Trở về đất liền
Ngày 23.9.1945, giữa lúc thực dân Pháp đánh úp Sài Gòn thì trên mặt biển, từ Côn Đảo trở về, chiếc ca nô giải phóng do cụ Tôn Đức Thắng và hai anh em Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Hùng Phước lái, đưa các ông Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ và nhiều cán bộ cách mạng khác vào đất liền.
Về cuộc chiến đấu tự vệ ở Sài Gòn, trong Saigon Septembre 1945, nhà báo Trần Tấn Quốc kể: từ xế chiều 24.9.1945, một đội dân quân Việt Nam (ổ kháng chiến Bàn Cờ) tiến theo đường Verdun (đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ) tràn vào trung tâm Sài Gòn, chiếm chợ Bến Thành, kéo thẳng đến đại lộ Bonard (đường Lê Lợi bây giờ), xả súng bắn vào các vị trí Pháp. Mặt khác, nhiều đội dân quân Việt Nam (ổ kháng chiến Xóm Chiếu) vượt qua cầu Ông Lãnh, đổ bộ lên Sài Gòn, tiến vào đại lộ De La Somme (đường Hàm Nghi bây giờ). Súng nổ khắp nơi.
Sách Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (NXB Chính trị Quốc gia, 2010) viết: Nguyễn Hùng Phước, tên thật là Nguyễn Văn Triệu, sinh tại xã An Hòa Đông, huyện Cái Tàu Hạ, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Được anh trai là Nguyễn Hùng Minh dìu dắt, năm 14 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng tại Cần Thơ. Ông hoạt động trong các nghiệp đoàn Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu. Tháng 9.1939, ông là Bí thư Chi bộ thị xã Bạc Liêu; năm 1940 là Tỉnh ủy viên Vĩnh Long.
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11.1940), Nguyễn Hùng Phước bị kết án khổ sai chung thân và đày ra Côn Đảo. Những ngày lao tù, ở chung với các ông Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương cùng nhiều cán bộ cao cấp, Nguyễn Hùng Phước vừa tham gia đấu tranh kể cả khi bị địch đưa vào hầm cấm cố, vừa học tập chính trị. Tháng 8.1945, nhận được tin trong đất liền nhiều tỉnh đã khởi nghĩa, ông tham gia tước khí giới bọn cai tù, giành chính quyền tại Côn Đảo rồi được bầu làm Ủy viên Ủy ban Phòng thủ Côn Đảo.
Anh hùng thuở trước
Sau khi trở về đất liền, tháng 10.1945, Nguyễn Hùng Phước nhận nhiệm vụ Tỉnh ủy viên, Phó giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc (nay là Công an) tỉnh Sóc Trăng, Chỉ huy trưởng Quốc vệ đội, sau đó đổi thành Bộ đội danh dự Hồ Chí Minh của Chiến khu 9 (nay là Quân khu 9), đơn vị chủ lực của chiến khu. Tại mặt trận Cầu Đen - Bồ Thảo, Nguyễn Hùng Phước chính thức được giao trách nhiệm Trưởng Quốc gia tự vệ cuộc (Giám đốc Công an) tỉnh Sóc Trăng. Đến tháng 8.1946, ông được cử làm Khu bộ phó Chiến khu 9.
Những ngày đầu kháng chiến gian nan, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, đã chiếm hầu hết các tỉnh lỵ miền Tây Nam bộ, khiến quần chúng hoang mang dao động. Cuộc họp đầu tháng 2.1946 tại Thới Bình, một số lãnh đạo Khu 8 (Đào Văn Trường, Nguyễn Văn Vịnh...), Khu 9 (Vũ Đức, Phan Trọng Tuệ, Huỳnh Phan Hộ, Võ Quang Anh) và một số tỉnh miền Tây cùng có ý kiến “xuyên Đông - xuyên Tây” để bảo toàn lực lượng chờ thời cơ.
Nguyễn Hùng Phước chỉ huy đơn vị đóng giả lính Tây đánh nhiều trận hóa trang kỳ tập, phục kích, diệt nhiều đồn bốt, nhiều tốp lính, nhiều đoàn xe hành quân càn quét, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, được dân thương mến. “Bộ đội ông Phước” đã tạo được sự tin tưởng, yêu mến, bảo bọc của đồng bào người Việt gốc Khmer, Hoa trong vùng.
Những chiến công như huyền thoại do Nguyễn Hùng Phước chỉ huy trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến khiến thực dân Pháp kinh hoàng, gọi ông là “Cọp xám miền Tây”. Hàng loạt trận tấn công được Nguyễn Hùng Phước tổ chức thắng lợi như phục kích đánh giao thông ở Cao Hội - Long Mỹ (21.3.1946) - trận giao thông chiến đầu tiên ở miền Tây Nam bộ; tập kích đến bờ biển Long Phú (20.5.1946); hóa trang tập kích kho dầu thị xã Sóc Trăng (tháng 5.1946); chống càn bảo vệ tỉnh ủy ở Trà Cú Cạn - huyện Mỹ Tư (30.5.1946)…
Tên tuổi Nguyễn Hùng Phước vượt ra khỏi vùng sông nước Chiến khu 9, ra đến tận thủ đô Hà Nội. Chuyện kể lại rằng, trong chuyến hàng vũ khí của T.Ư gửi cho Chiến khu 9 mùa mưa năm 1946 có khẩu Thompson do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng riêng Khu bộ phó Nguyễn Hùng Phước.
Không may, trong trận công đồn Nhà Đài - Vĩnh Long trên đường đi nhận vũ khí viện trợ của T.Ư, ông trúng đạn hy sinh khi mới 26 tuổi. Sinh thời, những cán bộ thời kháng chiến chống Pháp 9 năm ở Sóc Trăng thường nói: “Hiện nay còn ít người biết đến Nguyễn Hùng Phước - người anh hùng thuở trước, “hùm xám miền Tây Nam bộ!”.
Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), trong thư gửi Bộ Quốc phòng (15.4.1986) đề nghị: “Với tinh thần chiến đấu mưu trí, linh hoạt, dũng cảm, ngoan cường quyết chiến quyết thắng, đồng chí Nguyễn Hùng Phước xứng đáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam”. (còn tiếp).
Bình luận (0)