Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: “Áo dài Lemur đang trở lại”

29/12/2018 21:50 GMT+7

Chiều 29.12 tại TP.HCM, tác giả Phạm Thảo Nguyên, nhà thiết kế Sĩ Hoàng và Sách Khai Tâm đã có buổi ra mắt cuốn sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay, cùng những trao đổi thú vị về áo dài Lemur.

Bà Phạm Thảo Nguyên tên thật là Phạm Thị Thảo. Bà sinh năm 1942 tại Hà nội, trong một gia đình trung lưu có bảy người con rồi vào học tại trường Trung học Trưng Vương Sài Gòn, rồi Đại học Sư phạm Sài Gòn ban Toán. Bà lập gia đình năm 1966 với người bạn học Nguyễn Thế Học (con trai út của thi sĩ Thế Lữ). Sau này qua Mỹ, bà dạy Toán tại New York rồi về hưu chuyển sang nghề vẽ và khảo cứu văn học.
Bà đã xuất bản cuốn sách Đọc và dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du năm 2009 và tham gia đắc lực trong việc sưu tầm và số hóa bộ báo Phong HóaNgày Nay. Lần về nước để gặp gỡ độc giả và giao lưu ra mắt sách cũng là một cố gắng lớn của bà và sách Khai Tâm vì bà không còn khỏe như trước đây.
Buổi giới thiệu sách về áo dài xưa rất được độc giả quan tâm
Cô Phượng người đẹp nổi tiếng Hà Nội, tức bà Hoàng Tích Chù, trong trang phục áo dài
Thiếu nữ Hà Nội xưa với áo dài Lemur
Thiếu phụ mặc áo dài Lemur, Sài Gòn 1949
Hoàng hậu Nam Phương mặc áo dài Lemur như các phụ nữ tân thời trong nước
Nhờ cơ duyên cùng làm việc sưu tầm với anh Nguyễn Trọng Hiền, con trai họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường mà bà mới quyết tâm chắp bút để hoàn thành tác phẩm Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay. “Ngay thời còn nhỏ 5 – 6 tuổi tôi đã mặc áo dài, cho đến khi học hết phổ thông, chiếc áo dài vẫn luôn gắn bó với tôi nên khi càng đi sâu vào khám phá kho tư liệu của anh Hiền về chiếc áo dài áo dài Lemur, tôi càng bị chinh phục. Vì vậy giữa anh ấy với tôi và áo dài không chỉ là duyên mà còn là nợ…”, tác giả Phạm Thảo Nguyên chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc về việc áo dài ngày nay bị "phá cách" đủ kiếu, đôi khi vẽ đủ thứ hình trên các tà áo dài hoặc thậm chí có thời trang “nhìn xuyên thấu” đã làm mất đi vẻ đẹp truyền thống…, nhà thiết kế Sĩ Hoàng thẳn thắn: “Nếu người mặc muốn dùng chiếc áo dài để khoe cơ thể xác thịt thì đó là điều quá thô tục. Việc xẻ eo quá cao, hở quá nhiều đã phá đi vè đẹp của áo dài. Thậm chí, khi phê phán kiểu xẻ quá trớn này tôi hay cùng cụm từ 'lưng xoáy của con chó Phú Quốc' để mọi người ...bực tức mà bỏ đi sự sáng tác không phù hợp này”.
Tác giả Phạm Thảo Nguyên còn kể thêm những chuyện đã gởi gắm trong sách: “Áo dài kiểu xưa may tay áo liền với thân, nên chỗ nách áo (chỗ vai ngực tiếp giáp với tay) bị dư nhiều vải, áo mặc lên chỗ nách bị dúm dó, rất luộm thuộm. Nhà thiết kế áo Lemur đã cắt rời tay áo ra theo kiểu “chemisier” của Tây: tay áo rời, nối lại với thân áo nơi vai, hoặc nối xéo từ cổ thẳng tới nách (tay raglan), nên vai và ngực áo vừa sát với người, phẳng phiu không còn đùn vải. Lại nữa, loại áo có tay ráp tại vai, phần thân áo có thể may rộng rãi, thong thả. Nếu ai đó có bị béo mập ra, thường vẫn mặc được áo cũ, không phải vứt bỏ áo đi vì chật như áo may sát người quá hiện nay. Thật ra, người mặc rất khổ với cái áo dài sát vào người. Là phái đẹp, ai chẳng muốn cái bụng nó nhỏ, cái ngực nó cao, nhưng vóc dáng con người lớn tuổi thường dễ bị thay đổi, vì bị lên cân, béo mập ra rất nhanh. Đó là lý do chính, khiến ngày nay các bà các cô ít mặc áo dài”.
Bìa sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay
Ông bà Cát Tường dự tiệc tại nhà Khai Trí Tiến Đức, Bờ Hồ, Hà Nội 1937.
Tác giả cuốn sách cũng nhắc nhiều tới đặc san ĐẸP Mùa nực được họa sĩ Cát Tường xuất bản nhằm khoe thiết kế quần áo, giầy dép… cùng các họa sĩ khác như Lê Phổ thiết kế nữ trang, Tô Ngọc Vân vẽ bìa, và Trần Quang Trân viết bài lý thuyết mỹ thuật. Sau này đặc san được gia đình họa sĩ Cát Tường tìm mua lại với giá lên đến 50.000 đô la nhưng vẫn không tìm thấy ấn bản nào.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết: “Hiện nay, theo qui luật chu kỳ của thì áo dài Lemur đang bắt đầu xuất hiện trở lại tại TP.HCM, đó là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, sự xuất hiện mới luôn đi liền với sự thay đổi mẫu mã, thiết kế do cuộc sống ngày càng hiện đại. Chất liệu vải cũng được sản xuất bền chắc hơn nên áo dài đương nhiên được biến tấu, sáng tạo thêm và cách điệu sao cho phù hợp với cuộc sống năng động của giới trẻ. Nhưng điều đặc biệt là phải gìn giữ và phát huy tài sản phi vật thể quý giá mà cha ông đã để lại, bởi áo dài làm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và góp phần thu hút khách du lịch.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.