Phong phú nhiều loại mũ miện xưa
Người xưa quan niệm mũ chính là mạch nối giữa thiên tử và trời, chưa kể kiểu dáng trang sức trên mũ cực kỳ quan trọng, thể hiện vị trí của người đội mũ trong xã hội. Theo Phan Huy Chú viết trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Nước ta về các triều đại trước, quy chế mũ áo thế nào không thể khảo cứu được. Đến thời Lê Thái Tông (1437) mới được ghi lại là đã chế ra mũ miện để dùng vào các dịp lễ: tế Trời, tế Môn Miếu, lễ Khánh tiết, Tết Nguyên đán… nhà vua mặc áo long cổn, đội mũ miện lên ngự bảo tọa. Còn lễ thường triều những ngày mùng 1 và rằm mỗi tháng đội mũ xung thiên. Thời Trung hưng về sau, nhà vua làm lễ lớn chỉ đội mũ xung thiên, tế Nam Giao thì đội mũ miện, lúc thường triều thì đội mũ tam sơn. Chúa Trịnh trong các đại lễ Yến giao và Tấn tôn thì đội mũ xung thiên, khi giải quyết chính sự ở phủ đường, khi triều hội, yết kiến các quan thì đội mũ tam sơn…”.
tin liên quan
Phát hiện nhiều cổ vật quý ở Hà TĩnhTới thời Tây Sơn, chuyện mũ miện chỉ được ghi lại qua cuốn hồi ký Thành hoàng đế - Kinh đô vương triều Tây Sơn tả về trang phục hoàng đế Cảnh Nhạc: “Ngài đội mũ vải bó lấy đầu, phía sau cao lên, phía trước vài viên đá quý. Trên chỏm là một viên đá đỏ được đính vào mũ bởi một sợi dây bằng đồng thau khiến nó vươn cao lên quá chỏm mũ. Mỗi khi vua cử động, viên đá cử động đung đưa phát ra ánh sáng rực rỡ…”. Đến thời Nguyễn, sách Đại Nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi rất rõ về các loại mũ của hoàng thái hậu, hoàng hậu, hoàng thái tử, hoàng tử, tôn tước, quan lại. Còn hoàng đế bao gồm nhiều loại mũ: Đại triều, Thường triều, Tế giao, Xuân thu, Duyệt binh… Cụ thể: Gia Long năm thứ 5 có các loại mũ của bá quan văn võ bao gồm: Phốc tròn, Phốc vuông, Văn công, Hổ đầu, Đông pha, Xuân thu. Tiếp đến Gia Long năm thứ 6 là mũ Cửu phượng (của hoàng hậu), mũ Ngũ phượng, Tam phượng, Nhất phượng (cung tần bậc nhì, bậc ba, bậc bốn), mũ Thất phượng (của công chúa). Ngoài ra, chúng ta còn được biết vua Gia Long đội mũ Xung thiên, Đường cân, Xuân thu ở trong các dịp lễ. Như vậy, trên lý thuyết thì trước triều Nguyễn, cụ thể là thời chúa Nguyễn, các loại mũ này đã có và rất thịnh hành. Tuy nhiên, để làm sống lại đúng theo nguyên mẫu các loại mũ miện ấy không hề dễ dàng.
|
“Bàn tay vàng” phục chế
Tại TP.HCM, nghệ nhân Vũ Kim Lộc là người có đôi “bàn tay vàng” để làm công việc này. Xuất thân từ thợ kim hoàn, sưu tập đồ cổ và trang sức nhưng lòng đam mê lịch sử đã dẫn dắt ông đến với nghề phục chế mũ miện hết sức tình cờ. “Năm 2007, có một nhà sưu tập tư nhân mua được bộ trang sức bằng vàng trên mũ của người Chăm thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên đến nhờ tôi phục dựng. Nhờ đó, tôi mới tập trung nghiên cứu, tìm hiểu lĩnh vực quá mới này thông qua các ảnh chụp, sơ đồ, thậm chí lặn lội khắp các vùng miền có đặt tượng đá người Chăm để tham khảo. Cuối cùng, công trình hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu của Bảo tàng Lịch sử (Sở VH-TT TP.HCM) đánh giá cao”, ông Lộc tiết lộ.
tin liên quan
Báu vật Phù NamTừ thành công này, năm 2008 TS Phạm Quốc Quân, khi ấy là Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, đề nghị ông Lộc ra Hà Nội phục dựng 4 chiếc mũ vua mà bảo tàng vừa tiếp nhận từ kho hiện vật cung đình Nguyễn đã bị hư hỏng nặng. Ông mời thêm nghệ nhân kim hoàn Trần Ngọc Trí và thợ bạc Lê Văn Tuấn (TP.HCM) cùng tham gia.
Ông Lộc nhớ lại: “Khi tiếp cận 4 chiếc mũ, tôi ngỡ ngàng và xúc động. Hiện vật được đựng trong 2 túi, tất cả các loại hình trang trí bằng vàng và đá quý trên mũ đều bị tháo rời và cuộn lại, trong đó có nhiều chất thải của loài mối cùng các loại hình gãy nát, đặc biệt hoàn toàn không có cốt mũ. Công việc khảo sát được thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ bảo tàng, gồm túi 1 hơn 700 chi tiết, túi 2 là 1.400 chi tiết. Không khí làm việc đầy căng thẳng, bởi công việc quá khó khăn”.
|
|
Tiếp đó là những chuyến thị sát các lăng tẩm vua ở Huế. “Công việc có lúc tưởng chừng bế tắc trước những tinh xảo về nghệ thuật chế tác của người xưa. Họa tiết trên mũ cứ như được thêu, dệt bằng các sợi vàng nhỏ 0,1 - 0,35 mm, rồi cầu kỳ se lại tạo hoa văn thừng. Trong khi kỹ thuật kéo sợi vàng hiện nay chỉ đạt tới sự tinh xảo nhất là 0,25 mm, đặc biệt là hàn các sợi vàng nhỏ 0,1 mm. Còn về kỹ thuật hàn không cần đến công đoạn làm nguội, đánh bóng, nhưng các họa tiết, hoa văn nhỏ li ti trông cứ như được dán vào. Nhưng công phu và tỉ mỉ nhất là các mặt rồng, đầu rồng. Ngoài chi tiết: bờm, sừng, mắt, mũi, râu thì các hàng vảy được làm bằng các sợi vàng nhỏ 0,1 mm se lại rồi uốn từng vảy, ráp vào hàn. Ở công đoạn này, nghệ nhân xưa biết dùng bột vàng để hàn, ngoài bí quyết pha chế vảy hàn ra, vảy hàn còn giũa thành bột, sau đó chấm vào điểm hàn và chỉ cần phà lửa sơ qua là các điểm hàn đều kết dính chắc chắn. Vì vậy phải phục dựng y như thật những công đoạn này một cách thật hoàn hảo”, nghệ nhân Vũ Kim Lộc chia sẻ.
Sau 11 tháng “ăn với mũ, ngủ thấy mũ”, cuối cùng công trình hồi sinh 4 chiếc mũ Đại triều và Tế giao triều Nguyễn của ông và cộng sự đã được Hội đồng khoa học Bộ VH-TT-DL và Bảo tàng Lịch sử VN nghiệm thu, đưa tên tuổi ông trở thành “của hiếm” ở VN trong việc phục chế những mũ mão của các vương triều xưa, giúp lưu giữ những báu vật vô giá cho muôn đời sau và giải mã nhiều bí ẩn của lịch sử.
Nhà nghiên cứu, nghệ nhân Vũ Kim Lộc tên thật là Vũ Văn Giót. Ông sinh năm 1957 tại xã Dỵ Chế, H.Tiên Lữ (Hưng Yên), vào sống tại TP.HCM từ năm 1976. Ông đã từng viết nhiều sách: Nghề kim hoàn của Chămpa, Cổ vật Chămpa, Cổ vật huyền bí... Ngoài thành công trong việc làm hồi sinh 4 mũ vua triều Nguyễn, ông còn có những công trình khôi phục những chiếc mũ vô giá: mũ Hổ đầu của Thống chế Thoại Ngọc Hầu, mũ Phốc vuông của Phó tổng trấn Bắc thành Lê Văn Phong (em ruột Lê Văn Duyệt), mũ Xuân thu thời chúa Nguyễn…
|
Bình luận (0)