Nhà hát cải lương vừa xây 130 tỉ đồng ở TP.HCM giờ ra sao?

13/10/2018 09:13 GMT+7

Giữa tâm điểm TP.HCM thông qua dự án nhà hát 1.500 tỉ đồng, nhiều người đang tò mò về sự hoạt động của các nhà hát trên địa bàn, trong đó có nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nơi từng được kỳ vọng trở thành 'thánh đường' cho nghệ thuật cải lương và tốn đến 130 tỉ đồng xây dựng.

Sẽ hơi khập khiễng khi so sánh về độ hoành tráng của dự án Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch ngàn tỉ và nhà hát cải lương Trần Hữu Trang với chi phí xây dựng hơn 130 tỉ đồng. Nhưng câu chuyện về hiện trạng sau khi nhà hát này được đưa vào sử dụng và hiệu quả của nó cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được khởi công xây dựng mới vào năm 2013 và được kỳ vọng trở thành “thánh đường” cải lương. Nhưng với rất nhiều sai phạm về kết cấu xây dựng, cơ sở hạ tầng không đảm bảo đã từng được báo chí phản ánh và cũng đã từng được thanh tra chỉ ra những bất hợp lý và tìm cách khắc phục nhưng đến nay khi đã đi vào hoạt động, “thánh đường” ấy dường như vẫn dang dở…
Sâu khấu nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thấp hơn so với khán phòng Ảnh: TL

Vào tháng 7.2017, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết về chủ trương xây dựng Nhà hát Hoa Sen quy mô 2.000 chỗ ngồi trong khu công viên CV1 Cầu Giấy. Một nhà hát hiện đại nhất thủ đô với 6 tầng, thiết kế hình bông sen nổi trên mặt nước, trong nhà hát có sân trượt băng, khu vui chơi giải trí… Nhưng gần 1 năm sau đó, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã ký quyết định dừng triển khai.

Hiện nay ở nhà hát Trần Hữu Trang có 3 đoàn cải lương đang hoạt động, nhân sự cũng gần 100 người nhưng theo như chia sẻ của ông Phan Quốc Kiệt, Phó giám đốc nhà hát, thì mỗi tuần chỉ có một suất diễn, có thể sắp tới sẽ tăng thêm để sân khấu “sáng đèn” nhiều hơn. Tình hình này cũng bởi cải lương đã qua giai đoạn “hoàng kim” để thu hút khán giả đến rạp.
Còn nói về cơ sở vật chất khi được xây mới và đưa vào hoạt động, ông Kiệt cho biết: “Chúng tôi chỉ là những người thụ hưởng. Trước kia rạp Hưng Đạo rất cũ kỹ, tôi cũng từng là diễn viên nên hiểu rất rõ. Còn giờ rạp được xây mới thì sân khấu thấp, khán phòng cũng nhỏ hơn. Cải lương cũng có đặc thù vì có những vở diễn cần đại cảnh, trần sân khấu thấp thì khi dàn dựng chúng tôi phải tính toán để phù hợp với kích thước của sân khấu hiện tại”.
Nói về hướng giải quyết những bất cập, khó khăn ở thời điểm hiện tại khi mà nhà hát xây mới nhưng kết cấu về kỹ thuật, điều kiện vẫn không đảm bảo, ông Kiệt nói thêm: “Khi thầy Trần Ngọc Giàu (Giám đốc nhà hát - PV) về tiếp quản cũng có những hướng để khắc phục về chuyên môn như vị trí của dàn nhạc ngồi chưa phù hợp thì đành phải gỡ bớt hàng ghế khán giả để có chỗ ngồi, vị trí của bộ phận âm thanh ánh sáng được bố trí trên lầu giờ phải chuyển xuống dưới để phù hợp hơn… Nói chung trên cơ sở thực tế khắc phục được cái gì chúng tôi sẽ khắc phục cái đó. Với chúng tôi ở góc độ chuyên môn thì chúng tôi sẽ làm và tính toán phù hợp với thực tế, để làm sao phục vụ tốt hơn cho vở diễn. Với mái gầm thấp ở hai bên sân khấu thì mình phải làm những tạo cảnh thấp lại, chuyển cảnh sao cho phù hợp. Phòng hóa trang ở trên lầu, thì diễn viên cũng gặp khó khăn khi di chuyển xuống sân khấu, họ cũng phải canh thời gian để xuống cho kịp phân cảnh diễn… Vất vả nhưng cũng phải chịu thôi”.
“Bản thân tôi và các nghệ sĩ khi nhà hát được xây dựng mới lại cũng kỳ vọng nhiều về điều kiện vật chất, âm thanh, sân khấu, một không gian đẹp… nhưng thực tế hiện trạng thì phải chấp nhận. Trong quá trình tiếp quản rạp, biểu diễn, mình vận hành thì mới phát hiện, thấy được cái gì chưa tốt. Chúng tôi đang rà soát lại hết để có báo cáo rồi xin khắc phục như thang máy, đường ống thoát nước, báo cháy… trong thời gian tới”, ông Kiệt chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.