Nghi vấn Sotheby’s đấu giá tranh giả Nguyễn Sáng

16/09/2019 20:32 GMT+7

Các nhà nghiên cứu, họa sĩ cho rằng bức tranh đề tên Nguyễn Sáng sắp được bán tại nhà đấu Sotheby’s là tranh giả .

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long vừa đưa lên Facebook cá nhân những nghi ngờ về một số bức tranh của các họa sĩ thời "mỹ thuật Đông Dương" (các họa sĩ từng học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) dự kiến đấu giá tại nhà Sotheby’s Hongkong. Kèm theo đó, ông Phạm Long đưa hình ảnh của bức tranh Dân quê Việt, được cho là của danh họa Nguyễn Sáng.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 16.9, ông Phạm Long nói về tác phẩm này: “Nhìn cảm giác như là một tranh mỹ nghệ với nét đều tăm tắp. Hoàn toàn không phải sáng tác của một họa sĩ”. Tác phẩm dự kiến sẽ được mang ra đấu giá vào phiên nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á vào ngày 6.10 tới.
Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cũng nhận xét bức tranh được coi là của danh họa Nguyễn Sáng như sau: “Chỉ cần nhìn cái tay trái cầm đòn gánh của người đàn ông ở gần lại cắm vào sau lưng người phụ nữ ở xa là đủ thấy hiểu biết về luật viễn cận của người vẽ bức tranh là ở mức zero. Những thứ ngớ ngẩn như thế sao cứ nhan nhản trong tranh của "các cụ Đông Dương", trong khi cả người bán, cố vấn chuyên gia lẫn người mua sao vẫn như không có mắt vậy?”.
Họa sĩ Thành Chương thì cho rằng, bức tranh được cho là của Nguyễn Sáng trông vẻ ngoài rất ngô nghê, hoàn toàn chẳng có gì tương xứng với tài năng của danh họa này. “Tranh đấy mà dám đề là tranh Nguyễn Sáng. Ngày xưa làm giả tranh còn phải làm hẳn hoi, nghiên cứu vải toan sơn dầu bố cục để giả cho người ta không nhận ra được. Đây xem ai cũng phì cười thì còn nói chuyện gì nữa”, họa sĩ Thành Chương nói.
Trên trang của nhà đấu giá nêu trên, tác phẩm được cho là do ông Sáng vẽ vào năm 1950. Nếu đây không phải tranh giả, tác phẩm sẽ ra đời trước 6 năm so với bức sơn dầu Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ cũng của danh họa Nguyễn Sáng - một tác phẩm đã được công nhận bảo vật quốc gia.
Theo Cục Di sản văn hóa, họa sĩ Nguyễn Sáng là một trong những tác giả xuất sắc nhất của mỹ thuật cận đại Việt Nam. Ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật ở lĩnh vực mỹ thuật năm 1996.
Sinh thời, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân từng viết về Nguyễn Sáng: “Tài năng già dặn của Nguyễn Sáng để lộ ở những tác phẩm mang đề tài lớn. Ở đó, anh suy nghĩ chín chắn, lâu dài, vẽ đi vẽ lại nhiều phác thảo và nghiên cứu. Bao giờ anh cũng tìm được những thể chất tạo hình thích hợp đến mức chính xác. Khó lòng nhặt ra ở anh sự không khớp giữa đề tài, khuôn khổ và bút pháp”.

Những năm gần đây, nhiều nghi án tranh giả thời "mỹ thuật Đông Dương" xuất hiện. Chẳng hạn, có những bức tranh của Lê Phổ bị coi là không biết vẽ hình với người phụ nữ có tới 2 bàn tay trái. Các nhà quan sát cũng cho rằng, tranh giả xuất hiện nhiều là do tranh của các họa sĩ từng học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bán được giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.