Luật hổng, lẫn lộn tiền sư tiền chùa

08/10/2019 06:16 GMT+7

Nhà tu hành phạm lỗi chuyển sang chùa khác nhưng vẫn mang theo tài sản đứng tên mình , nhà tu hành qua đời khiến việc xây dựng chùa ngưng lại vì phải mở thừa kế... là hệ lụy từ lỗ hổng luật.

Cuộc hoàn tục ra tiền

Nhà tu hành Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng (H.Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã được phép hoàn tục sau khi trình bày nguyện vọng. Trước đó, sư Toàn tự thấy mình có những hành động ảnh hưởng đến giáo hội và cảm thấy không xứng đáng làm người xuất gia. Cùng với xin hoàn tục, sư Toàn xin Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc cho giữ lại toàn bộ tài sản đứng tên mình.
Về điều này, thầy Thích Tâm Vượng, Phó trưởng ban Trị sự Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết giáo hội sẽ tiếp quản tài sản của chùa Nga Hoàng. Còn các tài sản khác đứng tên sư Toàn, Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc không can thiệp. “Nguyên tắc tài sản đứng tên sở hữu của người ta thì là quyền của người ta. Mình muốn giữ cũng không giữ được”, thầy Vượng nói.

Sư Toàn đã được hoàn tục nhưng muốn mang theo toàn bộ tài sản đứng tên mình

Ảnh: Ban Trị sự Giáo Hội phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp

Mặc dù vậy, theo luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội, việc xác định nguồn gốc tài sản của sư Toàn phải được thực hiện chặt chẽ. “Sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra. Đi vào chùa với hai bàn tay trắng mà hoàn tục lại có tiền. Thế thì phải chăng là ở giáo hội này là nơi kiếm tiền? Sư thầy không buôn bán thì chỉ có xác suất là tiền của chúng sinh đóng góp cho nhà chùa thông qua thầy. Không phải đóng góp cho thầy. Thì cái này là của giáo hội, giáo hội phải nhận lấy. Giáo hội không nhận thì trả lại nhân dân”, ông Tú nói.
Ông Tú cũng cho rằng: “Còn cá nhân thầy thì phải khẳng định thầy không có tiền. Bây giờ phải xác định tài sản đó có từ nhà chùa này. Trừ khi sư Toàn chứng minh được là sư Toàn có một khoản thừa kế, hồi môn. Nhưng thầy Toàn phải chứng minh điều đó thì mới khẳng định tài sản của mình”.

Vụ việc nối vụ việc

Việc của sư Toàn gợi nhớ vụ việc sư Thích Minh Phượng ở làng Chàng Sơn (H.Thạch Thất, Hà Nội) bị dân làng “trả về” cho giáo hội cách đây 5 năm. Khi đó, người dân ở đây phát hiện sư Phượng có nhiều việc làm không đúng đạo đức của một nhà tu hành. Họ đã liệt kê một “sớ kể tội” nhà tu hành này. Không được trụ trì ở chùa làng này nữa, một thời gian sau, sư Phượng trở lại và đòi lại chiếc xe ô tô ở trong chùa. Xe vốn do người làng góp lại để sư làng mình có phương tiện đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, khi sư có vấn đề, dân làng muốn thu về. Mặc dù vậy, giấy tờ đứng tên vị tu hành này và sư đã lấy được chiếc xe mang đi.
Một vụ việc khác cũng tốn thời gian của nhiều người. Đó là việc đất của một cơ sở thờ tự đứng tên nhà tu hành. Sau đó, nhà tu hành mất khi việc xây dựng còn dang dở. Để tiếp tục thực hiện việc xây sửa này, chủ đầu tư phải về quê của người đã khuất để làm các thủ tục mở thừa kế. “Vụ việc xảy ra ở Bình Dương và chúng tôi phải tư vấn giải quyết. Chúng sinh cho tiền mua đất xây cơ sở thờ tự, nhưng chẳng may thầy qua đời. Tên của bất động sản lại không đứng tên của cơ sở mà của cá nhân thầy. Khi đó, mọi việc phải về quê thầy để xử lý vấn đề thừa kế”, luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.

Sư thầy không buôn bán thì chỉ có xác suất là tiền của chúng sinh đóng góp cho nhà chùa thông qua thầy. Không phải đóng góp cho thầy. Thì cái này là của giáo hội, giáo hội phải nhận lấy. Giáo hội không nhận thì trả lại nhân dân

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội

Rà luật, tổng điều tra tài sản

Thầy Thích Tâm Vượng cho biết, khi xuất gia, người tu hành phải mang theo rất nhiều giấy tờ. Chẳng hạn, chưa đến tuổi 18 thì phải có giấy tờ của cha mẹ người bảo hộ. Nếu qua tuổi 18 thì phải có đơn xuất gia, sơ yếu lý lịch, nhân thân, đăng ký nhập cư. Mặc dù vậy, lại không có văn bản nào khai họ có bao nhiêu tiền, có mang theo tiền không... khi xuất gia. Bản thân Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc cũng không biết sư Toàn có bao nhiêu tiền khi bắt đầu tới tu hành ở chùa Nga Hoàng.
Thầy Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN, cho biết hiện không có quy định về việc người xuất gia phải kê khai tài sản trước khi xuất gia. Chưa kể, việc nhận tiền cúng dường của chúng sinh không phải lúc nào cũng có biên nhận.
Một giáo sư nghiên cứu văn hóa, tôn giáo cho biết, hiện tại các cơ sở thờ tự chưa có pháp nhân. Luật Tôn giáo hiện nay quy định pháp nhân là pháp nhân trọn gói. “Nghĩa là cả giáo hội hiện nay chỉ có 1 pháp nhân. Mọi việc đều phải thông qua giáo hội hết”, vị này chia sẻ. Vì thế, việc công nhận pháp nhân cho từng cơ sở thờ tự, cũng có nghĩa là cho từng chùa, là vô cùng cần thiết.
Cũng theo vị giáo sư này, ở các nước khác, các cơ sở thờ tự đều có pháp nhân bình thường. Điều này khiến việc quản lý tài sản được chặt chẽ hơn. Tiền quyên góp cho cơ sở thờ tự cũng sẽ được kiểm toán rõ ràng. Chưa kể, các cơ sở tôn giáo còn có quy định của giáo hội nữa. “Ví dụ như trường phái của ông Thích Nhất Hạnh có quy định bất kể nhà sư nào ở các chùa khi di chuyển đi thì tài sản để lại 100% chứ không lơ mơ gì cả. Tài sản ở đó giáo hội quản lý và sẽ chi. Đó là quyền của giáo hội”, ông nói.
Chính vì thế, theo giáo sư trên, việc để sư Toàn ra đi và cầm theo tài sản nhiều khả năng là của phật tử đóng góp là rất vô lý. “Một người ra đi trong một điều kiện đặc thù như thế thì việc mang đi nó vô lý. Nhưng điều này bắt nguồn từ luật nên cần đưa thêm vào luật về tôn giáo”, ông nói.
Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú cho biết, đất tôn giáo trong luật Đất đai có quy định. Một sổ đỏ ghi là của chùa A, chùa B. Hay là ghi của giáo hội tỉnh A, tỉnh B, chứ không được ghi tên sư thầy, nếu ghi là sai. Trường hợp mua thêm đất cũng vậy. “Nhân việc này, Giáo hội Phật giáo cũng nên tổng rà soát lại toàn bộ đất đai tài sản, tài khoản trong ngân hàng rồi chuyển dịch tên sang giáo hội. Tránh trường hợp như ông Toàn”, ông Tú kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.