Muôn mặt đời sống hôn nhân trên phim

22/06/2021 06:18 GMT+7

Những câu chuyện của đời sống gia đình, hôn nhân hiện đại được khai thác nhiều chiều trong phim truyền hình hiện nay.

Nhiều kiểu nhân vật “tiểu tam”

Khán giả đang có những bình luận trái chiều xung quanh nhân vật “tiểu tam” trong bộ phim Hãy nói lời yêu (đang phát sóng trên kênh VTV3). Người thương xót cho “tiểu tam”, người lên án hành động của kẻ thứ ba chen vào cuộc sống gia đình của người đàn ông đã có vợ. Nhân vật “tiểu tam” Trâm (diễn viên Trúc Mai) được xây dựng đối lập với nhân vật bà Hoài (nghệ sĩ Nguyệt Hằng) - vợ ông Tín (NSND Trọng Trinh). Trâm là người ngọt ngào và thấu hiểu; trong khi bà Hoài là người độc đoán, chỉ làm mọi việc theo ý mình. “Chúng tôi không đề cao “tiểu tam” hay chuyện vi phạm đạo đức, mà muốn để khán giả thấy vì sao mọi việc lại diễn ra như thế”, biên kịch Huyền Lê của bộ phim chia sẻ.
Trâm là một trong muôn vàn kiểu “tiểu tam” xuất hiện ngày một nhiều trong phim truyền hình những năm gần đây. Diễn viên Lương Thanh từng bị khán giả “ghét” lây từ vai Trà “tiểu tam” trong phim Hoa hồng trên ngực trái. Trà ngang nhiên cặp kè với giám đốc, người đàn ông đã có vợ con. Nhân vật người vợ tên Khuê (Hồng Diễm thủ vai) quanh năm chỉ biết cơm nước và chuyện bỉm, sữa khiến chồng khinh thường, coi là vô tích sự. Nhưng chính từ sự xuất hiện của “tiểu tam” khiến người chồng lạnh lùng muốn ly hôn đã đẩy người vợ vào đường cùng bắt cô phải vùng lên, làm chủ cuộc sống và tìm lại hạnh phúc cho mình. “Thực ra, Khuê là mẫu nhân vật không hiếm gặp ngoài đời thực. Tôi giống Khuê ở điểm đặt gia đình lên trên hết, nhưng khác với Khuê ở chỗ khó chấp nhận việc chồng ngoại tình”, Hồng Diễm nói và cho rằng, lỗi của Khuê là thiếu đi sự nhạy cảm, tinh tế, tin chồng mù quáng, tự khép kín, thu hẹp mối quan hệ với xã hội, để rồi cô phải đối mặt với cuộc hôn nhân tan vỡ.
Diễn viên Thu Quỳnh vào vai Ngọc được coi là người thứ ba xuất hiện chen vào cuộc sống của vợ chồng Thủy (Thúy Hằng) và Minh (Trương Minh Quốc Thái) trong phim Lửa ấm. Thu Quỳnh cho rằng nhân vật của cô chấp chới giữa ranh giới đúng và sai, bởi lý do mà Ngọc từ nước ngoài trở về gặp Minh chỉ để con trai mình nhận cha, nhưng cô lại mang đến cả sóng gió cho gia đình người yêu cũ. Thu Quỳnh cũng nói trong thực tế, có nhiều người phụ nữ như Ngọc. Những câu chuyện về đời sống gia đình, hôn nhân thường bắt nguồn từ thực tế xã hội.
Muôn mặt đời sống hôn nhân trên phim1

Lửa ấm đưa ra những câu chuyện về đời sống hôn nhân trong xã hội hiện đại

ẢNH: VFC

Những mong manh, cám dỗ từ thực tế

Nhà biên kịch Huyền Lê cho rằng không phải ngẫu nhiên mà phim truyền hình những năm gần đây thường đưa vào những dạng nhân vật “tiểu tam”. Theo chị, việc đó phản ánh về những mong manh của cuộc sống hôn nhân trong nhiều gia đình ở xã hội hiện đại. Nhà biên kịch này kể, khi xây dựng hình ảnh nhân vật “tiểu tam” trong những tập đầu tiên của Hãy nói lời yêu, chị đã quan sát vụ đánh ghen ầm ĩ trên mạng xã hội vào thời điểm đó.
“Những năm gần đây, mình không đơn thuần là người lướt mạng nữa mà quan sát những câu chuyện thực tế của xã hội. Cứ vài ba ngày lại ầm ĩ việc người kia ngoại tình, vợ chồng bóc phốt nhau. Tần suất xuất hiện những vụ việc như vậy thường xuyên và nhiều cho thấy thực tế đáng buồn của xã hội”, chị nói và nhìn nhận: “Những mối ràng buộc trong gia đình lỏng lẻo, có nhiều nguy cơ dẫn đến đổ vỡ. Bên cạnh những mâu thuẫn trong kinh tế, tiền bạc còn có cả mâu thuẫn đến từ người thứ ba”, nhà biên kịch Huyền Lê nói.
“Bây giờ, vợ chồng có phải là đi làm rồi về nhà đâu, nên bị nhiều chuyện xung quanh cám dỗ”, NSND Trọng Trinh - thủ vai ông Tín trong phim Hãy nói lời yêu, chia sẻ và tự nhận ngay bản thân ông trong cuộc sống cũng không phải là không gặp những cám dỗ, nhưng “mình phải biết đâu là những giới hạn để không vượt quá”. Những tình tiết, câu chuyện ngay trong kịch bản Hãy nói lời yêu đã cuốn hút NSND Trọng Trinh bởi “quá gần với cuộc sống” như lời của nhà biên kịch Huyền Lê.
Bên cạnh Hãy nói lời yêu, Huyền Lê cũng tham gia viết kịch bản nhiều bộ phim khác như Nàng dâu order, Ghét thì yêu thôi, Mùa hoa tìm lại, Cô gái nhà người ta... Với những câu chuyện về cuộc sống hôn nhân, chị viết với những chắt lọc từ kinh nghiệm, quan sát cuộc sống thực và trên mạng. “Những việc nhỏ, to đều phải để ý, bởi như vậy mình mới có thể tìm hiểu về thực trạng xã hội, tâm lý con người hiện nay. Bên cạnh đó là cần tìm hiểu, nghiên cứu về tâm lý của con người. Như khi viết kịch bản phim Hãy nói lời yêu, tôi cũng đã phải nói chuyện với một vài người có hoàn cảnh trải qua nhân vật trong phim, kể cả những người đàn ông đã ly dị vợ để hiểu hơn về suy nghĩ của họ”, chị cho hay.
NSND Trọng Trinh cho rằng khi cuộc sống có những cám dỗ như vậy, phim cũng là để mọi người nhìn nhận lại bản thân. “Sự yêu thương chân thành sẽ giúp người ta đến với nhau”, ông nói. Biên kịch Huyền Lê bộc bạch: “Khi xây dựng nhân vật trong phim Hãy nói lời yêu, tôi không tạo nên ai là hoản hảo hết, cũng như con người trong cuộc sống ai cũng có mặt này, mặt kia; nhưng trên hết, họ nhận ra thế nào là đúng, thế nào là sai để hướng tới cuộc sống hạnh phúc hay không”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.