Tháng ba âm lịch Tân Mùi (1931), vào dịp hội Phủ Giầy, tại Phủ Giáp Ba, làng Dần, xã Bảo Ngũ, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có tổ chức một cuộc thi văn. Đầu đề: Tả cảnh chọi gà ngày Hội. Thời gian làm bài thơ là một giờ đồng hồ. Ban giám khảo cuộc thi là một số nhà Nho trí thức có tên tuổi quanh vùng.
Chừng nửa giờ thì một chú bé khoảng 12 - 13 tuổi, bước vào chỗ ban giám khảo ở gian giữa Phủ Giáp Ba nộp bài. Chú bé ấy là Nguyễn Bính. Bài làm hơn ba trang giấy học trò. Ngoài những đoạn miêu tả sinh động cảnh tượng chọi gà ngày hội ra, điểm đặc biệt mà mọi người nhất trí cho giải nhất là ở đoạn cuối, Bính nói sự gắn bó đùm bọc lẫn nhau của gia đình, làng xóm, đất nước. Bính đã dùng một câu ca dao cũ để kết: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Bài này được đọc lên, hàng ngàn con người có mặt ở đó, ai cũng tấm tắc khen hay. Khi loa vang lên giữa phủ, mọi người mới biết được giải nhất ấy là Nguyễn Bính, mới 13 tuổi, quán thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội cùng huyện. Nguyễn Bính được tặng một tấm khăn hồng và được mời ngồi với ban giám khảo…
Đố em nói rõ anh hay đôi lời
Cuối những năm 1937 - 1938 (tôi không nhớ rõ), Bính còn được giải thưởng về một bài văn của sách Xuân do Nhà xuất bản Mai Lĩnh (Hà Nội) tổ chức.
Những năm này, Bính thường cùng một số anh em đi chơi các hội đám trong vùng. Có khi vào đánh cờ người ở Lạc Chính, huyện Ý Yên, có khi tham gia đám hát Đúm ở chợ Đống… Một lần hội Phủ Giầy, làng Bính có tổ chức cuộc thi hát Trống quân. Bên nữ do một phụ nữ có tuổi là bà Ch. giữ vai trò chủ yếu. Bên nam có Nguyễn Bính. Cuộc hát rất vui, cánh trẻ được dịp cười đùa khi thấy những chuyện trong làng xã được đưa khéo vào các câu hát đối đáp. Ví như trong làng lúc đó có cô con gái nhà giàu, nhưng đã ngoài 30 tuổi mà chưa lấy chồng. Dân gian thường có câu “già kén kẹn hom”. Vì vậy, khi hát về cảnh làm ruộng chăn tằm mùa xuân, bên nam có những câu như: “Con tằm làm kén nên tơ/Hỏi ai bòn kén bao giờ nữa ai?”.
|
Kết quả hôm ấy nam được nhất, nhờ có những câu hỏi do Bính “gà” cho rất tài tình, hóc búa, mà bên nữ chịu không đối đáp được như:
Đố em nói rõ anh hay đôi lời
Làng ta chưa vợ mấy người
Chưa chồng mấy ả em thời biết không
Những ai đi khắp tây đông
Những ai kiếm được tấm chồng như chúng anh đây
Hoặc như những câu: “Đố em Phủ ấy sao Giầy/Quán kia sao Dội, chợ này sao Ngang?”. Những tên Phủ Giầy là hội phủ xã Tiên Hương, quán Dội ở ngã tư xã Đồng Đội, chợ Ngang là chợ Đình Ngang thôn Thiện Vịnh, đều là tên ở địa phương quanh đó. Tuy vậy, cái khó lại là Dầy mỏng và dọc Ngang...
Tất nhiên, những câu hỏi như vậy thì có thể tới nay, những người nghiên cứu về địa phương cũng lúng túng vì chưa thể có những cứ liệu chính xác. Sau khi bên nam nhận một vuông lụa hồng và tiền thưởng, mấy chàng trai khỏe mạnh công kênh Nguyễn Bính lên vai đi ra khỏi sân đình giữa tiếng reo vui của nhiều người…
Cũng xin giới thiệu tí chút về chuyện đối lại những câu đối trước đó thường được coi là “hóc búa” của anh em Nguyễn Bính. Ví như: “Chuồng gà kê áp chuồng vịt”. Chữ Hán “kê” là gà, “áp” là vịt. Câu đối lại là: “Con chuột ra bớp con bò”. Chữ Pháp “ra” là chuột, “bớp” là bò.
Hoặc như câu đối tương truyền là của Đoàn Thị Điểm ra cho Trạng Quỳnh, trong khi bà đang ở buồng tắm mà Quỳnh cứ định đòi vào: “Da trắng vỗ bì bạch”.
Ngoài ra những câu như một số sách báo từng nhắc tới như: “Nhà vàng ở đường hoàng”, Bính và mọi người đã đối lại như: “Bông dài kéo miên man”. Hoặc: “Chẳng dời ra Bất Di” (Bất di là chẳng dời, đồng thời là tên một xã thuộc huyện Vụ Bản). Hoặc: “Làm kèn thổi vi vu” (vi là làm, vu là kèn). Hoặc: “Tìm vàng ở cầu Kim” (cầu là tìm, vừa là cái cầu; kim là vàng, vừa là làng Kim Phô). (còn tiếp)
Bình luận (0)