‘Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì’ tiết lộ kinh hoàng về Đức quốc xã

06/05/2021 14:21 GMT+7

Sau gần hai năm kể từ khi được mua bản quyền đưa về nước chăm chút rất ưng ý, tác phẩm Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì của tác giả Alexander Dyukov (NXB Trẻ) chính thức ra mắt độc giả Việt Nam.

Cuốn sách Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức (9.5.1945 – 9.5.2021), thuật lại một cách chi tiết tội ác quy mô lớn được hoạch định trước - đó là cuộc “chiến tranh hủy diệt” của Đức Quốc xã chống lại Liên Xô và các dân tộc sống trên lãnh thổ này trong lịch sử.
Tác giả là nhà sử học, nhà chính luận người Nga, điều phối viên của nhóm thông tin về tội ác chống lại loài người. Ông còn là giám đốc quỹ "Ký ức lịch sử", nhà nghiên cứu tại viện lịch sử thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga. Ông là tác giả và biên tập viên chủ biên của loạt sách về các chủ đề lịch sử, tác giả của hơn 70 công trình nghiên cứu khoa học phổ thông được xuất bản bằng tiếng Nga và được dịch ra các thứ tiếng: Anh, Ba Lan, Estonia, Hungary cũng như các đề mục của từ điển bách khoa Holocaust trên lãnh thổ Liên Xô.

Ông Dương Thành Truyền – đại diện NXB Trẻ tiết lộ Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì có 3 điều đặc biệt

Ảnh: Quỳnh Trân

Cuốn sách Người Xô viết đã chiến đấu vì điều gì phản ánh nạn diệt chủng do Đức Quốc xã và đồng bọn của chúng thực hiện trên những vùng lãnh thổ Liên Xô bị chiếm đóng. Về những kế hoạch của Đức Quốc xã và việc thực hiện chúng, về việc sát hại những tù binh Xô viết và người Do Thái, về việc bài Slav, chống Cộng và chủ nghĩa bành trướng thuộc địa, về nạn đói được hoạch định sẵn và những chiến dịch tiễu phạt, về bạo lực hằng ngày đối với thường dân.
Quyển sách có chín chương, mỗi chương đều diễn tả một cách chân thực nhất sự hủy diệt của quân đội Đức đối với nhân dân, quân lính Liên Xô. Cuộc chiến từ góc nhìn của người Đức và góc nhìn của tác giả người Nga được mô tả lại một cách chân thực, chi tiết. Hai góc nhìn mang tính đối lập nhau. Một bên diễn tả lại sự chuẩn bị cho sự chiếm đóng cùng những cảm xúc vui vẻ khi giết được nhiều người Slav, người Do Thái, một bên thì diễn tả sự man rợ của quân lính Đức khi giết người, đào hố chôn người tập thể hay cưỡng hiếp phụ nữ.
Theo ông Dương Thành Truyền – đại diện NXB Trẻ phát biểu tại lễ ra mắt sách sáng 6.5 tại TP.HCM, Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì có 3 điều đặc biệt. Đó là tác giả đã dựa vào nguồn sử liệu vô cùng phong phú, đáng tin cậy từ chính Đức quốc xã và lực lượng đồng minh thông qua nhiều ghi chép trong chiến tranh mà chỉ cần đọc qua số lượng danh mục tham khảo đã thấy sức nghiên cứu, lao động ghê gớm của Alexander Dyukov. Nghệ thuật viết của tác giả cũng cần phải ghi nhận khi nói về sử mà ông viết như kể chuyện. Mọi thứ không theo khuôn mẫu: ai, việc gì, ở đâu như lâu nay mà có lớp lang đàng hoàng. Mở đầu bằng sự kiện đêm 22.6.1941 tại biên giới phía Tây Liên xô, quân đội Đức ém binh chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng…, ông trở thành bậc thầy về kể chuyện. Qua cuốn sách độc giả càng thấy rõ tội ác của phát xít Đức vô cùng ghê gớm khi có hẳn một kế hoạch diệt chủng và nhiều vấn đề khác mà lâu nay chúng ta có thể mới biết một chiều theo tài liệu của phương Tây.

Cuốn sách vừa ra mắt độc giả Việt Nam sau gần 2 năm chuẩn bị chu đáo

Dịch giả Phan Xuân Loan chia sẻ những tâm huyết khi bắt tay vào thực hiện tác phẩm

Ảnh: Quỳnh Trân

Nhiều trang sách đọc thấy rùng mình: “Trước khi xâm lăng Liên Xô, mỗi binh lính Wehrmacht đều được chỉ thị: Nếu trên đường gặp các chính ủy, có thể nhận ra họ nhờ ngôi sao Xô viết trên tay áo, và phụ nữ Nga mặc đồng phục, thì phải lập tức bắn bỏ. Ai không làm điều đó và không thực hiện mệnh lệnh, người đó phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt. Chỉ bắt làm tù binh trong những trường hợp đặc biệt bất khả kháng. Về nguyên tắc, phải bắn chết binh lính Liên Xô bị bắt. Trong mọi trường hợp, cần bắn chết phụ nữ phục vụ trong các đơn vị Hồng quân. Như thế, các nữ tù binh chiến tranh đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và theo “tác hại” của mình, họ bị đánh đồng với hiện thân của cái ác - các chính ủy”.
Giống như nhiều cuộc chiến khác trong Thế chiến thứ hai, chiến tranh giữa Liên Xô và Đức Quốc xã là cuộc chiến mà chúng ta không thể nào tưởng tượng được cảnh chém giết, hãm hiếp, đói khát và tàn độc cho đến khi tác giả Alexander Dyukov viết lại tất cả trong quyển sách có tên Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì.
Dịch giả Phan Xuân Loan và Phạm Ngọc Thạch trở thành “căp đôi hoàn hảo”. Cả hai cùng say sưa dịch và chăm chút từng trang bản thảo của cuốn sách Người Xô viết đã chiến đấu vì điều gì. Dịch giả Phan Xuân Loan nhận thấy rằng: “Trong thời đại hiện nay, vì chủ lưu dòng thời sự là theo hướng phương Tây nên các bạn trẻ ít biết về Nga, nên việc xuất bản quyển sách này có giá trị như sự cân bằng giữa các dòng thông tin, độc giả sẽ có góc nhìn khác hơn”. Dịch giả mong đợi thế hệ bạn đọc trẻ hãy đọc quyển sách này, vì sử gia Alexander Dyukov đã sử dụng rất nhiều tư liệu, từ chưa công bố đến đã công bố, đa số là tư liệu khách quan thể hiện được sự chân thật lịch sử.
“Loan dịch từ trước ra sau, tôi phải đi theo chiều ngược lại rồi cả hai cùng gặp nhau ở giữa cuốn sách Người Xô viết đã chiến đấu vì điều gì. Chương nào Loan dịch xong chuyển cho tôi xem và tôi cũng vậy để cuối cùng hoàn thành. Cuốn sách sử dụng tư liệu của tòa án xử tội trong Chiến tranh thế giới thứ hai của các nhà sử học Đức, Nga, cũng như  hồi ký của các tướng lĩnh của Đức rất chi tiết và tỉ mỉ cùng những bài báo đầy tính thời sự của các phóng viên tác nghiệp tại chiến trường nên lượng sử liệu ngồn ngộn và đầy đặn", dịch giả Phạm Ngọc Thạch chia sẻ thêm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.