Khi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhìn thấy những bộ trang phục thời Lê sơ của dự án Dệt nên triều đại, chị đã rất ngạc nhiên. “Tôi bị sốc. Tôi đã quen với những trang phục cổ trong các phim trước đây. Rất khó để nói về trang phục trong phim lịch sử là đúng hay sai vì tôi cũng chẳng biết căn cứ vào đâu. Chỉ đến khi gặp những người như nhà nghiên cứu Trịnh Bách thì nghe bảo, không, vua không mặc màu này, phi không mặc màu kia, thì mình biết là nó sai. Cũng thế, lúc đầu thấy những bộ phục dựng thời Lê sơ, tôi thấy hơi khó chấp nhận nếu không được cung cấp phông nền kiến thức về quần áo”, nữ đạo diễn chia sẻ.
tin liên quan
Hoa hậu H’Hen Niê - Không gì là không thểBắt đầu ở mức độ mô phỏng
Hiện tại, Dệt nên triều đại đã may được vài chục bộ trang phục thời Lê sơ. Trong suốt thời gian phục dựng đó, họ cũng tham vấn thường xuyên nhà nghiên cứu Trần Quang Đức - tác giả cuốn Ngàn năm áo mũ. Chị Lê Ngọc Linh, người phụ trách tạo hình quần áo cho biết, có bộ đơn giản như áo của quan nội thị may mất khoảng 2 tuần. Bộ này gồm một lớp áo ngoài, một lớp đồ lót màu trắng, không thêu. Còn bộ địch y của thái hậu, riêng phần áo ngoài là vĩ địch đã mất khoảng 4 tháng.
Chị Linh cũng cho biết, hiện tại trang phục còn dừng lại ở mức độ mô phỏng. Chẳng hạn, vẫn may tím là tím, đỏ là đỏ, nhưng trang phục cũ tím ở sắc độ nào, chất liệu ra sao thì chưa làm được do thiếu kinh phí. “Cảm giác vải hơi bồng bềnh. Khi tôi hỏi thì nhóm cho biết loại vải đúng hơn thì mấy trăm nghìn một mét mà người dệt bắt mua mấy trăm mét mới dệt thì tiền đâu ra mua”, bà Hoàng Điệp nói.
Nguyễn Đức Lộc, Chủ nhiệm CLB trang phục của nhóm Đình làng Việt, nhận xét về các trang phục này: “Tiền may đồ là không hề nhỏ, riêng bộ của hoàng thái hậu đã 50 - 70 triệu đồng, chưa tính mấy chục bộ khác. Việc may đồ cũng có sự nghiên cứu, tham khảo, tư vấn, dựa vào hiện vật cẩn thận. Tuy nhiên, vì nguồn tư liệu còn thiếu nhiều và nguồn kinh phí có giới hạn nên nhiều thứ chưa thể thực hiện hay tái hiện một cách chuẩn xác. Còn chuyên môn về trang phục, theo tôi, về cơ bản là đã tái hiện được một phần của trang phục triều Lê sơ”.
|
Đóng góp cho điện ảnh, du lịch
Ông Nguyễn Đông, một thành viên của Dệt nên triều đại, cho biết một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là trang phục sau khi phục dựng sẽ đi vào phục vụ điện ảnh và du lịch.
tin liên quan
Ra mắt dự án tái dựng trang phục và lễ nghi cung đìnhCòn nhớ, trang phục trong một phim cổ trang đã từng gây trò cười cho thiên hạ khi chiếc áo có hình Lion King (một nhân vật hoạt hình) ngay trước ngực. Các khu du lịch hiện cũng chưa có nhiều trang phục để làm dịch vụ thu tiền, và độ chuẩn xác chưa cao.
Thạc sĩ Trịnh Lê Anh, Chủ nhiệm bộ môn tổ chức sự kiện, Khoa Du lịch, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng trên bình diện du lịch quốc tế, việc du khách được trải nghiệm lịch sử qua trang phục không mới mẻ gì, thậm chí còn khá phổ thông. Ở Pháp, khách được cho mặc trang phục binh lính Napoleon. Ở Trung Quốc, khách mặc thử trang phục của Trung Quốc qua các triều đại. Nhật Bản và Hàn Quốc rất thành công khi mang kimono hoặc hanbok vào các khu du lịch. “Trong những hằng số văn hóa thì mặc là hằng số quan trọng giúp du khách trải nghiệm lịch sử. Chỉ có điều, hiện nay, tại VN các nghiên cứu ứng dụng còn kém, dẫn tới sự lựa chọn cho du khách còn ít”, ông Lê Anh nói.
Nếu đưa những trang phục này vào làm cho điện ảnh và du lịch, chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề giá thành. Về điều này, Ngọc Linh cho biết: “Nếu là sản phẩm du lịch, hoặc điện ảnh thì hoàn toàn có cách khác nhanh, rẻ hơn mà vẫn đảm bảo đẹp và đúng. Đó là dùng kỹ thuật in giả dệt, in giả thêu. Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đều dùng kỹ thuật này cho những sản phẩm điện ảnh hay du lịch của họ”.
Bình luận (0)