Lĩnh vực sách chứng kiến sự bùng nổ sôi nổi của các ấn phẩm lấy cảm hứng từ “chuyện xưa tích cũ”. Một trong những ấn phẩm tạo cơn sốt là Truyện Kiều cảm tác do Cao Nguyệt Nguyên viết lời cùng phần hình của 12 họa sĩ. Sách phản ánh tâm thế, góc nhìn của thế hệ trẻ với một tác phẩm cách đây vài thế kỷ qua phần lời tự sự đa chiều, soi rọi tâm tư các nhân vật và phần vẽ minh họa tràn đầy năng lượng. Đánh giá về tác phẩm này, đại diện NXB Kim Đồng cho biết: “Cuốn sách diễn ngôn bằng văn xuôi kèm hình ảnh sinh động sẽ giúp người đọc, đặc biệt là các bạn học sinh, hiểu hơn, tò mò hơn về Truyện Kiều, từ đó có hứng thú hơn khi đọc những đoạn trích bằng thơ trong sách”.
Việt sử diễn họa của Thanh Huyên - nữ họa sĩ sinh năm 1992, thì tóm tắt lịch sử của VN từ thuở hồng hoang với truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên cho đến khi triều Nguyễn chấm dứt, trong 208 trang sách. Thanh Huyên chia sẻ vì khổ sách và số trang có hạn nên cô chắt lọc thông tin, mỗi truyện khoảng 2 trang và vẽ khoảng 100 bức tranh. Việc chọn hình thức diễn họa hoàn toàn phù hợp vì không cần chi tiết mà vẫn khái quát được từng giai đoạn lịch sử qua trang phục, bảo khí hay kiến trúc... “Mục tiêu của tôi khi thực hiện quyển sách này để những người trẻ như tôi hình dung được rằng nước mình từ xưa đã là nơi thắng hội”. Là một trong những thành viên đời đầu của Đại Việt Cổ phong, một trong những nhóm nghiên cứu về trang phục, văn hóa Việt với hàng nghìn bạn trẻ nên phần hình ảnh của quyển sách được tác giả chăm chút không chỉ sinh động mà còn đảm bảo tính chính xác cao độ.
Trong khi đó, Mộng bình thường, triển lãm kết hợp giữa thời trang và nghệ thuật của NTK Thủy Nguyễn đã mang đến cho người thưởng lãm bức tranh nhiều màu sắc và độc đáo khi được nhìn ngắm văn hóa dân gian thăng hoa, đi vào đời sống. Từ hữu hình như tranh Hàng Trống,
tranh Đông Hồ , đạo Mẫu, áo dài, kỹ thuật dệt nhuộm xưa qua đôi tay khéo léo của các nghệ nhân, những bờ giậu phên nứa cho đến vô hình qua điệu hát, câu hò... đều được Thủy Nguyễn biến hóa tài tình, tạo nên không gian phức hợp đậm căn tính Việt.
Cũng trong tâm thức sáng tạo này, nghệ sĩ 9X Nguyễn Ngọc Vũ mang đến triển lãm Tuồng lấy cảm hứng từ lối phục sức của loại hình nghệ thuật này đặt vào cái nhìn siêu thực cực đại (pha trộn giữa nghệ thuật hiện đại và quá khứ, dùng kỹ thuật hiện đại phục dựng hình ảnh xưa); nghệ sĩ Trung Nghĩa thì đậm chất thôn quê với bờ tre, giỏ cá, các nông cụ và ngư cụ qua đôi tay tài hoa của các nghệ nhân ở triển lãm Nát giỏ còn bờ tre, đánh thức nơi người xem một phần ký ức đã mất hoặc có nguy cơ biến mất, đồng thời khơi gợi niềm tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy sáng tạo, đoàn kết, sẻ chia của con người đương đại.
NTK Thủy Nguyễn nói rằng cách duy nhất để văn hóa dân gian và những gì thuộc về phạm vi truyền thống tồn tại là hãy tìm cách đưa chúng vào đời sống đương đại. Ứng xử này bày biện cho người xem thấy tính hữu dụng và gần gụi của văn hóa xưa, của những thứ tưởng đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp. “Mang tất cả những điều này kết hợp cùng sự sẻ chia, vòng kết nối sẽ mạnh hơn, nhờ đó mà có thế hệ kế thừa, hoặc thấu hiểu được những gì người đi trước đã làm và tại sao họ làm như thế”, Thủy Nguyễn cho biết.
Tác giả Cao Nguyệt Nguyên bày tỏ sáng tạo cái mới sẽ không tránh khỏi tranh cãi giữa việc chấp nhận hay không chấp nhận. “Chỉ cần dũng cảm bước qua những điều đó, bạn sẽ thấy chuyện xưa tích cũ hay văn hóa dân gian đều sẵn sàng mở lòng dung nạp tất cả”.
Bình luận (0)