Người 'giải mã' những bức họa Đông Dương

27/01/2019 09:00 GMT+7

Bà Nguyễn Hải Yến là một trong những nhà nghiên cứu mỹ thuật đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật VN. Không chỉ là người nắm giữ những câu chuyện đằng sau nhiều bức họa nổi tiếng, bà cũng nằm trong số ít người có thể 'giải mã' những bức họa Đông Dương.

Là ái nữ của học giả, nhà báo Nguyễn Tường Phượng - người sáng lập và chủ bút của tờ Tri Tân nhưng bà Nguyễn Hải Yến không đi theo con đường của cha mà lại trở thành nhà nghiên cứu mỹ thuật. Năm 1962, ông Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, giao cho họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung làm Viện trưởng Viện Mỹ thuật VN (tên ban đầu của Bảo tàng Mỹ thuật VN). Trong những năm đầu tiên nhận trọng trách đó, ông Nguyễn Đỗ Cung chủ trương tìm những sinh viên học khoa sử, khoa học xã hội nhân văn… để đào tạo thành những chuyên gia, nhà nghiên cứu mỹ thuật cho Viện. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 1964, chính sự ham thích được tìm hiểu những điều mới mẻ đã đưa bà đến với quyết định về công tác tại Viện Mỹ thuật VN. Nhiệm vụ của Viện lúc đó không chỉ nghiên cứu những vấn đề mỹ thuật mà còn để thành lập bảo tàng mỹ thuật đầu tiên của VN.

Suýt chết mấy phen

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến công tác tại Viện Mỹ thuật VN từ năm 1964 - 1970. Sau đó, Viện Mỹ thuật VN chia thành 2 cơ quan: Viện Nghiên cứu mỹ thuật (sáp nhập vào Trường đại học Mỹ thuật VN) và Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Bà làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia từ năm 1970 trong vai trò nghiên cứu mỹ thuật cận đại và hiện đại. Năm 1997 bà về hưu, tiếp tục làm cộng tác viên Bảo tàng Mỹ thuật VN, ủy viên hội đồng mua tranh và giám định tranh. Bà hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Phê bình mỹ thuật Hội Mỹ thuật VN. Bà là tác giả cuốn Hội họa Hà Nội những ký ức còn lại. Cuốn sách là những nghiên cứu, ghi chép về các họa sĩ mở đường cho nền mỹ thuật VN hiện đại như Lê Huy Miến, Thang Trần Phềnh, Nam Sơn, Nguyễn Đỗ Cung…; những họa sĩ khởi đầu của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng…
Những chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu tiên của Viện Mỹ thuật VN được “học nghề” như thế nào?
Chúng tôi được học lịch sử mỹ thuật và chia ra thành từng nhóm nghiên cứu mỹ thuật cổ đại, trung đại, cận đại... sẵn sàng lên đường đi điền dã, sưu tầm. Khó khăn, thiếu thốn là một chuyện, nhưng vất vả hơn cả vì thời gian đó vẫn còn chiến tranh. Có những vùng chiến sự mình không vào được, khi vào được rồi thì nhiều di tích mình muốn nghiên cứu cũng đã tan hoang. Chúng tôi cũng suýt chết mấy phen.
Trong mỗi nhóm, mỗi người làm những công việc khác nhau. Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu cổ đại có người nghiên cứu phong cách mỹ thuật, người đi hỏi truyền thuyết trong làng, người nữa dập bia, đo đạc, người chụp ảnh… Sau này, tôi được giao nhiệm vụ đến thư viện chép các sách báo về thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, đồng thời đi mua, tìm tranh thời kỳ mỹ thuật này về trưng bày tại bảo tàng.
Việc mua tranh thời đó diễn ra như thế nào, thưa bà?
Cứ nghe gia đình nào có tranh là tôi tìm đến. Thường những gia đình sở hữu tranh là những gia đình danh giá tại Hà Nội như nhà của thị trưởng, ông phán, ông huyện, bác sĩ… Người ta không chú ý nếu mình ăn mặc điệu đà, nhưng lại rất chú ý cử chỉ, nói năng của mình phải lễ phép. Ngày xưa, không nói chuyện mua bán tranh. Bởi những gia đình như vậy hầu như đều khá giả, họ không cần tiền. Nhiều khi tranh còn để gác chuồng gà, gác trên nóc tủ. Có lúc tôi phải trèo lên phủi bụi, ngắm tranh. Bởi vậy, thay vì nói mục đích đến mua tranh thì tôi phải nói ý tứ rằng: “Bức tranh của ông bà đang hiện diện trên mảng tường thế này giá mà được đưa về bảo tàng mỹ thuật để mọi người cùng được chiêm ngưỡng thì thích lắm!”; “Nếu bác không muốn sở hữu bức tranh này, xin hãy nhường quyền sở hữu cho bảo tàng”; “Cháu nghe nhà bác có bức tranh này, nếu bảo tàng có được thì quý lắm”…
Cũng phải hiểu là thời kỳ đó, vì hình ảnh thiếu nữ ẻo lả trong tranh thường bị gắn với tính chất tiểu tư sản, nên nhiều gia đình không thích những bức tranh đó. Nhiều khi tranh bị để quăng quật là vì thế. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là người có tư tưởng cởi mở, tư duy cấp tiến nên nếu ông không đưa ra quyết định mở 2 phòng tranh cận đại và yêu cầu đi tìm mua tranh thì công chúng có lẽ đã không biết được tác phẩm của những họa sĩ mở đường cho hội họa VN.
Trong số những bức tranh đã mua, bà đặc biệt nhớ đến bức nào?
Họa sĩ Trần Văn Cẩn và nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến năm 1982 ẢNH: Ngọc An chụp lại từ tư liệu
Tôi nhớ nhất là bức Bình văn của họa sĩ Lê Huy Miến, được xem là một trong những tác phẩm đầu tiên của nền hội họa VN. Đó là những năm 1969 - 1970, tình cờ bức tranh được tìm thấy ở nhà cụ Nguyễn Đình Chữ ở đường Khâm Thiên (Hà Nội). Bức tranh không có tên người vẽ, năm vẽ. Ngay cả cụ Chữ cũng không hay biết, chỉ nhớ rằng hồi nhỏ bức tranh đã được treo ở nhà. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cùng nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu đã tới thẩm định và kết luận bức tranh là của họa sĩ Lê Huy Miến. Việc tìm thấy bức tranh đó làm chấn động giới mỹ thuật.
Lúc đầu, cụ Chữ muốn để lại bức tranh với giá khá cao, bảo tàng không có đủ tiền. Mãi về sau, khi cụ Chữ mất, cháu cụ - anh Mạnh Quân, tới bảo tàng và đề nghị để lại bức tranh với giá thấp hơn. Năm 1972, khi ấy họa sĩ Nguyễn Văn Y là Viện trưởng thay cho họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã đồng ý để tôi đến mua lại, phục vụ cho một cuộc triển lãm. Chỉ vài ngày sau khi mua bức tranh, máy bay B52 thả bom xuống Hà Nội, phố Khâm Thiên bị nặng nhất. Khi tôi trở lại, ngôi nhà từng treo bức tranh trước đó đã thành đống đổ nát.

Dù chiến tranh nhưng bảo tàng vẫn mở cửa

Bà còn nhớ cuộc triển lãm tranh đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật VN?
Năm 1958 - 1960, Hội Mỹ thuật tổ chức triển lãm tranh sơn mài của nhiều họa sĩ vừa mới sáng tác trong những năm 1955, 1956, 1957. Đó là khoảng thời kỳ nở rộ của sơn mài. Một cuộc hội nghị lớn của 12 nước XHCN được tổ chức. VN cũng tham gia cuộc hội nghị nghệ thuật, đem những tác phẩm mới sáng tác, phần lớn là tranh sơn mài, thỉnh thoảng điểm xuyết là tranh lụa, sơn dầu, sang 12 nước XHCN, rong ruổi trong suốt 2 năm. Những tác phẩm sơn mài của họa sĩ VN được ca ngợi rất nhiều. Thế giới rất lạ với những bức tranh dát cả vàng, bạc, vỏ trứng, những thứ nguyên liệu tự nhiên khác hẳn hội họa phương Tây. Năm 1966, khi bộ sưu tập đó trở về VN cũng đúng lúc Bảo tàng Mỹ thuật VN vừa khánh thành. Hội Mỹ thuật tặng luôn bảo tàng gần 200 tác phẩm được đưa đi triển lãm thời gian qua của những họa sĩ tên tuổi như Phan Kế An, Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… Cuộc triển lãm tranh đầu tiên có những tác phẩm đó được tổ chức vào năm 1966, công chúng đến xem rất đông.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến trong lần đến thăm họa sĩ Lương Xuân Nhị (giữa) Ảnh: Ngọc An chụp lại từ tư liệu
Vì sao tranh sơn mài lại nở rộ vào thời kỳ này, thưa bà?
Theo nghiên cứu của tôi, Nguyễn Gia Trí là người đã mở đầu tranh sơn mài, nhưng sau 6 - 7 năm, ông đóng cửa không giao tiếp với ai để tìm được sự chuyển đổi từ mỹ nghệ sơn mài truyền thống sang thành nghệ thuật tạo hình, mà đình đám nhất là triển lãm của ông năm 1939 - 1940. Đây cũng là giai đoạn cực đỉnh của Gia Trí. Các họa sĩ khóa sau cũng muốn noi gương Gia Trí để đi tiếp con đường ông đã tìm ra. Nhưng khi cuộc kháng chiến nổ ra, mọi người từ bỏ xưởng họa, mơ ước làm sơn mài cũng không thể có được. Các họa sĩ tập trung vào những ký họa nhỏ, trong khi dựng tranh lớn và làm sơn mài chỉ là ước mơ. Bởi vậy, khi hòa bình lập lại cũng là lúc các họa sĩ được thoải mái trong việc sáng tạo, tất cả đổ xô vào làm sơn mài. Vì thế, từ những năm 1955 - 1965 đã trở thành “thập niên của sơn mài”.
Trong thời kỳ chiến tranh, các tác phẩm hội họa được giữ gìn như thế nào?
Tôi còn nhớ, Bảo tàng Mỹ thuật VN thành lập vào tháng 6.1966, ngày 26 bảo tàng khai mạc thì sau đó vài ngày Mỹ ném bom xuống Đức Giang, Gia Lâm (Hà Nội). Hiện vật vừa bày xong cũng bị ảnh hưởng, có cái rơi xuống bị vỡ. Sau đó, lãnh đạo bảo tàng đã chủ trương mang hiện vật đi sơ tán. Các tác phẩm bản chính mang đi sơ tán ở vùng ATK (an toàn khu) ở Tuyên Quang. Cùng với các hiện vật, chúng tôi mang đi khoảng 2 - 3 thùng tranh với khoảng 200 tác phẩm. Trong khi đó, dù chiến tranh nhưng bảo tàng vẫn phải mở cửa, phương án đưa ra là chụp ảnh tranh, phóng to để trưng bày, còn hiện vật được đổ bằng thạch cao tạo phiên bản để trưng bày (những hiện vật quý đã được đưa đi sơ tán).
Bức tranh lụa Người đàn bà hái rau muống của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1938. Bà Nguyễn Hải Yến đã phát hiện bức tranh ở nhà ông Nguyễn Văn Lâm (Hà Nội). Khi đó, bức tranh bị hỏng phần trên, sau đấy chính họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã phục chế lại bức tranh này Ảnh: Ngọc An chụp lại từ tư liệu

Luật pháp cần “bảo hộ” cho những tác phẩm mỹ thuật

Là người có cơ hội gặp gỡ, tiếp cận nhiều họa sĩ của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời cũng nghiên cứu về hội họa thời kỳ này, bà nghĩ sao khi nhiều bức tranh của các họa sĩ Đông Dương hiện nay bị làm giả, thậm chí tranh giả còn xuất hiện cả trên sàn đấu giá quốc tế?
Chưa mấy ai chú ý đến việc tuyên truyền, giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật kinh điển của VN để nhìn vào là ai cũng nhận ra. Tôi nghĩ, chúng ta cũng cần ra luật nghiêm trong việc cấm chép tranh, làm tranh giả. Luật pháp cần “bảo hộ” cho những tác phẩm mỹ thuật. Một vài bức tranh đã được coi là bảo vật. Nhưng thực tế thì có là bảo vật thế nào, họ chép vẫn cứ chép.
Mong ước hiện nay của bà là gì?
Bức tranh sơn dầu Bình văn của họa sĩ Lê Huy Miến
Tôi mong chúng ta có một cuốn lịch sử mỹ thuật VN toàn diện giống như một cuốn “bách khoa thư” về mỹ thuật. Tôi luôn kêu gọi có nơi nào đó làm, tôi sẽ chẳng lấy nhuận bút. Những tài liệu của mình không dùng thì khi mình không còn nữa cũng chỉ là giấy vụn. Có nhiều việc rất đáng tiếc. Chẳng hạn như việc giới thiệu các tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn, khi bà Hồng vợ ông (bà Trần Thị Hồng - PV) lúc sinh thời có nhiều kế hoạch nhưng cũng chẳng ai giúp bà. Giờ bà mất rồi, tác phẩm của ông Cẩn vào tay ai, sách về ông ai sẽ làm cũng chẳng thể biết được. Có quá nhiều thiệt thòi cho những danh họa như thế!
Xin cảm ơn bà!

Nhiều hiểu biết sâu sắc về những họa sĩ “đàn anh” của mỹ thuật VN

Ảnh: Ngọc An
       
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đã có nhiều công sức trong tài liệu nghiên cứu về các họa sĩ Lê Huy Miến, Thang Trần Phềnh và Nam Sơn từ khoảng những năm 1970. Đây là một trong những tài liệu đầu tiên tương đối đầy đủ về các họa sĩ được coi là những người mở đầu cho nền mỹ thuật VN. Cùng với tài liệu này, cuốn Hội họa Hà Nội những ký ức còn lại của chị đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật VN với những họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương, thời kháng chiến…
Quá trình công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật VN trong thời gian dài và việc tiếp cận, quen biết lâu năm với nhiều họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương đã giúp chị có nhiều hiểu biết sâu sắc về những họa sĩ “đàn anh” của mỹ thuật VN và có những tư liệu quý. Điều đó rất quan trọng bởi như chúng ta thấy, nhiều tác phẩm của những họa sĩ Đông Dương bị làm giả, thậm chí còn ngang nhiên được bán trên sàn đấu giá quốc tế.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp

Đóng góp cho việc giữ những tác phẩm hội họa có giá trị

Ảnh: NVCC
       
Với một thời gian dài công tác, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến không chỉ đóng góp cho việc giữ những tác phẩm hội họa có giá trị, mà còn là những bài viết nghiên cứu, cũng như việc giảng dạy. Chị đã có nhiều buổi nói chuyện về mỹ thuật đáng chú ý không chỉ trong mà cả ngoài nước. Ở nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, đồng nghiệp thấy được sự nghiêm túc trong công tác nghiên cứu, cũng như sự thẳng thắn trong công tác phê bình mỹ thuật. Cuốn sách cũng như những bài nghiên cứu của chị có những đóng góp giá trị, góp phần cho thấy diện mạo mỹ thuật VN ở nhiều thời kỳ.
Nhà phê bình mỹ thuật Mai Ngọc Oanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.