Sáng 14.5 (giờ Việt Nam), vòng thi trang phục dân tộc (National Costume) nằm trong khuôn khổ cuộc thi Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ) 2020 chính thức diễn ra tại Mỹ. 74 người đẹp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới lần lượt trình diễn những bộ cánh lộng lẫy, nhiều sắc màu để quảng bá hình ảnh đất nước mình. Dù chuẩn bị kỹ càng trước đó, thí sinh một số nước vẫn gặp sự cố ngoài ý muốn trong phần thi này.
Hoa hậu Khánh Vân gặp sự cố vẫn tỏa sáng
Đến với đấu trường nhan sắc Miss Universe, Hoa hậu Nguyễn Trần Khánh Vân chọn trang phục dân tộc mang tên Kén Em của nhà thiết kế Khoa Lỗ. Bộ trang phục bao gồm áo dài trắng, đi kèm phần khung kén được đính kết tỉ mỉ, nhằm tôn vinh nghề dệt tơ tằm ở Việt Nam. Ngay trước giờ diễn ra phần thi, Khánh Vân phải tự mình lắp ráp, sơn lại phần khung kén bị tróc do quá trình vận chuyển.
|
Khi trình diễn Kén Em trên sân khấu Miss Universe, đại diện Việt Nam bất ngờ gặp sự cố khi không mở căng được phần khung kén. Tuy vậy, Khánh Vân nhanh chóng xử lý tính huống này bằng cách bước ra ngoài, thể hiện động tác múa và xoay trang phục một cách đẹp mắt.
Dù không đủ thời gian thể hiện động tác quay tơ, dệt vải như lúc luyện tập, phần thi của Khánh Vân vẫn nhận được nhiều lời khen từ khán giả. Miss Universe 2018 Catriona Gray bình chọn Kén Em là một trong 6 bộ cánh mà cô yêu thích nhất trong phần thi trang phục dân tộc vừa diễn ra.
Hoa hậu Malaysia 'câu giờ' vì quốc phục cồng kềnh
Đại diện Malaysia là Francisca Luhong James mang mô hình ngôi nhà Kampung đến phần thi trang phục dân tộc của Miss Universe. Bộ quốc phục to nặng, cồng kềnh khiến người đẹp phải nhờ cậy đến sự hỗ trợ của một số nhân viên hậu trường. Trong lúc di chuyển mô hình lên sân khấu, Francisca phải vừa catwalk, vừa lấy tay giữ cho cánh cửa ngôi nhà không bung ra.
|
Ở giữa phần thi, Hoa hậu Malaysia bất ngờ bước vào trong ngôi nhà để thay trang phục thứ hai. Thời gian trình diễn của cô mất khoảng 3 phút, kéo dài hơn hẳn so với nhiều thí sinh khác. Dù vậy, trên mạng xã hội, Francisca Luhong James vẫn bày tỏ tự hào về phần thi của mình.
Ban tổ chức chỉnh sửa phần thi của đại diện Thái Lan?
Hoa hậu Thái Lan Amanda Obdam chọn trang phục dân tộc độc đáo lấy cảm hứng từ hình ảnh cá xiêm (Siamese Fighting Fish) - một loài cá quen thuộc trong văn hóa Thái Lan. Bộ trang phục gây ấn tượng với khán giả nhờ tạo hình đầu cá nhô ra phía trước, kết hợp phần vây bung xòe sang hai bên.
|
Khi lên sân khấu, bộ trang phục dân tộc của đại diện Thái Lan không rực rỡ như hình ảnh công bố trước đó, có thể vì hệ thống đèn Led đã bị hỏng. Một nguồn tin hậu trường tiết lộ, ban tổ chức Miss Universe không cho Amanda Obdam thực hiện phần trình diễn đầu cá phun nước, nhằm tránh làm trơn sàn catwalk, ảnh hưởng đến phần thi của các thí sinh tiếp theo. Tuy nhiên, người đẹp vẫn hoàn thành tốt phần thi và được đánh giá là ứng viên "nặng ký" cho chiếc vương miện.
Hoa hậu Myanmar mất hành lý trước ngày thi
Vài ngày trước phần thi trang phục dân tộc, Hoa hậu Myanmar Thuzar Wint Lwin cho biết cô lạc mất hành lý, trong đó có cả bộ quốc phục đem đến Miss Universe. Cộng đồng người Myanmar tại Mỹ đã hỗ trợ cho người đẹp một thiết kế truyền thống của dân tộc Chin (Myanmar). Dù gặp sự cố ngoài ý muốn, Thuzar Wint Lwin vẫn tự tin trình diễn và giơ cao thông điệp "Pray for Myanmar" (tạm dịch: Cầu nguyện cho Myanmar), trong bối cảnh quê hương cô đang gặp bất ổn chính trị như hiện tại.
|
Trên trang Instagram, Thuzar Wint Lwin giải thích phần thi trang phục dân tộc của mình: "Thật tình cờ vì tôi từng đại diện cho Hakha (thủ phủ của bang Chin) tại Miss Universe Myanmar và bây giờ tôi được mặc lại trang phục của người Chin và đại diện cho đất nước mình trên sân khấu Miss Universe".
Bình luận (0)