Ngày sách Việt Nam khai mạc tại Đường sách TP.HCM với nhiều hoạt động hấp dẫn

18/04/2021 12:43 GMT+7

Cùng với Hội sách trực tuyến quốc gia lần 2, Ngày sách Việt Nam lần 8 do Bộ TT - TT, Ban Tuyên giáo T.Ư, UBND TP.HCM cùng Hội Xuất bản Việt Nam và các đơn vị phối hợp tổ chức, vừa khai mạc sáng nay 18.4 với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.

Sáng 18.4 tại Đường sách TP.HCM, Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 (diễn ra đến ngày 22.4), vừa khai mạc với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT - TT Hoàng Vĩnh Bảo; Cục trưởng Cục Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên; Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Văn Minh; Giám đốc Sở TT - TT TP.HCM Lâm Đình Thắng; Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM Lê Hoàng; Giám đốc - Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn; nhà văn hóa Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam… cùng nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, độc giả yêu sách và các đơn vị xuất bản trong cả nước.

Các đại biểu và khách mời tham dự tại lễ khai mạc

Sự kiện thu hút rất đông người yêu sách và du khách tại Đường sách TP.HCM

Thứ trưởng Bộ TT - TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại lễ khai mạc

Ảnh: Quỳnh Trân

Khẳng định tầm quan trọng của Ngày sách Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT - TT Hoàng Vĩnh Bảo nói tại lễ khai mạc: “Đại văn hào Victor Hugo từng nói: ‘Việc đọc rất quan trọng, nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn’. Lời khẳng định này đã chỉ ra sứ mệnh cho sách và những người làm sách. Sách mở ra con đường để con người đến với tri thức, tìm ra giá trị văn hóa và nhân bản…”
Tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT - TT Hoàng Vĩnh Bảo cũng đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM, vì đã có nhiều thành tích về việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Ngay sau lễ khai mạc, buổi tọa đàm Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của các nhà quản lý và đơn vị xuất bản. Cục trưởng Cục Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khẳng định: “Hoạt động xuất bản ở nước ta có tính chất đặc thù, vừa đề cao những yếu tố văn hóa tư tưởng trong xã hội, vừa gắn với việc sản xuất kinh doanh hiệu quả. Hoạt động mang tính sáng tạo của tác giả - cá nhân nhưng lại gắn liền với truyền thông đại chúng. Vì vậy việc thường xuyên đổi mới. cập nhật công nghệ xuất bản dựa trên nền tảng số hết sức quan trọng và cấp thiết…”.
Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ là không thể tránh khỏi, theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đó là tình trạng đánh cắp bản quyền diễn ra quá dễ dàng và thường xuyên. Nếu trước đây chúng ta đau đầu với nạn sách giả vẫn chưa dứt thì bây giờ lại tới lo lắng cho ebook.

Thứ trưởng Bộ TT - TT Hoàng Vĩnh Bảo (bìa trái) trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Lê Hoàng vì đã có nhiều thành tích về việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

NXB Tổng hợp TP.HCM giới thiệu sách điện tử cho độc giả tại Ngày sách Việt Nam 

"Việc tập trung phát triển công nghệ ở các đô thị khiến cho những vùng sâu vùng xa, sách điện tử không 'phủ sóng' tới được…”, bà Nguyễn Thị Diễm Phương phát biểu tại buổi tọa đàm

Ảnh: Quỳnh Trân

Bà Nguyễn Thị Diễm Phương - đại diện NXB Tổng hợp TP.HCM, một đơn vị xuất bản đi tiên phong trong lĩnh vực sách điện tử từ cách đây hơn 10 năm, đúc kết "kinh nghiệm xương máu": “Lúc đầu thử sức với công nghệ nghĩ thấy đơn giản là rất …tiềm năng nhưng khi vào cuộc mới biết mọi thứ không hề dễ dàng. Đầu tiên, nạn ‘ăn cắp’ bản quyền với các phiên bản ebook có thể diễn ra mọi lúc mọi nơi. Việc dễ dàng chia sẻ miễn phí hoặc bán với giá rẻ cũng tạo điều kiện cho người xấu lợi dụng. Chúng ta chỉ phòng ngừa người ngay chứ làm sao phòng được kẻ gian; chưa kể việc tập trung phát triển công nghệ ở các đô thị khiến cho những vùng sâu vùng xa, sách điện tử không có điều kiện 'phủ sóng' tới được…”
Chiều nay 18.4, Ngày sách Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra buổi giao lưu với các khách mời "đậm chất Sài Gòn": nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, tác giả Phạm Phương Thảo, tiến sĩ Lê Quốc Cường và nhà báo Lê Công Sơn với chủ đề Sài Gòn – TP.HCM từ bước chân lưu dân đến đô thị thông minh.
Tiếp đó, những ngày sau là các tọa đàm chuyên đề: Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và một số tài liệu phục vụ học tập, triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (19.4), Cuốn sách và tôi (20.4), Tủ sách hay dành cho con trong gia đình: Tại sao không? (21.4). Một số hoạt động trưng bày sách tại Đường sách TP.HCM diễn ra liên tục cho đến ngày 22.4 theo những chủ đề: TP.HCM hội nhập và phát triển, Tủ sách hay dành cho con trong gia đình - Tại sao không?, Sách dành cho học sinh tiểu học theo chủ đề môn học và từng cấp lớp (theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT), Sách tranh truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh…
Còn trực tuyến trên Sàn book365.vn, song song với chương trình Ngày sách Việt Nam là Hội sách trực tuyến quốc gia Sách cho mọi nhà có tới 20 buổi giao lưu giữa độc giả và các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, người nổi tiếng và một số chuyên gia ngành xuất bản, một số đại sứ văn hóa đọc, trong đó có Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, nhà văn - nhà báo Trần Mai Hạnh, nhà thơ Hữu Việt...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.