Lòng thành thờ cúng tổ tiên

13/02/2015 09:00 GMT+7

Gia đình thời hiện đại ngày càng ít con, xã hội chấp nhận dần chuyện phụ nữ hơn chồng trong thu nhập, những cuộc di cư... là các thực tế khiến mô hình gia đình, thờ người mất, kính người sống thay đổi theo hướng xóa dần ranh giới nam - nữ, trưởng - thứ.

Gia đình thời hiện đại ngày càng ít con, xã hội chấp nhận dần chuyện phụ nữ hơn chồng trong thu nhập, những cuộc di cư... là các thực tế khiến mô hình gia đình, thờ người mất, kính người sống thay đổi theo hướng xóa dần ranh giới nam - nữ, trưởng - thứ.

Cúng giỗ không còn là độc quyền của dòng trưởng

Mô hình gia đình thay đổi kéo theo phương thức thờ cúng tổ tiên cũng đổi thay. TS Nguyễn Thị Minh Ngọc (ảnh) - Phó viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) nói về sự thay đổi này.

       

Ảnh: Ngữ Thiên

* Thưa bà, qua nghiên cứu, bà thấy sự thay đổi nào nổi bật trong việc thờ cúng tổ tiên ở nước ta hiện nay?

- Tôi nghĩ một trong những thay đổi quan trọng chính là vai trò của phụ nữ trong thờ cúng tổ tiên. Vai trò của người phụ nữ trong công việc tâm linh này ngày càng được đề cao. Trong nhiều gia đình VN hiện nay, công việc cúng tế được giao phó hoàn toàn cho phụ nữ. Việc hương khói bây giờ cũng được thực hiện tại từng gia đình chứ không phụ thuộc vào con trai trưởng, dòng trưởng như trước.

Trước kia, trong xã hội phong kiến, gia đình VN cần con trai để nối dõi và thờ cúng tổ tiên. Gia đình nào không có con trai sẽ không có người cúng giỗ và họ lựa chọn phương thức đóng góp tiền vào chùa để sau này nhờ nhà chùa hương khói cho mình. Ngày nay, vai trò cúng giỗ tổ tiên trong nhiều gia đình đã được giao phó lại cho con dâu, phụ nữ. Tất nhiên vẫn còn mô hình truyền thống mà ở đó chỉ đàn ông được quyền thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, phụ nữ chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị đồ cúng lễ.

* Khi phụ nữ đảm trách toàn bộ việc thờ cúng thì vai trò của con trưởng, tộc trưởng ra sao, thưa bà?

- Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn nhiều gia đình không có con trai tại Hà Nội. Áp lực có con trai thờ cúng đã khiến nhiều gia đình tan vỡ. Tuy nhiên cũng có những trường hợp phụ nữ giữ bát hương của bố mẹ mình ở nhà chồng. Chính chồng họ cũng tán thành quan điểm tổ tiên nhà vợ cũng quan trọng như tổ tiên nhà mình.

Thắp hương chiều 30 tết Thắp hương chiều 30 tết - Ảnh: Ngọc Thắng

Mô hình gia đình hạt nhân cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển và lan rộng của quan niệm đó. Trước kia, với cấu trúc tam đại, tứ đại đồng đường, anh em trai có gia đình vẫn sống chung với nhau và chung với bố mẹ. Vì thế, việc cúng giỗ được giao cho dòng trưởng. Tuy nhiên, hệ thống gia đình hạt nhân ngày nay không có sự sống chung như thế. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và làn sóng di cư từ nông thôn ra đô thị cũng tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi của mô hình thờ cúng tổ tiên. Di cư là một trong những nhân tố quan trọng phá vỡ cấu trúc tam đại đồng đường truyền thống. Di cư khiến nhiều người không thể đảm trách việc cúng giỗ tổ tiên thường kỳ ở vùng đất hương hỏa quê nhà và tổ tiên cũng theo chân con cháu di cư ra đô thị. Cộng thêm quan niệm ai cúng người đó được hưởng lộc nên mọi gia đình đều có bàn thờ gia tiên. Như vậy, cúng giỗ không còn là “độc quyền” của dòng trưởng.

Di cư khiến nhiều người không thể đảm trách việc cúng giỗ tổ tiên thường kỳ ở vùng đất hương hỏa quê nhà và tổ tiên cũng theo chân con cháu di cư ra đô thị. Cộng thêm quan niệm ai cúng người đó được hưởng lộc nên mọi gia đình đều có bàn thờ gia tiên. Như vậy, cúng giỗ không còn là “độc quyền” của dòng trưởng

Khi hai vợ chồng trẻ không còn sống trên mảnh đất hương hỏa của gia đình nhà chồng, việc cúng giỗ bố mẹ chồng tại nhà riêng của hai vợ chồng cũng tạo điều kiện cho sự chấp thuận cúng giỗ tổ tiên, bố mẹ vợ tại nhà. Khảo sát của chúng tôi cho thấy nhiều người chồng tán đồng việc thờ cúng tổ tiên, bố mẹ vợ tại nhà riêng của hai vợ chồng. Nhưng cũng có nhiều trường hợp dù người chồng đồng ý nhưng lại chịu áp lực từ phía các thành viên còn lại trong gia đình chồng, đặc biệt nếu người vợ yêu cầu phải có một bàn thờ riêng biệt cho tổ tiên, bố mẹ mình. Dẫu sao, trong tâm thức của cả vợ lẫn chồng thì người được thờ cúng chính vẫn là tổ tiên nhà chồng.

* Vai trò của người đảm trách thờ cúng đã thay đổi. Còn hình thức thờ cúng thì sao, thưa bà?

- Cách thức bài trí bàn thờ tổ tiên, bàn thờ dòng tộc cũng có nhiều thay đổi. Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính mô tả đồ thờ trước kia trong nhà thờ rất kỹ lưỡng. Nhà thờ có thần chủ bốn đời, để thờ cao, tằng, tổ, khảo. Thần chủ làm bằng gỗ táo, có nghĩa sống lâu được nghìn năm. Dài một thước, ở giữa thần chủ có đề tên họ, chức tước. Hai bên có ngày tháng sinh tử, để trong long khảm che kín, khi nào cúng tế mới mở ra. Hết 5 đời thì lại thay bài vị.

Ngày nay, cách thức thờ cúng này rất ít gia đình còn duy trì được. Hầu hết các bàn thờ gia tiên không có thần chủ, không có long khảm đặt thần chủ, không có bài vị cao, tằng, tổ, khảo. Vì thế, giờ đây người ta không còn khái niệm chỉ thờ cúng tổ tiên năm đời. Bài vị tổ tiên được coi như bảo vật cần được gìn giữ. Gỗ mít cũng thay thế dần gỗ táo vì được cho là linh thiêng hơn, song không có lý do giải thích.        

Trẻ em chơi trò cúng tế Trẻ em chơi trò cúng tế - Ảnh: Chụp từ cuốn Một số tư liệu quý về Hà Nội, NXB Trẻ

TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo
Ý thức dân tộc như bệ đỡ

       

Ngày nay nhìn vào các hiện tượng xã hội, chúng ta thấy rất rõ thờ cúng tổ tiên phụ thuộc nhiều vào việc di cư, phân biệt giới tính. Thờ cúng có thể được giản tiện đi rất nhiều. Có nghĩa là thay đổi xã hội làm ảnh hưởng tới thờ cúng tổ tiên. Song, ảnh hưởng nhiều nhất chỉ nằm ở vẻ bề ngoài. Còn tinh thần giá trị thờ cúng tổ tiên vẫn sâu đậm. Gói gọn là dù có công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì truyền thống đó vẫn sâu đậm lắm.

Việc thờ cúng tổ tiên còn phụ thuộc nhiều vào tâm thức của một dân tộc. Một dân tộc như chúng ta, với tinh thần chủ nghĩa dân tộc còn rất mạnh nên nó sẽ dẫn đến tâm thức thờ cúng tổ tiên còn mạnh. Có những dân tộc đã vượt qua chủ nghĩa dân tộc lâu rồi. Khi đó họ thích nói đến tâm thức công dân toàn cầu hơn, xã hội công dân nhiều hơn là nói đến vấn đề tổ tiên. Rõ ràng, ý thức dân tộc của chúng ta như bệ đỡ thờ cúng tổ tiên vậy.

Nhà văn bản học Lại Nguyên Ân
Lòng thành vẫn quan trọng hơn

       

Trên báo chí quốc ngữ thời kỳ đầu, người ta ít nói về tục lệ thờ cúng trong gia đình. Cũng không có một cuộc vận động, hướng dẫn cách thờ cúng bao giờ. Như vậy, nhiều khả năng, việc hướng dẫn này chủ yếu là trao truyền trong gia đình. Và về bản chất, người ta không coi các tục lệ thờ cúng này gây phiền nhiễu, gây vấn đề gì. Nhưng cũng có những việc tự nó chuyển biến trong tục thờ cúng. Chẳng hạn, theo tục lệ cũ trước năm 1945, không có chuyện để ảnh thờ thắp hương đâu. Theo tục lệ cũ thì người ta để bài vị viết tên bằng chữ Hán thôi. Nhưng sau đó thì việc dùng ảnh thờ đã xuất hiện. Vẫn có sách của những nhà chuyên môn viết. Ví dụ ông Phan Kế Bính viết quyển Việt Nam phong tục, hay sau đó là ông Toan Ánh.

Bản thân việc thờ cúng cũng thay đổi theo thời gian, việc tham khảo tiền nhân nên được làm theo sách, sau đó nếu cần thì lược bớt những gì quá khó thực hiện. Lòng thành vẫn quan trọng hơn việc biện lễ nhiều.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền
(Viện Văn hóa nghệ thuật)

Cuộc đua tranh dòng họ

       

Ở VN, nếu coi mỗi ngôi từ đường như một đền thờ riêng của dòng họ thì nếu tính về số lượng, hẳn sẽ vượt xa mọi cơ sở thiết chế của hệ thống các tín ngưỡng tôn giáo khác như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ Thiên Chúa... Trong đó, rất nhiều ngôi từ đường có kiến trúc bề thế không kém gì một ngôi chùa, hay ngôi đình làng to lớn. Thậm chí thời nay có những ngôi từ đường còn được dát vàng nguy nga tráng lệ như một cung điện vua chúa, nhưng tất cả rút cục cũng chỉ để phục vụ lợi ích tâm linh cho một dòng họ mà thôi. Thử suy đoán, sẽ thấy rất có thể từ ngàn xưa, chính truyền thống thờ cúng tổ tiên dòng họ vụn vặt đó đã khiến người Việt không thể xây dựng được những tôn giáo lớn cùng hệ tư tưởng, triết thuyết phổ quát mà đành phải du nhập từ bên ngoài. Hiện nay, chỉ cần nhìn vào các nghĩa địa tân thời, hệ thống các từ đường là có thể hiểu được cuộc đua tranh dòng họ lớn như thế nào. Mộ tổ, từ đường dòng họ này phải cao hơn, to hơn, cầu kỳ hơn, đắc địa hơn dòng họ kia, như một tấm gương phản chiếu rõ nét những động cơ vụ lợi, ích kỷ cá nhân cùng những hệ lụy của nó.

Đời thực ra sao thì thờ cúng vậy

“Những câu chuyện thờ tự không chỉ là chuyện riêng trong nhà, nó còn cho thấy biến chuyển của xã hội”, TS Đinh Hồng Hải (Viện Nghiên cứu văn hóa) nhận xét cùng Thanh Niên.

Một bàn thờ tại Hà Nội trong dịp cúng lễ -Một bàn thờ tại Hà Nội trong dịp cúng lễ - Ảnh: Sưu tập ảnh của KTS Đoàn Bắc

Khi TS Đinh Hồng Hải quan sát một số khu thờ tự trong chùa, ông khá lưu tâm đến khu được sử dụng để thờ cúng những người mà con cái “đưa lên chùa”. Theo đó, vào tuần rằm, con cái lên thắp hương, và các sư các vãi cũng thắp hương cho họ. Trong số này, có nhiều người nữ làm bia ký hậu cho bố mẹ mình. “Trước đây, việc này được thực hiện ở làng xã. Người không có con trai cúng ruộng cho làng để sau khi chết lợi ích thu từ ruộng đó được dùng để cúng lễ mình”, ông Hải nói.

“Khu tập thể” nhiều tầng

Tại các chùa ngày nay, có những khu cho người được con gái đưa lên chùa như vậy. Các bia cũng xếp hàng trên tường như “khu tập thể” nhiều tầng. Sự lựa chọn cũng rất đời. Có người muốn bố mẹ mình ở tầng hai, tầng ba trong khu đó để “khi mất điện khỏi phải leo nhiều”. Có người lại chọn vị trí đầu hồi của tường cho bố mẹ mình vì cho rằng đó là một vị trí tốt, lại ở tầng thấp. “Thậm chí có chị quan niệm trần sao âm vậy, như thế chỗ ở của bố mẹ chị thoáng mát và có thể trông xe kiếm thêm thu nhập dưới âm nếu muốn”, ông Hải cười nhớ lại.

PGS-TS Trần Xuân Bình (ĐH Huế) lại chú ý tới việc thờ cúng tổ tiên trong các khu công nghiệp. Tại đó, theo nghiên cứu xã hội học của ông, các cá nhân nếu thờ tổ tiên thì chủ yếu thờ người gần thế hệ mình, chẳng hạn bố mẹ, ông bà thôi, chứ không thờ được mấy đời. Nếu đi thuê nhà ở chung nhiều người thì việc thờ cúng lại càng hạn chế. Chỉ khi họ lập gia đình, thì tuy vẫn là nhà đi thuê, họ mới lập bát hương để thờ cúng riêng. “Họ cũng chủ yếu chỉ có một bát hương trong nhà. Họ không thờ được nhiều bát hương đầy đủ như khi ở quê. Trong khi đó, ở từ đường vẫn có đủ gia phả và bát hương có ghi rõ ràng thờ ai. Việc thờ nhiều đời vẫn trông vào nhà thờ họ”, ông Bình nói.

Một nghiên cứu của ông Bình ở khu vực đầm phá Tam Giang cho thấy người di cư ra nước ngoài hoặc ra thành phố một năm hai lần về thờ cúng tổ tiên. Một dịp là tết, dịp kia là ngày chạp vào tháng 5, để dọn dẹp mồ mả gần giống như dịp tiết Thanh minh. Người ta làm to, mổ heo đủ cả. Lễ đó thường tổ chức ngay ở nhà thờ họ rất to. Con cháu bận bịu, xa xôi cũng về hết.

Những điều trên khiến PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo lo ngại: “Thờ cúng chính là sự thực hành văn hóa. Chính vì thế, nếu những thực hành thờ cúng mất dần, giản tiện dần thì sự đa dạng văn hóa cũng ảnh hưởng”.

Cần “quy chuẩn”

Theo TS Nguyễn Minh Ngọc - Phó viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) thì mô hình thường thấy hiện nay trong các gia đình là một bàn thờ hoặc trang thờ trên đó bày các bát hương. Bàn thờ tổ tiên cũng đồng thời là bàn thờ thần linh cai quản ngôi nhà nên bài trí thông thường gồm 3 bát hương. Bát to nhất ở giữa thờ thần linh; bát bên phải to thứ nhì thờ gia tiên dòng tộc không kể nội hay ngoại và bao nhiêu đời; bát bên trái nhỏ hơn thờ những người mất trẻ (bà cô, ông mãnh) của dòng tộc. Cũng có những gia đình bài trí khác, gồm một bát hương thần linh ở giữa; bên phải là bát hương thờ bên nội; bên trái là bát hương thờ bên ngoại... “Hiện không có quy chuẩn cho sự bài trí bàn thờ tổ tiên”, bà Ngọc cho biết.

Sự thiếu quy chuẩn này, theo PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, là do “đứt gãy văn hóa” trong thực hành thờ cúng. Chưa kể, bản thân các phong tục mới cũng sinh ra. Vì thế, theo ông Tuấn, nếu muốn người dân có thể tìm lại các sách cũ về phong tục để học hỏi quan niệm của người xưa, đồng thời cũng lựa chọn phù hợp với thời đại. “Hiện nhiều nghiên cứu, sưu tập tư liệu về văn hóa thờ cúng, cách thức thờ cúng tổ tiên nằm rải rác ở chỗ các nhà nghiên cứu Hán Nôm, tôn giáo, văn hóa. Tốt nhất là làm sao để tập hợp chúng lại, rồi làm thành những cuốn nhỏ để phổ biến tới người dân. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu cách thờ cúng hiện nay, ghi chép làm tư liệu nữa”, ông Tuấn nói.

PGS-TS Lương Hồng Quang lại quan tâm đến “đường truyền” những hiểu biết thờ cúng đó đến người dân. Theo ông, các nơi thờ tự chính là nơi có thể chuyển giao hiểu biết này một cách hiệu quả.

Cũng theo bà Minh Ngọc, cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính trong phần “nói về phong tục trong gia tộc” có đề cập tới thờ cúng tổ tiên. Tác giả đã trình bày cụ thể về những nghi thức và các cách thức thờ cúng tổ tiên như: về nhà thờ, đồ thờ, gia phả, ruộng kỵ, tế thủy tổ, cúng vái tổ tiên.

Dạy thờ cúng trong sách

Việc dạy về tập quán từng được thực hiện qua sách tiểu học Bản quốc phong tục sách của Đoàn Triển (1854 - 1919). Đây là tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán. Sách được viết theo phương pháp sách giáo khoa để dạy cho học sinh bậc tiểu học, với 61 đề mục, ghi lại phong tục tập quán gần gũi với đời sống. Tết Nguyên đán được tác giả chia thành 7 đề mục nhỏ gồm: giới thiệu ngày tết, sửa sang và mua sắm, lễ vật, lễ bái, khởi sự, giao tiếp và du xuân. Tết Trung thu cũng được ghi rõ: trẻ con mua đồ chơi như đèn giấy, ngựa giấy, voi giấy ra sao, việc bày cỗ trông trăng như thế nào.

TS Nguyễn Tô Lan, người đã dịch và chú giải cuốn sách trên sang chữ quốc ngữ cho biết những cuốn sách dạy về phong tục như thế không nhiều. Đây chính là cuốn sách khảo cứu về phong tục đầu tiên trong lịch sử, nó còn có trước cả Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính.

T.N

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.