Người trẻ Việt làm phim tài liệu về đại dịch toàn cầu

26/04/2020 07:00 GMT+7

Giãn cách xã hội đã làm Luyện Thị Linh nhớ nhiều hơn về những ngày được đi học bình thường trước đây.

Với cảm xúc đó, cô và nhóm bạn đang học kinh doanh sáng tạo tại Anh đã tổ chức dự án phim tài liệu về những ngày này.

Điều không ai nghĩ đã xảy ra

Khi dịch Covid-19 bùng mạnh lên tại Anh vào tháng 3, chương trình học thạc sĩ về doanh nghiệp sáng tạo của Luyện Thị Linh đã thay đổi. Lớp học chuyển sang online, du học sinh có thể về nước mà vẫn theo chương trình. “Lớp bắt đầu chuyển sang học online và mọi người được khuyến khích giãn cách xã hội. Tôi cũng ở nhà hằng tuần không ra ngoài”, cô gái được học bổng Chevening cho biết.
Bạn bè của Linh cũng cảm nhận một đời sống khác. Bạn của cô ở Pháp phải ký giấy và khai báo mới được ra khỏi nhà. “Thật quá sức tưởng tượng, không bao giờ em nghĩ nó có thể xảy ra. Sau đó, em mới thấy những việc tưởng chừng như rất nhỏ như được ra ngoài, được đi gặp bạn bè, được đến trường không phải hiển nhiên mà có”, Linh nói. Điều đó khiến Linh muốn làm phim tài liệu ghi lại khoảng thời gian này để khi nhìn lại, thế hệ sau biết trân trọng những điều dù nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Ý tưởng của Linh được bạn bè trong câu lạc bộ làm phim trong trường hưởng ứng, mọi người đều hứng thú tham gia. “Phim sẽ làm về góc nhìn của người dân ở các nước khác nhau về dịch bệnh. Mỗi nước sẽ cần 20 - 30 người cung cấp cảnh quay. Về thời lượng, mỗi nước sẽ có tầm 10 - 15 phút trong phim”, Linh cho biết.

Câu chuyện Việt Nam cảm xúc

Đặng Thu Trà, 24 tuổi, là thành viên sớm nhận lời tham gia cung cấp cảnh quay cho bộ phim tài liệu của Linh. Thu Trà từ Nhật về và trải qua thời gian cách ly tại Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Nam Từ Liêm (Hà Nội). “Trước khi về Việt Nam, tôi có quay video về dịch ở Nhật. Bây giờ, tôi sẽ quay khu tập trung cách ly để đóng góp. Sẽ là những góc quay sinh hoạt bình thường, phỏng vấn những bạn cùng phòng theo 2 câu hỏi phỏng vấn mà dự án của chị Linh đưa ra: dịch bệnh ảnh hưởng đến bạn như thế nào và bạn sợ điều gì nhất trong thời gian này”, Thu Trà chia sẻ.
Dịch bệnh khiến Thu Trà lỡ kế hoạch đưa bố mẹ sang Nhật du lịch vào nửa cuối tháng 3. “Tôi đã tiết kiệm tiền để mua vé. Tôi cũng để dành những địa danh đẹp nhất Nhật Bản để đi cùng bố mẹ. Đây là kế hoạch tuyệt vời nhưng không thực hiện được và còn bị mất tiền hủy tour nữa”, Trà nói.
Hình ảnh ấn tượng nhất với Thu Trà trong khu cách ly là sự lạc quan của những người lính. Đây cũng là hình ảnh mà Linh mong muốn có trong phim. “Ấn tượng nhất là hình ảnh các chú bộ đội mặc nguyên bộ bảo hộ đứng hát dưới sân và các công dân đều đứng ra hết hành lang các tầng để cổ vũ”, Trà kể.
Vũ Ngọc Khải (trái) về từ châu Âu tham gia dự án phim Ảnh: NVCC

Vũ Ngọc Khải (trái) về từ châu Âu tham gia dự án phim

Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải, người về Việt Nam từ châu Âu cũng tham gia dự án phim tài liệu này. Ngọc Khải cho biết: “Chúng tôi thường làm việc nhóm 10 - 20 người nhưng thời gian này không thể làm như vậy. Vì thế, giữ nhịp vận động là việc khó. Sáng dậy, tôi hay bị mỏi lưng vì không luyện tập nhiều. Múa giống như thể thao, bắt buộc phải tập đủ. Diễn viên múa là top 10 vận động vật lý của thế giới, bây giờ mình giảm nhịp độ xuống thì rất khó khăn”, anh nói. Thay vào đó, Khải đành tìm một “đối tác” tập khác ở nhà. Đó là cột nhà và tường, nó giúp anh có cảm giác tương tác như nâng, tì, vít, đẩy, xoắn.
Khải cũng cho biết, trong phim của Linh anh sẽ “nói rất ít” mà chủ yếu kể câu chuyện bằng chuyển động múa. Anh mong muốn gửi một thông điệp tới tương lai. “Tôi nghĩ quan trọng nhất là sự kết nối người với người. Nó không chỉ là câu chuyện vật lý mà còn là tinh thần. 10 năm tôi ở châu Âu, có lúc ảnh hưởng tâm lý đến trầm cả xuống. Lúc đó, cái mà tôi cần không phải tiền bạc, vật chất mà là sự động viên của người nhà. Và điều nâng đỡ tôi lúc đó lại là bạn bè, những người thực sự hiểu mình. Cách ly cũng giống như mình bị tách khỏi cộng đồng mẹ, và dễ nhận ra kết nối người với người là quan trọng thế nào”, Khải nhớ lại.
Hiện tại, dự án đang ở giai đoạn 1: kêu gọi mọi người tham gia và ghi lại cuộc sống trong thời gian này. Giai đoạn 2 là tìm kiếm những cảnh quay cần mà chưa có từ nguồn YouTube và mạng xã hội. Linh cho biết cô dự định tháng 9 có bản dựng thô và khoảng cuối năm nay sẽ hoàn thiện để khi về nước có phim chiếu. Về những cảnh quay cô mong chờ nhất, Linh nói: “Tôi mong nhất là những cảnh quay về bác sĩ và bộ đội Việt Nam chiến đấu chống đại dịch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.