Khảm bước thật nhanh trên con đường đất để trở về nhà khi công việc ở công ty may mặc vừa kết thúc. Đôi chân Khảm rệu rã, cảm giác mệt mỏi thấm dần trong cơ thể của người phụ nữ đã gần bốn chục tuổi đời. Tiếng những con bìm bịp và những con chã chuộc bên khu nghĩa địa bắt đầu à uôm, tiếng con cuốc đen gọi bầy thảng thốt trở thành âm thanh quen thuộc của những người dân sống gần khu nghĩa địa, báo hiệu một ngày nữa sắp tàn. Bóng tối dần bao phủ xuống xóm trọ. Gió gào rít trên những khóm tre. Cả tiếng nước suối róc rách chảy cũng khiến người ta liên tưởng đến những âm thanh đáng sợ. Bóng đêm đã bao trùm, không một bóng người xuất hiện trên con đường ấy nữa. Xa xa, vài ba ngọn đèn được thắp leo lét. Xóm trọ càng âm u.
Khảm đốt vội ngọn đèn dầu rồi đặt giữa nhà để lấy chút ánh sáng, sau đó đi ra mé đồi sau nhà, tìm vài ba mảnh gỗ thông đem vào nhóm bếp chuẩn bị nấu bữa cơm tối cho mình, cho mẹ già và đứa con trai vừa tròn bốn tuổi.
Khảm mới cùng mẹ và con trai chuyển về khu xóm trọ này sống chưa lâu. Mẹ Khảm đã ngoài bảy mươi nhưng còn khỏe mạnh. Lúc đầu, Khảm sống ở đây một mình, để mẹ và con trai sống ngoài quê. Tiền lương hằng tháng Khảm tiêu xài dè xẻn, chắt bóp rồi gửi về quê cho hai bà cháu. Sau rồi dọn vô ba người ở chung, cuộc sống hiện tại của Khảm cũng không đến nỗi nào.
Khảm còn đang loay hoay nấu bữa cơm tối thì bà cụ bế thằng bé về. Chiều giờ hai bà cháu đi chơi bên mấy nhà hàng xóm. Vừa nhìn thấy mẹ trong ánh lửa cháy bùng của đám lá thông khô, thằng Tảo đã nhao nhao đòi mẹ bế. Khảm nhìn ra rồi mỉm cười, vội vàng phủi tay vào vạt áo, đón lấy thằng bé. Bà cụ nhìn hai mẹ con Khảm mà trong lòng chộn rộn không yên, cứ thế thở dài rồi đi vào trong bếp coi nồi cơm mà Khảm còn đang đun dở. Ngoài trời gió bắt đầu nổi lên, tưởng như sẽ có một cơn mưa nặng hạt đổ ào xuống thung lũng.
Khảm bế con vào nhà, lấy quần áo rồi đưa con ra suối tắm. Nước suối ở khu thung lũng rất đặc biệt, buổi sáng thì chuyển sang mát lạnh còn đêm về lại cực kỳ ấm áp. Người làng đồn tai nhau, con suối này có tên suối giải oan. Có một cô gái không chồng, do uống nước ở con suối này mà có chửa nhưng người làng chẳng tin mặc cho cô gái hết lời giải thích. Uất ức, cô gái dìm mình xuống khúc sâu nhất của con suối. Chuyện xảy ra cách đây cũng lâu rồi nhưng khi nhắc lại, ai trong khu thung lũng đều sợ hãi. Họ đồn kể từ ngày ấy, dòng suối mới có hai luồn ấm lạnh luân phiên đổi cho nhau.
Khảm không mê tín dị đoan, cũng ít tin vào những chuyện đồn kỳ dị. Bởi thế mà mới ngày đầu chuyển về trọ trong thung lũng, không ít người khuyên Khảm nên tìm thêm bạn ở chung cho đỡ sợ, nhưng Khảm đều bỏ ngoài tai. Khảm cứ sống một mình cho đến ngày đón mẹ và con trai vào cùng. Vừa lúc này, người tình cũ của Khảm quay trở về một mực đòi bắt thằng Tảo mang lên thành phố...
Bữa cơm tối được dọn lên, ba người quây quần bên mâm cơm leo loét ánh đèn dầu. Suốt bữa chẳng ai nói tiếng nào, chỉ có tiếng léo nhéo không đầu đuôi của thằng Tảo. Màn đêm tĩnh lặng, tiếng côn trùng im bặt, chỉ có tiếng gió và tiếng nước suối róc rách, vọng đều.
Khảm và vội chén cơm rồi đứng lên đi thu dọn đồ đạc, giường chiếu chuẩn bị cho mẹ và con trai đi ngủ, còn mình thì mặc thêm áo khoác, chuẩn bị tăng ca. Xí nghiệp dịp gần tết, những đơn đặt hàng dày, tăng ca cũng thường. Có khi cả tuần Khảm không ngủ ở nhà một đêm, nhìn cô gầy rạc.
Khảm bước vội ra khỏi nhà, mặc cho tiếng gió vẫn gầm gào trong lòng thung lũng, có cả tiếng bà cụ nói gì đó vọng ra nhưng Khảm không kịp nghe rõ. Những bước chân của Khảm rảo nhanh trên con đường cây cối um tùm. Bỗng có tiếng người gọi đằng sau. Trong cái không gian tù mù ấy, Khảm nhận ra Huân, anh bảo vệ tốt bụng của công ty may mặc mà cô đang làm.
- Cô Khảm, tôi càng gọi cô càng đi nhanh làm tôi chạy bở hơi tai ra đây này.
- Hôm nay anh trực ca đêm hả?
- Ừ, dạo này tôi chuyển qua trực ca đêm, thế nên bữa nào tăng ca thì nói tôi qua rủ cô đi cùng.
- Dạ, tại tôi cũng vừa mới ăn cơm tối xong, lại lo chút chuyện cho thằng Tảo, sợ muộn nên tôi ráng đi nhanh.
- Ra vậy, số cô cũng lận đận quá nhỉ.
- Lận đận gì chứ anh, tất cả vì mưu sinh cả mà.
Hai người cùng bước trên con đường dốc lên dốc xuống, vài ba câu xã giao thêm vui chuyện. Đi qua đoạn đường âm u thì tiếp theo là đoạn đường ánh đèn điện sáng choang. Khu công nghiệp về đêm vẫn náo nhiệt bởi những đoàn công nhân tan ca lũ lượt kéo nhau ra về. Tiếng cười nói nhộn nhịp cả một khoảng không gian rộng lớn. Khảm và Huân bước vội về phía cổng, tiếng rò rò của những động cơ đã dần lớn hơn, rõ hơn vọng đều đều bên tai. Khảm nói lời tạm biệt Huân để bước vào trong phân xưởng. Huân nhìn cô mỉm cười, không quên gọi với theo mời Khảm đi ăn khuya chung trong giờ nghỉ giải lao giữa ca. Khảm gật đầu mỉm cười. Huân cứ đứng vậy nhìn Khảm cho đến khi bóng cô khuất sau những lớp ánh sáng đèn điện vàng chóe một màu.
Huân kém Khảm hai tuổi nhưng nhìn anh già dặn. Huân góa vợ. Từ ngày vợ và con gái gặp tai nạn mất, Huân như già đi rất nhiều. Khảm có nói chuyện qua lại vài lần với Huân. Trong phân xưởng, nhiều người gán ghép Khảm với Huân. Khảm nghe nhiều người kể về anh, về những câu chuyện xảy ra xung quanh cuộc sống anh. Khảm khâm phục nghị lực của Huân, cô nuối tiếc cho những mất mát không đáng có ấy. Nhiều khi tan ca, Khảm vẫn nán lại chỗ Huân, ngồi nghe anh nói chuyện một chút. Khảm thì chưa bao giờ kể cho Huân nghe câu chuyện về cuộc đời mình. Khảm chỉ nói bâng quơ về một người đàn bà ám mùi tội lỗi, đáng bị trừng phạt.
Huân hay ghé nhà Khảm, có khi lợp lại mái bếp cho khỏi dột, có lúc cặm cụi làm đôi quang gánh để Khảm lên rừng gom lá thông khô về chất bếp để dành nấu nướng, lúc lại chát lại cái bể nước cho sạch. Mẹ Khảm rất quý Huân, mỗi khi có chuyện bà đều qua nhờ Huân làm. Thằng Tảo thì càng khoái anh, những đồ chơi trong nhà của thằng Tảo một tay Huân làm, có vài thứ Huân mua ngoài phố đem về cho thằng bé. Mỗi khi thấy Huân dành cả giờ đồng hồ ngồi chơi với thằng bé, Khảm lại mủi lòng. Dĩ nhiên cô sẽ dõi mắt theo Huân, dõi theo nụ cười của anh nhưng chẳng biết tại sao cô không dám bước tới gần...
Một buổi chiều tháng mười một, trời hầm hập bởi những áng mây. Khảm đang trong ca ở xí nghiệp thì có người chạy vào báo với cô là thằng Tảo bị té gãy tay, phải nhập viện. Chân tay bủn rủn, Khảm bỏ việc, chạy thật nhanh ra khỏi xí nghiệp, đón xe ôm chạy vào bệnh viện. Tới nơi, Huân và bà cụ đã ngồi đó, thằng Tảo đang nằm ngủ, tay nó đã được bác sĩ bó bột. Thấy Khảm đến, Huân vội vàng đứng dậy, ra hiệu cho Khảm mọi chuyện đã qua. Khảm run run nói:
- Cảm ơn anh...
- Có gì đâu mà cảm ơn, cô cứ coi tôi như người nhà, đừng khách sáo vậy. Cũng may hôm nay tôi có ở nhà, nghe bà cụ gọi tôi chạy qua liền.
- Bác sĩ có nói chừng nào thằng Tảo mới được xuất viện không anh Huân?
- Thêm một ngày đi. Cô cứ lên xí nghiệp làm tiếp, mọi chuyện ở đây để tôi lo cho.
Chiều tối đó tan ca, Khảm vội vàng trở về nhà. Đường về sao hôm nay dài ra vô tận, lòng dạ Khảm ngổn ngang
đủ kiểu. Đến khi ngôi nhà trọ quen thuộc đã hiện ra trước mắt, Khảm bước vội vào. Trong nhà, thằng Tảo đã tỉnh táo, nhìn thấy Khảm, nó cười tươi như thường. Huân đang ngồi chơi với thằng bé. Khảm vội chạy đến bên con, cố né vết thương, khẽ ôm nó vào lòng và bật khóc.
Huân đứng dậy xin phép ra về, chuẩn bị vào ca đêm. Khảm đứng trong nhà nhìn theo bóng anh. Mẹ già từ dưới bếp đi lên, nhẹ nhàng nói với Khảm:
- Thằng Huân nó được đấy, tốt người lại tốt tính. Nếu thấy thương người ta được thì nói, chứ mẹ thấy thằng Huân coi bộ nó khoái thằng Tảo nhà mình. Ngày nào cũng dành thời gian chơi với thằng bé.
Khảm lại mủi lòng:
- Mẹ thấy đấy, con như thế này rồi, biết người ta có chịu không...
- Thì chị cứ suy nghĩ kỹ đi rồi có gì tôi đả động cho. Nói gì thì nói, chứ nhà thiếu đàn ông trụ cột, thấy trống trải và lạnh lẽo lắm.
Nói xong bà cụ thở dài rồi lại bỏ xuống dưới nhà. Bữa cơm tối được dọn lên, lại là khoảnh khắc im lặng của mỗi người. Khảm nuốt vội cho xong chén cơm rồi đứng dậy.
Đêm ở thung lũng ảm đạm như thường khi, một màu tối đen u uất. Khảm không ngủ được, cứ nằm trằn trọc trong buồng. Những tiếng thở dài cứ thế nối tiếp nhau. Ngoài sân đã lộp độp vài hạt mưa nặng trĩu, phá tan bầu không gian yên tĩnh. Khảm không biết rồi đây mình sẽ thế nào. Sẽ cho chính mình và cho Huân một cơ hội hay mãi mãi cuộn mình trong vỏ bọc của những mặc cảm bản thân. Để rồi đêm đêm Khảm lại trằn trọc, lại thèm muốn một hạnh phúc nhỏ nhoi còn sót lại mà bản thân cô chưa đủ mạnh mẽ, chưa đủ can đảm để tự mình chạm tay vào nó...
Bình luận (0)