Thạc sĩ Nguyễn Thu Hoài (Trung tâm lưu trữ quốc gia 1) rất tự hào khi nói tới tư liệu Hán Nôm tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, trong đó có di sản UNESCO công nhận là châu bản triều Nguyễn, cho biết về chủ quyền, xây dựng kinh thành, chế độ lương bổng, việc biên soạn sách và thi cử, hương ước của dòng tộc… Hơn thế nữa, chúng còn là các tư liệu bản chính, bản gốc với độ chân xác cao để nghiên cứu sử Việt.
Có 31 báo cáo khoa học như thế đã được công bố ngày 8.9 tại Hà Nội, trong hội thảo Nguồn tư liệu về lịch sử VN trong và ngoài nước: tiềm năng và vấn đề sưu tầm, khai thác do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ KH-CN) tổ chức. Các nguồn tư liệu được nhắc tới trong hội thảo khá đa dạng: tài liệu lưu trữ tại 4 trung tâm lưu trữ quốc gia, thư tịch của Viện Hán Nôm, kho lưu trữ T.Ư Đảng, sưu tập ở Bảo tàng Dân tộc học, các kho tư liệu ở Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức và Hà Lan…
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Minh Nguyệt (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói nhiều tới các kho lưu trữ tại Mỹ với thông tin cả về quân sự và dân sự. Trong đó, Trung tâm VN và Văn khố trực thuộc ĐH Công nghệ Texas là một kho báu quý giá. TS Đào Đức Thuận (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, về nguồn tư liệu lưu trữ Cộng hòa liên bang Đức, trong đó có tư liệu về công nhân VN lao động tại Đức, sinh hoạt của sinh viên VN theo học tại các cơ sở giáo dục đào tạo của CHDC Đức từ những năm 1950 - 1980… Ông cũng cho biết: “Tư liệu về VN giai đoạn từ sau năm 1945 là phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình cũng như vô cùng giá trị về nội dung”.
TS Cam Anh Tuấn (ĐH Quốc gia Hà Nội), đề cập đến khối tài liệu tại Kho lưu trữ hải ngoại Pháp ở Aix-en-Provence. Những tài liệu này đã được phân loại từ 1946, sau đó di chuyển về Pháp từ 1953 - 1954. “Khối tài liệu lưu trữ không chỉ thể hiện ở các giá trị phục vụ nghiên cứu lịch sử mà còn trong vấn đề xã hội đương đại như tìm kiếm thông tin thân nhân. Nhiều thế hệ người Việt di cư tới Pháp từ sau năm 1954 và 1975 có thân nhân bị bắt làm lính thợ cho thực dân Pháp đã tìm thấy nhiều thông tin hữu ích trong khối tài liệu lưu trữ này”, ông cho biết.
Cũng có một lưu ý đáng nói về tư liệu VN tại Trung Quốc. Theo đó, nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Phúc Anh cho rằng cần mở rộng việc tìm tư liệu lưu trữ phân tán ở các địa phương, tư nhân hoặc trên thực địa. Ông cũng lấy ví dụ về việc ông Phạm Lê Huy đã tìm thấy tư liệu về quả chuông thời Lý lưu lạc ở đất Trung Quốc, hay TS Nguyễn Tô Lan tìm thấy một số bản tuồng cổ VN qua những cách tìm nói trên.
Bình luận (0)