Mũi tên đồng Cổ Loa bước ra từ huyền thoại

19/01/2015 03:00 GMT+7

Lịch sử tưởng như đã bị câu chuyện huyền thoại về Mỵ Châu “trái tim nhầm chỗ đặt trên đầu” che mờ. Cho đến khi hệ thống khuôn và lò đúc được tìm thấy ở Cổ Loa.

Lịch sử tưởng như đã bị câu chuyện huyền thoại về Mỵ Châu “trái tim nhầm chỗ đặt trên đầu” che mờ. Cho đến khi hệ thống khuôn và lò đúc được tìm thấy ở Cổ Loa.

Mũi tên đồng Cổ Loa bước ra từ huyền thoạiMũi tên phát hiện trong trống đồng Cổ Loa được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Quốc lộ 3 đi qua khu di tích Cổ Loa, đoạn Cầu Vực đã xôn xao khi công nhân bỗng phát hiện một hố sâu. 
Bí ẩn kho mũi tên khổng lồ
Theo PGS-TS Bùi Văn Liêm - Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, văn hóa Đông Sơn rực rỡ vào khoảng cuối thế kỷ 2 - 1 trước Công nguyên và kéo dài vài ba thế kỷ sau Công nguyên, khi đất nước rơi vào ách thống trị của nhà Hán. Trong hoàn cảnh đó, văn hóa Đông Sơn vẫn vững vàng tiếp thu văn hóa Hán để làm phong phú văn hóa dân tộc mà không hề bị đồng hóa.
Hố vuông một cạnh 1 m, sâu 1,2 m chứa đầy 93 kg mũi tên đồng. Ước tính khoảng gần một vạn chiếc. “Lúc đó là tháng 6.1959. Loại mũi tên dài nhất
11 cm. Loại ngắn nhất 6 cm. Chúng đều cấu tạo gồm ba bộ phận: đầu nhọn, trụ và chuôi cùng có mặt cắt ngang hình tam giác. Ðầu mũi tên có mặt cắt hình tam giác với rìa cạnh thẳng hoặc hơi cong vồng ra”, TS Lại Văn Tới - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành nhớ lại. Số tên này được xếp thành từng nhóm, cùng hoặc ngược chiều nhau rất ngay ngắn trong hố.
Loại mũi tên đồng này cũng được phát hiện nhiều ở khu vực các di chỉ khảo cổ và xóm làng của Cổ Loa. Từ Bãi Mèn, Ðồng Vông, Ðường Thụt, Ðường Mây, Ðình Tràng đến Xóm Nhồi, Xóm Hương, Xóm Gà, Xóm Mít, Xóm Vang. TS Tới cho biết đây là loại mũi tên đặc trưng của vùng Cổ Loa vào cuối thời đại đồng thau - sơ kỳ thời đại đồ sắt. Các nhà khoa học cũng đặt tên chúng là “Mũi tên đồng Cổ Loa”.
Các nhà nghiên cứu khi đó cũng đã có ý giải ảo cho truyền thuyết về nỏ thần “chỉ núi thì núi tan, chỉ ngàn thì ngàn cháy”. Kho tên đồng Cầu Vực khiến họ tin rằng bên trong truyền thuyết về An Dương Vương là một cốt lõi lịch sử chân thật.
“Kho mũi tên đồng Cầu Vực có tới hàng vạn chiếc, không thể là của một công xã đúc để trang bị cho dân binh của công xã mình. Nó phải được đúc ra từ một quan xưởng, một lò đúc do một tổ chức có tiềm lực to lớn sản xuất để trang bị cho một lực lượng phòng vệ to lớn và được sử dụng cho loại vũ khí có tính năng cao như nỏ máy bắn ra một lúc đồng thời nhiều mũi tên. Truyền thuyết về nỏ thần của An Dương Vương, về tướng tài cung nỏ Cao Lỗ hẳn không phải đơn thuần chỉ là trí tưởng tượng của người xưa”, nhà nghiên cứu Chử Văn Tần viết trong cuốn Văn hóa Đông Sơn ở VN.
Tuy nhiên, theo TS Lại Văn Tới, vẫn có những phản biện khác. Họ cho rằng vào thời điểm thế kỷ 3 - 2 trước Công nguyên, nhiều nơi trong khu vực và trên thế giới đã đúc được mũi tên các loại cùng nhiều đồ đồng khác. Chính vì thế mà họ nghi ngờ việc luyện - đúc mũi tên đồng của An Dương Vương tại Cổ Loa. Đó có thể chỉ là tên mang từ nơi khác đến.
Hệ thống lò đúc, xưởng đúc lớn
Chưa có gì chắc chắn mũi tên đồng Cổ Loa được đúc ở chính nơi đây, do những bàn tay tài khéo của đất này. Phải đến những cuộc khai quật 2004 - 2007, một tình tiết mới phát sinh đã làm thay đổi nhận thức về nỏ thần.
“Chúng tôi đã tìm thấy hệ thống dấu tích lò đúc mũi tên đồng Cổ Loa”, TS Lại Văn Tới nói. Các lò được phát hiện còn xác định được cả nơi đặt ống dẫn gió, than tro. Ðặc biệt, trong những khu vực xuất lộ những lò nung, có vô vàn những mang khuôn bằng đá, cho thấy vật đúc là mũi tên đồng giống với mũi tên đã phát hiện được ở Cầu Vực và nhiều nơi khác ở Cổ Loa. Cùng với mang khuôn nguyên vẹn, còn phát hiện được nhiều mang khuôn vỡ, phác vật khuôn, phế vật, phế thải bỏ lại trong quá trình làm khuôn và nhiều đá nguyên liệu chế tạo khuôn. Ông Tới cho biết, cùng bình diện với lò đúc, khuôn, mảnh nồi nấu đồng, xỉ đồng là nhiều mũi tên đồng.
“Phát hiện hệ thống dấu tích các lò đúc và những vật liệu liên quan đến kỹ thuật đúc mũi tên đồng ba cạnh ở Ðền Thượng (Cổ Loa) là chứng cứ vật chất khẳng định chắc chắn việc đúc mũi tên của An Dương Vương tại kinh đô Cổ Loa”, ông Tới cho biết.
Vị trí tìm ra lò đúc cũng cho thấy việc đúc mũi tên là một “bí mật quân sự”. Điều này khá hợp lý vì nguyên liệu đồng vào thời đó còn vô cùng quý hiếm. Chưa kể, theo ông Tới, mũi tên đồng lúc bấy giờ chính là loại vũ khí tân tiến, lợi hại. “Việc chọn góc tây nam của thành Nội Cổ Loa - nơi gần các cung điện, lầu các của hoàng gia triều An Dương Vương đã phản ánh được mức độ quan trọng của xưởng đúc”, ông Tới phân tích.
Hệ thống dấu tích còn lại cho thấy có khá nhiều lò đúc. Lượng khuôn còn lại cũng lên tới hàng trăm chiếc. Cộng thêm sản phẩm của lò là hàng vạn mũi tên đồng đã phát hiện được ở Cầu Vực và khắp vùng Cổ Loa cho thấy đây là xưởng đúc lớn, được tổ chức, quản lý chặt chẽ của nhà nước và là quan xưởng.
“Mũi tên đồng là câu chuyện của văn hóa Đông Sơn. Nó cho thấy cốt lõi lịch sử về Cổ Loa - mảnh đất được An Dương Vương chọn định đô, xây thành”, ông Tới nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.