Xuất thân từ một nhà báo, giỏi ngữ nghĩa và tấm lòng thương yêu, bao dung với những con người cùng cực trong xã hội, ngòi bút của nhà văn Võ Đắc Danh luôn chộp lấy, viết ngấu nghiến những phận người long đong. Nhân vật có thể là cụ bà tên Cúc không biết chữ nuôi hai con, đứa bị khùng, đứa xơ gan mà anh gặp vô tình khi đi mua sách, để rồi bút ký Bà lão bán bánh chuối ra đời. Hay đó có thể là bà mẹ Khánh Bình Đông (Cà Mau) hằng ngày chèo đò ra chợ buôn bán nuôi 5 đứa con ăn học thành tài trong bút ký Người mẹ chưa được tôn vinh. Rồi chuyện một thương binh phải cầm sổ thương binh nuôi con ăn học ở Cần Thơ trong Hồ sơ một vết thương cũng khiến người đọc rưng rưng nước mắt.
Giải đáp nhiều câu hỏi độc giả đặt ra, nhà văn Võ Đắc Danh kể: “Ngày ở quê được lên làm người Sài Gòn, tôi đi lang thang khắp nơi. Mới có hai tuần mà nhớ quê hơn mấy mươi năm cộng lại cứ ngồi đâu cũng muốn khóc. Đêm tôi chở hai đứa con gái lên tầng 33 một tòa nhà uống cà phê cho chúng nhìn toàn cảnh Sài Gòn. Đứa nhỏ, lúc ấy học lớp 3 hứng thú giơ tay lên hét: “Trời ơi, con không ngờ bỗng dưng làm người Sài Gòn. Còn đứa lớn học lớp 11 thì rơm rớm: Vê quê đi cha ơi. Sài Gòn mênh mông quá mình không chen chân nổi đâu”.
|
Và từ đó, Võ Đắc Danh lạc lõng vào phố xá nhộn nhịp để mưu sinh. Anh như sống trong hình hài của ai chứ không phải chính mình. Anh thừa nhận: “Khi dừng lại giữa nắng trưa gay gắt, giữa nghìn trùng xe cộ, ống khói xe thổi thốc vào người, vào mắt vào mũi cay xè, nồng nặc đến nghẹt thở, đó là lúc tôi quay về ký ức. Thèm khát một khoảng trời cao đất rộng, sông nước mênh mông, cây cỏ bạt ngàn, gió lồng lộng một mùi tinh khiết, mùi của đất đai, rơm rạ, của khói đồng…”. Để rồi sau khi thành đạt với nhiều chức danh nhà báo - nhà văn xong anh lại bần thần: “Đi ăn tiệc lái xe hơi mà gót chân vẫn còn lấm phèn và đôi mắt luôn đau đáu dõi về quê nhà”...
Bình luận (0)