Bảng hiệu không được “đụng hàng”
Nhớ lại thời trước 1975 và sau này, thời gian khi chưa có kỹ thuật làm bảng hiệu bằng máy, Sài Gòn có rất nhiều tiệm vẽ bảng quảng cáo bằng sơn trên thiếc.
Khi nghiệp chủ nhờ tiệm làm bảng hiệu thì sẽ được tiệm vẽ quảng cáo giới thiệu một loạt hình mẫu và kiểu chữ cho nghiệp chủ chọn. Nếu là tiệm hớt tóc thì sẽ có hình gương mặt một anh trai với mái tóc lượn sóng tùy theo mốt từng thời. Khi thì giống Elvis Presley với hai bên mai to hoặc có khi thì tóc “bom bê” kiểu tứ quái The Beatles. Còn tiệm may thường có hình những phụ nữ mặc áo dài đứng nhiều tư thế.
Đôi khi là hình chân dung của một vài nữ nghệ sĩ thời thượng. Chữ nghĩa, nội dung thì đủ loại tùy theo nghiệp chủ mở ngành hàng gì. Bán xe thì bảng hiệu sẽ có hình ảnh khác với tiệm bán hòm. Những hình ảnh, kiểu chữ bay bướm, đủ màu sắc tùy theo “gu” của nghiệp chủ được vẽ bằng đôi tay thiện nghệ của các thợ vẽ đủ thể loại như Tiệm may Chú Sồi, hoặc có hơi hướng thời đại thì Tailor Minh, Tiệm uốn tóc Chú Há hay Baber salon Tửng…
Thật là trăm hoa đua nở. Không một tấm bảng hiệu nào giống tấm bảng hiệu nào vì mỗi tiệm vẽ quảng cáo đều có nét riêng và các nghiệp chủ đều không muốn bảng hiệu của tiệm mình đụng hàng với các bảng hiệu của tiệm khác.
Nếu hai tiệm ăn nằm cạnh nhau có cùng một ngành nghề thì chắc chắn hai bảng hiệu sẽ do hai tiệm vẽ quảng cáo khác nhau thực hiện để khỏi giống nhau về hình ảnh, màu sắc và phong cách. Nếu Tiệm mì Hòa Ký có hình con gà quay ươm vàng, chảy mỡ trên bảng hiệu thì bảng hiệu của Tiệm mì Ký Hòa sẽ là hình ảnh một người phụ nữ đang cầm đũa, há miệng, lòi răng bên tô mì bốc khói.
Những đôi tay tài hoa
Các tiệm vẽ bảng hiệu quảng cáo phải thuộc nằm lòng những quy định của chính quyền và góp ý cho nghiệp chủ để họ khỏi bị sờ gáy khi chưa mở tiệm. Vào tháng 12.1967 chính quyền Sài Gòn quy định bảng hiệu phải dùng Việt ngữ, chỉ trừ cơ sở của người nước ngoài được phép dùng danh hiệu ngoại ngữ cũ đồng thời phải thêm vào bảng hiệu một tên mới bằng tiếng Việt và chữ Việt phải lớn gấp ba lần danh hiệu ngoại ngữ.
Thứ hai mục đích của cơ sở kinh doanh phải dùng Việt ngữ. Thí dụ Kim’s Tailor thì phải viết là Nhà may Kim chứ không phải nghiệp chủ muốn tiệm vẽ bảng hiệu làm thế nào thì họ phải làm theo, mặc dù khách hàng là thượng đế.
Thời kỳ này, muốn có bảng hiệu đẹp thì nghiệp chủ phải tìm đến những tiệm vẽ quảng cáo có tiếng, nhiều mẫu mã và các tay thợ vẽ quảng cáo “danh trấn giang hồ”.
Giá cả chắc chắn là cao hơn tiệm vẽ không có tiếng tăm và ngoài ra cũng còn tùy theo kích cỡ theo yêu cầu nghiệp chủ. Kích cỡ này phải phù hợp với quy định của chính quyền sở tại để tránh tình trạng bảng hiệu lổn nhổn, thụt thò - thò thụt, cũng như tạo sự công bằng giữa các nghiệp chủ với nhau. Không ai có thể ỷ mình nhiều tiền mà đè bẹp đối thủ cạnh tranh mà từ đó làm xấu bộ mặt mỹ quan đô thị.
Khi nhận được đơn đặt hàng, chủ tiệm sẽ cho thợ đóng khung gỗ, sau đó đóng thiếc phủ lên khung gỗ và công đoạn sau cùng là của những tay thợ vẽ tài hoa. Đầu tiên những người thợ sẽ dùng sơn trắng để sơn lót bề mặt tấm thiếc như chúng ta thường hay sơn nhà. Sau khi sơn lót khô họ sẽ dùng phấn hay viết chì kẻ chữ, phác thảo hình ảnh lên bề mặt tấm thiếc.
Sau đó, chính họ hay người học việc bắt đầu tô sơn vào hình vẽ và chữ đã được kẻ sẵn. Kiểu, kích cỡ chữ và hình ảnh trên bảng hiệu phải cân đối với diện tích của tấm bảng hiệu. Công việc này kéo dài cả tuần và có thể hơn tùy theo kích cỡ to, nhỏ của bảng hiệu.
Bởi vậy, ngày xưa đặt vẽ một tấm bảng hiệu nghiệp chủ phải tính mốc thời gian là tháng. Nghiệp chủ không ngại thời gian lâu nếu hình vẽ đẹp, biểu tượng có màu sắc đập vào mắt của khách hàng. Chính người thợ vẽ cùng tiệm vẽ quảng cáo đã góp phần làm khách hàng chú ý đến cửa tiệm của nghiệp chủ.
Những người thợ vẽ giỏi, cũng có một ít là họa sĩ, xuất thân từ Trường Mỹ thuật Gia Định hay Đồng Nai hẳn hoi, là “cây đinh” cho từng tiệm làm quảng cáo bảng hiệu. Cũng giống như những họa sĩ vẽ pa nô cho các rạp chiếu bóng, mỗi người đều có phong cách - thường gọi là “xì tin” - của mình nên nhìn bảng hiệu quảng cáo người tinh mắt có thể nhận ra là nghiệp chủ đã thuê nơi đâu thực hiệu bảng hiệu. Còn như kỹ hơn thì người ta có thể nhìn góc nhỏ phía dưới của bảng hiệu sẽ thấy tên của tiệm làm bảng hiệu quảng cáo và nhiều khi có cả tên của họa sĩ như để “cầu chứng tại tòa”.
Vì tấm bảng hiệu được thực hiện bằng tay - ngày nay gọi là “hand-made” nên nhiều khi cũng không đồng đều và cũng không có tình trạng sản xuất hàng loạt như cách thực hiện bảng hiệu ngày nay. Do vậy, bảng hiệu của các cửa hàng, cửa tiệm cũng đã góp phần tạo nên một hình ảnh đẹp, sinh động cho bộ mặt Sài Gòn ngày xưa đó!
Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: Ở trung tâm Sài Gòn, khi người Pháp thành lập hệ thống đường xe điện để người dân di chuyển từ Sài Gòn đến Mỹ Tho, trên thân xe điện cũng vẽ quảng cáo và đây là phương tiện giao thông đầu tiên ở VN quảng cáo thuốc Nhành Mai, hòm Tobia... Những sản phẩm đời sống khác được quảng cáo rộng rãi: giày Bata, thuốc tây có Euquimol, Cortal, bia Larue, các loại sữa Guigoz, SMA, Con Chim (Nestlé), Ông Thọ (Longevity), xà bông Cô Ba, bột giặt Viso, Tico, kem đánh răng Hynos, Perlon, Leyna...
Tại Sài Gòn - Gia Định, sau năm 1954 có nhiều công ty hoạt động quảng cáo ra đời. Những người có trình độ chuyên môn, có thể đưa ra chiến lược kinh doanh như: Công ty quảng cáo AIP của người Pháp, Kỷ Á quảng cáo thương cuộc KAA, VAC. Loại thứ hai là những đơn vị chỉ có khả năng thi công như một số nhà vẽ quảng cáo nổi tiếng: Bướm Vàng (gần cầu Bông), Xuân Mai (đường Trương Minh Giảng), HaNa (đường Nancy), Thiên Nhiên, Thế Hệ (đường Phan Thanh Giản)...
Lĩnh vực vẽ quảng cáo cho các rạp chiếu phim hay cải lương có nhiều họa sĩ: Nguyễn Siên, Lương Đống, Hoàng Tuyển, Phan Phan, Loka, Nguyễn Quyền, Hoài Nam, Văn Chiếu, Nhan Lâm, Lê Trường Tiếu, Văn Lầu, Từ Cham, ông Thoại, Văn Chống, Phan Ngọc Thành, Hải Vân, Lê Đức, Lê Đằng, Nguyễn Thanh Trúc... Các họa sĩ vẽ quảng cáo thông qua kỹ thuật in lưới: Trần Quang, Trần Quang Minh, Tam Linh, Ba Hoàng, Phạm Đạt Tiết, Vũ Huy Long... Một số họa sĩ vẽ mẫu thiết kế quảng cáo: Nguyễn Văn Hiệp, Huỳnh Văn Mười, Trần Thành Công, Phạm Văn Châu, Nguyễn Văn Vinh... và nhiều họa sĩ vẽ bìa các bản nhạc: Tạ Tỵ, Phi Long, Phi Hùng, Kha Thùy Châu, Phạm Nguyên Vượng...
Công Sơn
|
Bình luận (0)