Mở cửa kho báu Chăm sau 71 năm

25/11/2016 10:07 GMT+7

Những thập niên đầu của thế kỷ 20, Hội Đô Thành Hiếu Cổ đã sưu tầm và đưa về cất giữ ở Tân Thơ Viện rất nhiều cổ vật Chăm tìm được ở Huế và vùng phụ cận.

Từ đó Khu cổ vật Chăm được thành lập tại khuôn viên của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện nay, để làm nơi trưng bày các tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Champa ở miền Trung VN.
Năm 1928, Khu cổ vật Chăm chính thức mở cửa giới thiệu những cổ vật được sưu tầm tại kinh đô Huế và vùng phụ cận, tiếp đó được bổ sung thêm nhiều cổ vật được khai quật từ Trà Kiệu (Quảng Nam) vào các năm 1927, 1928 và Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1934. Các tác phẩm trưng bày có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14 và 15, thể hiện nền văn hóa Champa rực rỡ một thời. Tuy nhiên, khu cổ vật này đã phải đóng cửa từ năm 1945 rồi kéo dài trong suốt thời kỳ chiến tranh, không phục vụ khách tham quan. Ngay cả những thập niên gần đây, do điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép nên sưu tập này cũng chỉ ưu tiên phục vụ một số nhà nghiên cứu chuyên sâu.
Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã cho cải tạo, khôi phục và nâng cấp không gian trưng bày để mở cửa trở lại Khu cổ vật Chăm vào hôm 23.11, giới thiệu 3 nhóm hiện vật được phát hiện và khai quật ở khu vực Bình Trị Thiên, Trà Kiệu và Tháp Mẫm.
Tượng chim thần Garuda, thế kỷ 12 - 13 (Tháp Mẫm, Bình Định)\
“Tiếng nói” của cổ vật
Về nhóm hiện vật thứ nhất, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: “Các tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch từ các ngôi đền thuộc đạo Bà La Môn của các vương triều Champa tại kinh đô Trà Kiệu giới thiệu trong khu cổ vật Chăm, vốn được đưa về Huế sau cuộc khai quật của Trường Viễn Đông Bác Cổ do nhà khảo cổ học người Pháp Jean Yves Claeys chủ trì vào những năm 1927 - 1928. Trong số các tác phẩm được lựa chọn để giới thiệu trong lần trưng bày này có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 7 đến 12 bao gồm tượng Sư tử - Nhân sư (Narasimha); tượng thần sấm sét Indra, thần chủ của một ngôi đền Bà La Môn tại kinh thành Sư tử - Simhapura (kinh đô Trà Kiệu) và cũng là tượng Indra duy nhất phát hiện được tại di tích Trà Kiệu; đầu tượng thiên nhân (Deva); tượng voi; tượng khỉ; vũ công…”. Đa phần các tác phẩm điêu khắc ở kinh đô Trà Kiệu đều có kích thước lớn, thể hiện thủ pháp tạo hình độc đáo và sinh động của nghệ thuật điêu khắc Champa. Bên cạnh đó, các tác phẩm này cũng cho thấy kỹ thuật xây dựng kết hợp gạch và đá phổ biến trong kiến trúc đền, tháp Champa trong thế kỷ thứ 11.
Các tác phẩm điêu khắc tìm thấy từ Tháp Mẫm (khu vực thành Đồ Bàn/Chà Bàn của vương quốc cổ Champa) có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ 12 - 13 thuộc nhóm thứ hai. Đây là thời kỳ tiểu quốc Vijaya ở vùng Bình Định giữ vai trò trung tâm của vương quốc Champa và có mối liên kết sâu sắc với đế chế Angkor (Campuchia) trên tuyến giao thương đường bộ kết nối với cảng Thị Nại (Quy Nhơn) rồi hòa nhập vào mạng lưới hải thương quốc tế. Các tác phẩm đang được giới thiệu tại Khu cổ vật Chăm do Jean Yves Claeys khai quật năm 1934 đều là những tác phẩm có kích thước lớn, bằng chứng cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa của vương quốc Champa từ thế kỷ thứ 11. Đó là những tượng chim thần Garuda hoặc tượng Kinnara nửa người, nửa chim được chạm khắc cầu kỳ, trau chuốt, bộc lộ xu hướng thẩm mỹ tinh tế của giới quý tộc Champa thời kỳ này.
Nhóm hiện vật thứ ba rất đáng lưu ý là các tác phẩm điêu khắc có xuất xứ thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế có niên đại trải dài từ thế kỷ thứ 8 - 15 với nhiều hiện vật độc đáo. Trong số đó phải kể đến các tác phẩm điêu khắc là những tượng thờ tại chính diện của một ngôi đền, như tượng Nam thần, tượng linga hoặc cặp nhẫu tượng yoni - linga, các bức phù điêu trang trí trên kiến trúc có kích thước lớn như tượng Makara, tượng thần lửa Agni, tượng đạo sĩ, tượng thần Siva đạo sư… Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, trong bộ sưu tập này, nổi bật là tượng đá Nam thần có thủ pháp diễn tả độc đáo và là tượng có kích cỡ lớn nhất mà những bảo tàng Champa nơi khác không có.
Tượng vũ công, thế kỷ 11 - 12 (Trà Kiệu, Quảng Nam), tìm thấy trong cuộc khai quật năm 1927 – 1928
Bảo vệ nghiêm ngặt
Có lịch sử hình thành khá sớm và nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế nên mặc dù phải đóng cửa trong một thời gian dài 71 năm, Khu cổ vật Chăm vẫn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, được chăm sóc và gìn giữ đặc biệt theo quy chế bảo tồn bảo tàng cổ vật quý hiếm, với hệ thống trang thiết bị an ninh hiện đại, camera giám sát đặt cả bên trong lẫn ngoài khuôn viên của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và khu trưng bày.
Hiện tại vẫn còn nhiều dữ liệu về văn hóa Champa đang ẩn mình trong các đền thờ, miếu thờ, nếu có điều kiện đầu tư nghiên cứu sâu, chúng ta sẽ đưa ra ánh sáng nhiều thông tin hơn nữa về một thời kỳ lịch sử liên quan đến quá trình hình thành và phát triển vùng đất này
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương
Điều này thể hiện sự trân quý vai trò của văn hóa Champa trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế. Với sự cẩn trọng và để kịp thời đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, trong lần mở cửa khai trương Khu cổ vật Chăm này, những người tổ chức chỉ chọn lọc giới thiệu hơn 30 tác phẩm trong số 88 tác phẩm mà “kho” Chăm đang lưu giữ, số hiện vật còn lại sau khi được bổ sung các nội dung về niên đại, địa điểm phát hiện, ý nghĩa của tác phẩm… sẽ lần lượt được trưng bày trong thời gian gần đây.
Trong một lần nói chuyện về Văn minh và nghệ thuật Champa nhìn từ sưu tập cổ vật Chăm tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương đã nhận xét: “Các hiện vật về Champa hiện nay còn lưu giữ tại Thừa Thiên-Huế đều ở dạng bi ký và các tác phẩm điêu khắc đá, còn các công trình kiến trúc và đền, tháp thì hầu như đã bị phá hủy. Các tác phẩm cổ vật Chăm sưu tập được tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế rất phong phú, có giá trị cao về nghệ thuật cũng như về niên đại được sưu tầm, bổ sung từ thời Pháp và lưu giữ cho đến nay. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều dữ liệu về văn hóa Champa đang ẩn mình trong các đền thờ, miếu thờ, nếu có điều kiện đầu tư nghiên cứu sâu, chúng ta sẽ đưa ra ánh sáng nhiều thông tin hơn nữa về một thời kỳ lịch sử liên quan đến quá trình hình thành và phát triển vùng đất này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.