Một nghìn năm, một đường phố

03/12/2010 00:11 GMT+7

GS Đặng Phong là người chuyên nghiên cứu về lịch sử kinh tế (lĩnh vực chưa được quan tâm nhiều tại VN) và tự nhận mình hoàn toàn không phải là nhà Hà Nội học, nên việc ông nghiên cứu lịch sử con đường Lê Duẩn được coi là chuyện lạ.

Vào đầu năm 2001, trong cuộc họp mặt giới thiệu cuốn sách của một nhà sử học Pháp, GS Đặng Phong và nhiều người bạn có chung suy nghĩ: lịch sử Hà Nội là vấn đề lớn mênh mông, có bao nhiêu cuốn sách cũng không nói hết được, càng nghiên cứu rộng thì rất có thể càng “xa” Hà Nội, nên chăng hãy “zoom” vào từng đường phố, từng khu chợ, thậm chí một vài ngôi nhà? Từ suy nghĩ đó đã gợi ý cho Đặng Phong đến việc nghiên cứu lịch sử cụ thể một con đường, nhưng chọn con đường nào đây? Câu hỏi ấy đeo đẳng ông cho tới khi ông cùng bạn đi uống bia  trước cửa ga Hàng Cỏ nằm trên đường Lê Duẩn và bia đã “góp phần gợi ý” cho ông. 

Với nguồn tư liệu là các bản đồ, tài liệu lịch sử, các bức ảnh, bức tranh… ở nhiều thời kỳ khác nhau, những nghiên cứu của GS Đặng Phong đưa ra trong cuốn sách Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố, NXB Tri Thức mang tới cho độc giả những thông tin mới mẻ, thú vị về sự hình thành, thay đổi của con đường Lê Duẩn - cửa ngõ phía nam của thủ đô - trong suốt 1.000 năm lịch sử, từ thời Lý đến Nguyễn, sang thời Pháp, và sau Cách mạng Tháng 8.

Với cách diễn đạt nghiêm túc mà nhẹ nhàng, hệ thống mà bay bổng (theo nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc), độc giả như bị cuốn theo bước chân của tác giả đi dọc theo con đường Lê Duẩn, khám phá, tìm hiểu từng di tích, công trình kiến trúc có khi còn, có khi đã mất, có khi vẫn giữ nguyên hình dáng cũ, có khi đã thay đổi và những con người gắn liền với lịch sử của con đường.

Nhiều chi tiết có thể khiến độc giả cảm thấy bất ngờ, thú vị: lý do ga Hà Nội thường được gọi là ga Hàng Cỏ, bức tượng Nữ thần Tự do (ở nước ta còn được gọi là Nữ thần Công lý) đã được đặt ở quảng trường mà ngày nay là vườn hoa Lý Thái Tổ, trên nóc Tháp Rùa, vườn hoa Cửa Nam, căn nhà số 20 phố Cửa Nam trước đây là cơ sở bí mật của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, nhà in Taupin nơi in những tờ giấy bạc Cụ Hồ đầu tiên… 

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.