Ngắm phụ nữ Việt ‘nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên’ của Lê Bích

31/08/2018 07:30 GMT+7

Nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết, những người phụ nữ ở làng nghề “nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên” là cảm hứng cho triển lãm Sắc màu cuộc sống .

Nhiếp ảnh gia gắn với các nghề thủ công và giếng làng Lê Bích vừa có triển lãm ảnh Sắc màu cuộc sống. Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức trong khuôn viên bảo tàng này, từ 30.8- 30.9.
Triển lãm gồm 40 bức ảnh này kể về những người phụ nữ đang góp phần vào việc gìn giữ và phát triển các làng nghề - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của đất nước.
“Đâu đó có những công việc đặc biệt, những giờ khắc lặng thầm, có lo toan, có vất vả… nhưng đó là cách họ lao động, cách họ sống, một cách chân chính. Từ đôi bàn tay, từ sự tự tin, từ những giọt mồ hôi đổ xuống…”, ông Lê Bích chia sẻ.
Suốt thời gian thực hiện bộ ảnh, có nhiều nhân vật làm ông Bích xúc động. Tuy nhiên, một nữ lao động tên là Ngần, làm ở làng hương đem lại cho ông nhiều suy tư nhất.
“Người làng hương phải làm với môi trường cực kỳ độc hại. Hương phải se tay, sau đó tẩm hương liệu tự nhiên là vỏ cây thơm và bột mùn cưa. Bó hương được nhúng vào thùng có bột rồi lắc lên để bụi đó bám vào. Làm như thế, công nhân phải che tất cả, chỉ hở đôi mắt. Làng hương đó khi khá giả rồi thì thuê người ngoài làm công đoạn này.
Bạn Ngần ở làng khác cách đó 7 cây số, hàng ngày bạn tự mình đi xe đạp đến đó đi làm. Nhà có xe máy nhưng bạn nhường cho chồng đi làm. Ngần gửi 2 con cho bà nội trông. Làm từ sáng đến 12 giờ trưa. Được 150.000/ngày. Tôi xúc động thực sự! Quá vất vả!”, ông Bích nhớ lại.
Chị Ngần (32 tuổi) đang làm thợ nhúng hương tại làng Cao Thôn, xã Bảo Khê, Hưng Yên. Hàng ngày, chị Ngần đi làm từ 4 giờ sáng và phải đội mũ, che mặt, chỉ chừa đôi mắt, vì nơi làm rất bụi như trong một lớp sương màu vàng mỏng, nóng nhưng không thể bật quạt. Thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng Ảnh Lê Bích
Tuy vất vả là vậy, tinh thần của nhân vật vẫn rất lạc quan. “Làm nửa ngày rồi về bạn ấy cơm nước giặt dũ. Dù vất vả nhưng bạn ấy lúc nào cũng mong muốn thêm việc. Tôi chụp nhiều bức và thấy thực sự là khó chọn. Sau cùng tôi chọn bức ảnh chụp Ngần chỉ có đôi mắt lộ ra thôi. Có gì buồn buồn và vẫn mong đợi tương lai. Nhân vật đấy là nhân vật nhớ mãi”, ông nói.
Ông Bích cũng chia sẻ vì sao lại chọn phụ nữ làm nghề truyền thống để chụp. “Vai trò của phụ nữ trong làng nghề rất rõ rệt. Kể cả nghệ nhân cũng có nghệ nhân nữ rất nhiều. Họ cũng làm nghề nhưng họ rất hay là họ điều tiết kinh tế cũng như công việc gia đình cực giỏi luôn. Họ xuất tiền mua nguyên vật liệu, bán hàng thu tiền về. Đi chợ cũng tằn tiện. Toàn bộ đó là phụ nữ làm hết”, ông Bích nói.
Cũng theo ông Bích, trong bộ ảnh có một bức ông rất thích nữa là hai phụ nữ lái đò. “Hai phụ nữ lái đò vẫn tranh thủ cho con bú, rang lạc cho con ăn trong lúc chờ đợi lái đò. Trong lúc chờ đò thì họ vẫn thu vén cho gia đình, vẫn tiết kiệm thời gian để làm vợ làm mẹ vẹn toàn”, ông Bích nói.
Phụ nữ lái đò ở chùa Hương tranh thủ chăm sóc con trong lúc chờ việc. Tuy khách khá đông vào mùa lễ hội nhưng có nhiều đò nên họ phải chờ 4- 5 giờ mới đến lượt phục vụ khách Ảnh Lê Bích
Một bức ảnh khác cũng khá ấn tượng là bức ảnh người phụ nữ đang làm tương. “Công đoạn làm tương nhìn thì nhẹ nhàng, chỉ đồ xôi, rắc men lên. Nhưng tôi không vào đó lâu được, vì khi đó men chả khác gì nắm xôi để 5 ngày không ăn. Mùi rất khủng khiếp. Họ phải tãi đám xôi đó ra để ánh sáng vào vừa đủ, tương mới ngon.
Tôi hoàn toàn không thấy đàn ông làm ở công đoạn lên men ủ men. Việc đó cũng không nhẹ nhàng. Mùi cực kỳ mùi luôn. Phải nói ai đi qua cũng sẽ thấy thế”, ông Bích cảm nhận.
Hiện nay, người dân thị trấn Bần, Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên vẫn làm tương Bần truyền thống Ảnh Lê Bích
Về bộ ảnh 40 tấm này, ông Bích nói: “Tôi nghĩ đến câu hát: nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên. Tôi thấy sao câu đó nó hay thế. Tôi chứng kiến những phụ nữ làng nghề như thế. Và nó cũng là cảm hứng để tôi sáng tác bộ ảnh”.
Cũng trong buổi khai mạc triển lãm tối 30.8, tác giả Lê Bích tặng bản quyền 40 bức ảnh này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn những bức ảnh sẽ truyền cảm hứng cho công chúng, để mỗi người thêm trân trọng những phụ nữ lao động.
Làng Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định là nơi duy nhất ở miền Bắc còn sản xuất khăn xếp. Trước đây,khăn xếp, áo the được mặc trong các dịp lễ hội, tiệc làng của người Việt. Gia đình anh Bùi Văn Lĩnh và chị Vũ Thị Nghinh một ngày làm 70-80 khăn xếp Ảnh Lê Bích
Hiện nay, một số làng ở tỉnh Nam Định vẫn duy trì nghề ươm tơ dệt vải, riêng làng Cổ Chất vẫn bám trụ với nghề ươm tơ thủ công, luôn lạc quan vào sự phát triển của nghề Ảnh Lê Bích
Công nhân Công ty Vệ sinh môi trường Hà Nội cúng giao thừa trên hè phố Thợ Nhuộm trước khi làm nhiệm vụ Ảnh Lê Bích
Nghề gốm ở Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội ) đã xuất hiện trên 1.000 năm và từng có thời kỳ phát triển cực thịnh vào thế kỷ 18-19. Hiện nay, gốm vẫn được nung trong lò than truyền thống. Than bùn - nguyên liệu để nung gốm, được người dân tận dụng các mảng tường trống để phơi Ảnh Lê Bích
Phụ nữ xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận vá lưới chuẩn bị cho ngư dân ra khơi Ảnh Lê Bích
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.