Lối ra nào cho phim sử Việt?

22/08/2018 06:42 GMT+7

Không chỉ hào hứng xem chuyện hậu cung trong phim Diên Hi công lược (Trung Quốc), trên mạng xã hội còn bàn tán, tranh luận sôi nổi về lịch sử thời Càn Long mà phim đề cập, về thân phận các phi được vua sủng ái... Chạnh lòng thay, gần 10 năm nay VN chẳng có phim truyền hình nào về lịch sử.

Khi được Công ty TK-L mua bản quyền để phát đồng thời với lịch phát của Trung Quốc, Diên Hi công lược gần như trở thành đề tài hot, “tràn ngập” trên các trang mạng xã hội. Trong đó có không ít những diễn đàn mini “truy tìm” và chia sẻ thông tin về lai lịch từ hoàng hậu đến kế hoàng hậu hay lệnh phi (tức nữ chính Ngụy Anh Lạc trong phim). Ngẫm lại, mấy khi phim về sử Việt chiếu mà được khán giả lục tung các trang tìm kiếm để biết rõ hơn “chân tướng” các nhân vật trong phim như hiệu ứng Diên Hi công lược!
Có “bột” nhưng ngại “gột nên hồ”
Không ít bình luận dưới các chủ đề liên quan Diên Hi công lược có nội dung rằng: những phim cổ trang VN mà làm kiểu này sẽ khó phát, bởi nó sẽ bị cho là "sai lệch/xuyên tạc lịch sử"; nếu không bị duyệt - chỉnh sửa trước khi phát thì cũng bị các “sử gia trên mạng” soi - chém tơi bời…
Thực tế cho thấy một số bộ phim truyền hình về lịch sử được sản xuất trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long như Huyền sử thiên đô (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: NSƯT Đặng Tất Bình - Thanh Phong), Thái sư Trần Thủ Độ (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Đào Duy Phúc)… đều gặp phải khó khăn, trầy trật trước khi lên sóng. Được đầu tư trên dưới 60 tỉ đồng, cả hai phim đều bị “đắp chiếu” từ 1 đến 3 năm vì những lý do “nhạy cảm lịch sử” hoặc “chưa phù hợp” (dù sau đó Thái sư Trần Thủ Độ nhận 3 giải Cánh diều vàng cho biên kịch, đạo diễn và phim truyền hình xuất sắc nhất).
Việc sợ đụng chạm đến chính sử khiến biên kịch không thể thỏa sức viết theo ý mình, từ đó hạn chế rất lớn sự sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm hấp dẫn.
Biên kịch Phạm Vĩnh Lộc
Biên kịch Phạm Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty CP giáo dục giải trí Gamize (tham gia viết kịch bản dự án dã sử diễn họa Việt sử kiêu hùng đang được giới trẻ yêu thích), bày tỏ: “Việc sợ đụng chạm đến chính sử khiến biên kịch không thể thỏa sức viết theo ý mình, từ đó hạn chế rất lớn sự sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm hấp dẫn”. Anh ví dụ, trong khi phim Hoàn Châu cách cách từng tạo cơn sốt, với việc vua Càn Long có thể nhận một đứa con rơi và một cô gái dân gian làm cách cách, thì sự việc sẽ xảy ra hoàn toàn khác nếu đấy là phim VN. Bởi ở ta ngay cả việc nhân vật trong phim Trùng Quang tâm sử nói giọng phía nam cũng bị một sử gia phê bình rằng dám sai lệch lịch sử vì nhà hậu Trần khởi nghĩa vùng Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh thì không thể nói giọng ấy… “Xuyên tạc, cần tẩy chay bộ phim này. Đó sẽ là phản ứng ở thị trường VN, khi không ít khán giả chưa phân biệt được rằng phim truyện không phải là tài liệu giảng dạy, phim truyện khác phim tài liệu và nghiên cứu lịch sử khác biên kịch phim ảnh”, Phạm Vĩnh Lộc nói.
Trên trang cá nhân của mình, biên kịch trẻ Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ: “Lịch sử VN còn rất nhiều để khai thác, theo tôi sẽ có nhiều yếu tố hấp dẫn cho kịch bản. Tôi cũng được biết có nhiều kịch bản cổ trang đang chờ được sản xuất. Nhưng vấn đề ở chỗ là người làm phim có dám dấn thân, dám kể lại câu chuyện lịch sử theo đường dây của mình không? Tôi nghĩ rằng chính sự e ngại về kiểm duyệt là một rào cản lớn cho sự phát triển của phim ảnh Việt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà sản xuất lẫn người làm phim dù có tâm huyết hay có điều kiện cũng rất dè chừng”.
Phim lịch sử chiếu mạng, tại sao không ?
Cần nói thêm, “bom tấn” Diên Hi công lược là phim chiếu mạng của Trung Quốc, và sức hút của nó đã khiến nhiều nước châu Á chịu chi số tiền không nhỏ để đưa phim đến với khán giả xứ mình. Về VN, phim cũng được TK-L phát trên YouTube trước khi lên sóng HTV7.
Phim chiếu mạng đang là xu hướng được nhiều nhà sản xuất, hãng phim quan tâm lẫn chuyển hướng đầu tư. “Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen VN, người Việt sử dụng 3 ngày làm việc để online mỗi tuần. Trong bối cảnh mạng xã hội thống trị như hiện nay, việc phát hành trên mạng có lẽ là hướng đi khả dĩ nhất cho dòng phim cổ trang”, Phạm Vĩnh Lộc nói. Không chỉ vậy, việc chiếu mạng còn giải quyết sự “e ngại” trên, vì việc kiểm duyệt lâu nay được áp dụng đối với phim điện ảnh chiếu rạp và phim phát sóng trên truyền hình; còn phim phát trên YouTube chỉ chịu sự kiểm duyệt của kênh này, như quy định về bản quyền ca khúc hay cấm video clip đồi trụy...
Bà Lê Thị Kiều Nhi, Giám đốc sản xuất YA Film, cho biết: “Xem Diên Hi công lược càng làm cho những người làm phim như chúng tôi khao khát được sản xuất phim về lịch sử của nước mình. Bởi trong phim dù lịch sử Càn Long hay nhà Thanh có hấp dẫn như thế nào thì cũng đã từng bị quân Tây Sơn của Hoàng đế Quang Trung đánh bại… Hiện chúng tôi đã tìm hiểu, chọn một triều đại và đã tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn để viết kịch bản cho phim sắp tới”. Bên cạnh đó, theo chia sẻ từ Tôn Thất Minh Khôi, hậu duệ của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 của triều Nguyễn, thành viên sáng lập trang chuyên về chuyện hậu phi và nội cung của lịch sử VN Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, một dự án web drama về cung đấu (chuyện đấu đá trong cung đình) đang được triển khai, và ê kíp của Khôi tư vấn về lịch sử, nội dung cho phim này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.