Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 4: 30 năm giữ chảo nấu đường

22/08/2013 00:00 GMT+7

Một thời nghề làm đường ở làng Bảo An (xã Điện Quang, H.Điện Bàn, Quảng Nam) hưng thịnh đến mức người ta lấy đường để đặt tên cho một bến đò nằm trên nhánh sông Thu Bồn.

“Bảo An đường tốt...”

Tôi tìm hỏi khá nhiều người mới nhận được cái chỉ tay đến nhà bà Nguyễn Thị Lệ (75 tuổi) - một người từng phụ cha làm đường thủ công trong suốt nhiều năm liền. Ngay cả đến khi đi lấy chồng, bà Lệ cũng về làm dâu trong một gia đình có truyền thống sản xuất đường nổi tiếng trong làng. Nhắc đến câu chuyện đường Bảo An, nỗi nhớ nghề từ trong ký ức xa xôi lại ùa về trong bà. “Nông Sơn than đá thiếu chi/Bảo An đường tốt, Trà My quế nhiều, đó là câu ca dao để nói rằng, đường làng tôi tốt có tiếng của xứ Quảng, là một sản vật đặc trưng của vùng. Hồi đó, trong làng ai cũng trồng mía, làm nghề nấu đường để xuất bán khắp cả miền Trung. Đường Bảo An có vị thanh ngọt rất đặc biệt, được ưa chuộng lắm đấy”, bà Lệ tự hào. Từ thuở mới lớn, bà Lệ đã thấy trong nhà có mấy thanh niên phụ cha chặt mía, bắc bếp nấu đường. Ngoài bãi, mía tím (giống mía được trồng hồi đó) khi nào cũng xanh tốt, còn trong nhà có đến 4-5 con trâu béo khỏe để lấy sức kéo. Đặc biệt, nhà nào chế biến đường phải có “ông che” - một loại “máy” nghiền, ép mía lấy nước.

Theo lời bà Lệ, “ông che” là hai súc gỗ lớn hình trụ tròn, bên giữa mỗi súc gỗ là trục quay được cố định một đầu để có thể tự đứng thẳng. Hai súc gỗ này được người ta đẽo rãnh răng cưa và khớp nhau như bánh nhông. Trên đỉnh một “ông che” được gắn một đoạn tre để nối ra ngoài. Đoạn tre này khi được buộc vào lưng trâu sẽ đóng vai trò như một thanh truyền lực. Chỉ cần đánh trâu đi vòng tròn, cả hai “ông che” sẽ quay đều và có thể nghiền nát bất cứ thứ gì lọt vào rãnh răng đó. Do vậy, ngày xưa người trực tiếp cho mía vào “máy” phải là người có kinh nghiệm nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Bà Lệ tiếp lời: “Đến mùa làm đường, “ông che” được dựng ngay giữa bãi mía, bên trong một căn chòi gọi là chòi đạp. Khi cho mía vào “ông che”, nước mía sẽ chảy xuống một cái thùng đặt bên dưới sau đó được chuyển sang bếp nấu với những chiếc chảo gang đã nóng. Trung bình mỗi bận, nấu được khoảng 60 lít mật”.


Ông Nguyễn Đình Lắm, người cuối cùng của làng Bảo An còn giữ chiếc chảo gang để nấu mật mía - Ảnh: Hoàng Sơn 

Bà Lệ cho biết thêm, nghề làm đường ở làng ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ 17. Qua nhiều đời, người cùng huyết thống các dòng họ giữ nghề theo kiểu cha truyền con nối. Có nhiều kỹ thuật mà người ta chỉ có thể tích lũy được nhờ vào người thân chỉ dạy. Trong đó, bí quyết để chế đường ngon nằm trong công đoạn “thén” vôi (bỏ vôi) vào mật mía. “Công đoạn này được thực hiện bởi những tay thợ lành nghề, sau khi đã cho mật mía vào thùng gỗ mít để lắng. Chỉ cần để già một tí vôi là hỏng mẻ đường, nếu để non thì đường chua hoặc có mùi khét”, bà Lệ kể.

“Còn chảo là còn hy vọng”

Về làm dâu trong gia đình có nghề làm đường trứ danh vùng Gò Nổi, nên bà Nguyễn Thị Lệ vẫn tiếp tục với nghề. Bà tặc lưỡi: “Trong lưu truyền dân gian có câu: “Chầu rày hết mía hạ che/Còn chi lên xuống mà ve thợ đường”. Ngày đó, các thợ đường có lam lũ, đen nhẻm vì bếp lò thì vẫn được cô gái yêu quý. Thời vàng son của nghề, thợ nấu đường cũng “có giá” lắm. Nhiều người cũng kể rằng từ xa xưa, vua Minh Mạng đã cho đào sông Câu Nhí để cho ghe bầu vào tận làng thu mua đường. Bến Đường cũng ra đời từ đó. Con cháu tui cho đến trước năm 1986, vẫn bám nghề làm đường để sống. Nhưng giờ thì tàn hết rồi, trong làng chỉ còn đứa cháu ruột của tôi là Nguyễn Đình Lắm (57 tuổi) giữ được chiếc chảo nấu mật”.

Ông Lắm được sinh ra trong một gia đình làm đường nổi tiếng. Cha mất, ông tiếp tục với nghề gia truyền. Dẫu có lúc thị trường “bỏ lơ” thứ đường bát ngọt ngon, ông Lắm vẫn cố giữ lửa bếp nấu mật như nó vẫn đỏ hàng trăm năm qua. Nhưng ông không thể ngờ đến những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, đường Bảo An thực sự chỉ còn lại cái tên. “Thấm thoắt mà đã gần 30 năm tôi phải treo chiếc chảo từng là món đồ nghề quý giá của cha để lại. Vợ tôi nói thôi thì không nấu đường nữa hay là bán nó đi, chứ để cũng chật nhà. Nhưng bán sao được, còn chảo là còn hy vọng giữ được nghề...”, ông Lắm nói.

Trước khi những bãi mía ven sông bị phá bỏ và đường bát - thứ đường cuối cùng trong làng chính thức biến mất, người Bảo An đã từng làm nhiều loại đường khác nhau như đường muống, đường cát, đường nhũ. Với ông Lắm, nghề làm đường đã ăn sâu vào tâm trí và ký ức một thời thanh niên. Thế nên, giữ lại chiếc chảo còn “sót” là một nhiệm vụ mà ông tự “vận” nó vào thân, xem đó là trách nhiệm đối với nghề xưa. Hỏi ông, có cách nào để nghề đường Bảo An “phục hưng”, ông Lắm lắc đầu: “Khó lắm, giờ trồng mía, chuột phá tan tành. Hơn nữa, đường bát vàng làm sao bằng đường kính trắng bán đầy ra đó”. Nói đoạn, ông cười bảo: “Nhưng biết đâu đấy...”.

Nơi “phát tích” của rượu Hồng Đào ?

Theo những tài liệu chúng tôi thu thập liên quan đến việc tìm nơi sản sinh ra thứ rượu trong câu ca dao: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Rượu Hồng Đào chưa nhắm đà say” có ý kiến cho rằng, làng Bảo An chính là nơi “phát tích” của thứ rượu này. Việc tranh luận cũng có ý kiến phần nhiều nghiêng về nhận định: Rượu Hồng Đào không có thật. Tuy nhiên, các tài liệu có chép, ngày xưa ngoài việc làm đường để bán cho nhiều nước trong khu vực, người Bảo An còn dùng mật mía để nấu nên thứ rượu đặc biệt thơm ngon. Theo lời của các bậc cao niên trong làng, với điều kiện sẵn mật mía nên từ rất sớm người Bảo An đã biết nấu rượu.

Hoàng Sơn

>> Hội chợ triển lãm nông nghiệp và làng nghề Việt Nam
>> Tâm huyết với phim về làng nghề
>> Mai một làng nghề sơn mài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.