Ngắm cổ vật ngàn tuổi ở bảo tàng Nam Kỳ xưa

23/08/2019 19:06 GMT+7

Ngày 23.8, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (trước đây là Bảo tàng Nam Kỳ), đã khai mạc triển lãm chuyên đề đặc biệt, giới thiệu gần 250 hiện vật quý gắn với các giai đoạn phát triển của bảo tàng suốt gần một thế kỷ qua.

Theo TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM: “Bảo tàng Nam Kỳ, sau này là Bảo tàng Blanchard de la Brosse, Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn hay Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, với bộ sưu tập hiện vật đầu tiên sở hữu nhờ cuộc lạc quyên của những người “hiếu cổ”. Dù nhiều tên gọi khác nhau nhưng tất cả sau 90 năm, giờ đây đã tạo nên một nền tảng vững chắc để thực hiện công việc trong việc bảo tồn các hiện vật quý giá cho Việt Nam”.

Bảo tàng Nam Kỳ trước đây

Nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

So với các bảo tàng trong khu vực ra đời ở giai đoạn này thì Bảo tàng Nam Kỳ có số phận lận đận nhất. Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Trên bán đảo Đông Dương thuộc Pháp, trong khi nhiều bảo tàng lần lượt xuất hiện: Bảo tàng Louis Finot (1909 ở Hà Nội), Bảo tàng Henri Parmentie (1919 - Tourane, Đà Nẵng), Bảo tàng Albert Sarraut (1919, Nam Vang, Campuchia) và Bảo tàng Khải Định (1923, Huế) thì ở Nam Kỳ vẫn chưa có gì cả. Vì vậy, Hội Cổ học Ấn - Hoa hay còn gọi là Hội nghiên cứu Đông Dương cùng các trí thức Pháp khởi phát ý định xin thành lập Viện Bảo tàng về cổ vật. Năm 1887, việc xây dựng Viện Bảo tàng tại đường Gia Long đã được Thống đốc Le Myre de Vilers chủ xướng nhưng sau khi xây xong tòa nhà chính viên thống đốc này mượn cớ chưa có chỗ ở để chiếm chỗ làm tư dinh của mình".
Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn: "Năm 1900, được sự hỗ trợ của trường Viễn Đông Bác Cổ, Hội nghiên cứu Đông Dương được phép sử dụng tầng 1 ngôi nhà ở số 140 Hai Bà Trưng để làm địa điểm cho Bảo tàng Nam Kỳ. Ngày 24.1.1927, đánh dấu bước ngoặt mới khi Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse đã ký nghị định thành lập Bảo tàng Nam Kỳ, sau này đổi tên là Bảo tàng Blanchard de la Brosse và cử ông Jean Bouchot làm giám thủ, chính thức khai sinh ra một bảo tàng có ‘'danh chính ngôn thuận’' đầu tiên được chính quyền công nhận ở Nam Kỳ. Tiền thân của bảo tàng Lịch sử TP.HCM ngày nay”.

Nhiều hiện vật quý sẽ được giới thiệu

Chuyên đề 90 năm hành trình từ ký ức giới thiệu bộ sưu tập của Holbé. Đây là những hiện vật thủ công mỹ nghệ có xuất xứ các nước châu Á được chế tác tinh xảo, thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân trên nhiều chất liệu như gỗ, gốm, ngà, kim loại, đá quý.
Nổi bật là hiện vật chế tác bằng ngọc và ngà độc đáo là các loại hình chén, ống cắm, bức trang trí, phù điêu tam đa, gậy như ý, vật trang trí. Đặc biệt, hiện vật lọ hít được chế tác vào thế kỷ 19, có men màu. Trên hai mặt thân của hiện vật trang trí hình ảnh hoa lá, phong cảnh sơn thủy và tích cổ Trung Quốc. Có thể những chiếc lọ này được sử dụng đựng hương liệu, mỹ phẩm đương thời và là sản phẩm chỉ dành cho tầng lớp trên.
Hiện diện trong chuyên đề còn là những hiện vật được nhà Louis Malleret tìm thấy tại các di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo. Đó là những vòng chuỗi hạt được chế tác từ đá quý; đồ trang sức đa dạng về loại hình như nhẫn, khuyên tai, vật trang sức được tạo tác công phu, tỉ mỉ từ kim loại. Những cổ vật tiêu biểu được trưng bày phản ánh trình độ, kỹ thuật phát triển đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc đá và kim hoàn; phản ánh sự phát triển thịnh vượng của một vương quốc cổ từng tồn tại trong vòng bảy thế kỷ ở Nam bộ Việt Nam.

Quản thủ người Việt đầu tiên là học giả Vương Hồng Sển

Quản thủ đầu tiên người Pháp là ông Jean Bouchot

Trẻ em chụp ảnh trước Bảo tàng Nam Kỳ

Bản vẽ mặt cắt tòa nhà bảo tàng trước đây

Nổi bật trong số hiện vật được hiến tặng là bộ sưu tập do Viện Harvard Yenching và Bảo tàng Peabody tặng năm 1962, gồm các hiện vật được tìm thấy trong mộ Hán (Thanh Hóa) niên đại thế kỷ 1 - 10 và các hiện vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh cách nay hơn 3.000 năm.
Còn hiện vật thuộc thời kỳ Bắc thuộc là những vật dụng sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày và các mô hình nhà, bếp lò… bằng đất nung được chôn theo người chết với quan niệm xưa của người phương Đông rằng họ sẽ tiếp tục cuộc sốngthế giới thứ hai.
Trong số di vật qua khai quật khảo cổ được trưng bày trong chuyên đề còn có chiếc mũ của Đô Thống chế Thần sách Lê Văn Phong, hàm Tòng nhất phẩm Võ ban. Ông là em trai của Tả quân Lê Văn Duyệt, phục vụ dưới triều Gia Long và Minh Mạng, giữ chức Phó tổng trấn Bắc Thành. Ông mất vào năm 1824 và được an táng tại vị trí hiện nay là Bộ Tổng tham mưu Quân khu 7. Năm 1961, trong quá trình khai quật cải táng lăng mộ của ông, người ta tìm thấy phần di cốt còn mặc trên người bộ phẩm phục đại triều của ông gồm: mão, cân đai, quần áo, thẻ đeo…, sau đó đưa về bảo quản tại Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn. Cùng với chiếc mũ của Đô Thống chế Thần sách Lê Văn Phong là chiếc mũ của “Thiên vương Thống chế” tìm thấy ở Biên Hòa (Đồng Nai).

Đồ dùng thế kỷ 1 - 3

Hiện vật gốm Việt Nam thế kỷ 1 - 3

Hiện vật đá Gò Cát (Q.2, TP.HCM) cách ngày nay khoảng 3.000 năm

Đất nung vùng Giồng Cá Vồ (Cần Giờ) cách ngày nay khoảng 2.500 năm

Năm 1962, để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng xây dựng mở rộng sân bay Biên Hòa, Nha hàng không Việt Nam Cộng Hòa đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện khai quật cải táng lăng mộ “Thiên vương Thống chế” tại xã Tân Phong, Biên Hòa. Căn cứ vào các đặc điểm trang sức đính trên phần mũ, các nhà nghiên cứu đã xác định và phục nguyên lại chiếc mão cho thấy đây là vị quan Võ hàm Chánh Tam phẩm.
Tận mắt chứng kiến những hiện vật vô giá tại triển lãm lần này ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, người xem thêm trân quý những tâm huyết của người xưa và mọi tầng lớp xã hội trong việc cất công sưu tầm và tham gia nhiệt tình vào công việc hiến tặng hiện vật. Đặc biệt, ý thức bảo tồn di sản văn hóa của người dân, cũng như chính quyền trong việc thành lập Bảo tàng Nam Kỳ từ cách đây 90 năm thật sự khiến thế hệ hậu sinh kinh ngạc và tự hào.

Tượng quan Việt Nam thế kỷ 18 - 19

Tượng Bồ Tát thế kỷ 19

Bộ sưu tập Louis Malleret

Nhiều hiện vật độc đáo được cất công sưu tầm trong suốt 90 năm

Con dấu và thẻ bài của Hội nghiên cứu Đông Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.