn [鈍], chậm lụt, khờ dại n thộn ( = đần)... Về quan hệ A n O giữa đà và thò, ta có: - bà [爬] trong bà trùng n bò (trong bò sát); - bả [把] n bó (trong bó lúa); - ha [呵], hà hơi n ho trong ho he; - há [罅] trong há khích n hó trong hó hé; - ma
[磨,摩] trong ma sát n mò (trong mày mò); phả [譜] trong gia phả n pho trong pho sách; - tra [渣], cặn bã n tro ( trong tro tàn)... Còn giữa loa và lò, ta có: - loa [螺] n sò trong sò huyết; - lõa/khỏa [裸] trong lõa thể n lõ trong gầy lõ xương; - quá trong quá giang n có trong có giang...
Từ nghĩa gốc chỉ một món đồ chơi, cả thò lò lẫn bong vụ còn chuyển nghĩa để chỉ một thứ dụng cụ của trò đỏ đen mà chúng tôi không bàn đến ở đây.
Bình luận (0)