“Nghề” mới bất đắc dĩ
Nhờ sức lan tỏa của mạng xã hội, nhiều cây bút đã lựa chọn “lối đi ngay dưới chân mình”, hình thành nên những “thương hiệu” nhà văn có sách bán rất chạy như: Mai Văn Phấn, Lê Xuân, Nguyễn Phong Việt, Trần Nhã Thụy, Anh Khang, Lưu Đình Long, Nguyễn Đăng Khoa, Phan Thúy Hà…
Nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa có 3 tập thơ Con đường tự trôi, Một lục bát tôi và Vẽ rồi bôi đi đều tự thực hiện theo hình thức này. “Thật ra, việc bán sách với nhà văn có phần bỡ ngỡ do không phải dân kinh doanh, lúc đầu hơi lo lắng vì thơ chất đầy trong nhà mà không biết bán có ai mua không. Nhưng may mắn, tập thơ đầu tay của tôi khi nhận được giải thưởng của nhà thơ Du Tử Lê, “hữu xạ tự nhiên hương” tự bán rất ổn”, Khoa tâm sự.
Không hề thua kém các đàn em, nhà văn Trần Nhã Thụy - Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn TP.HCM), Giám đốc chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn, tham gia thị trường “tự bán sách” cho cuốn Ba tao bay ra ngoài cửa sổ & 9 truyện ngắn khác vào đầu năm 2020 và thử nghiệm này của anh rất thành công. Chỉ sau 4 ngày tác giả rao bán sách trên mạng và tự đi giao hàng, 300 bản in đầu tiên đã hết vèo. Anh quyết định in nối bản thêm 200 cuốn nữa theo đúng giấy phép cũng không đủ so với nhu cầu. “Nhiều người lo lắng cho tôi làm nhà văn mà tự chở sách đi bán sẽ mất đi hình ảnh đẹp trong mắt độc giả, nhưng tôi thấy tác phẩm mình bán xong thu hồi vốn nhanh, khỏi lấy tiền vợ in sách, mà tôi thì vẫn luôn phong độ và… đẹp trai chứ có mất mát gì đâu”, nhà văn Trần Nhã Thụy cười nói.
|
Xu hướng thời công nghệ
Sự phát triển của internet lan tỏa khắp nơi, kể cả vùng sâu vùng xa, giúp nhà văn bán sách qua mạng có nhiều lợi thế so với những kênh phát hành truyền thống. Theo nhà thơ Phùng Hiệu: “Ở quê, ra được trung tâm của tỉnh lỵ để tìm mua sách mới ưng ý của tác giả mình yêu thích là vô cùng khó khăn và tốn thời gian di chuyển. Bây giờ, thông qua các trang mạng xã hội, độc giả có thể đặt mua sách rồi đề nghị nhà văn ký gửi tặng cho người thân… rất tiện”.
Nguyễn Phong Việt chia sẻ: “Một khi người viết đã tin vào nội dung cuốn sách đủ hay thì tại sao không làm thêm động thái chủ động bán cuốn sách của mình thông qua các trang mạng xã hội. Chính sự chủ động này còn giúp người viết tiếp nhận được những phản hồi rất tốt từ phía độc giả”.
|
“Tôi rất vui vì những đầu sách bán chạy từ chính những cây bút trẻ hiện nay. Họ đã tìm được gu đọc của người hiện đại, góp phần gìn giữ văn hóa đọc, điều mà bản thân tôi phải học hỏi”, nhà văn Lưu Đình Long chia sẻ. Theo anh: “Để bán được nhiều sách, ngoài nội dung hay thì nó phải gần gũi với người hiện đại. Chưa kể, muốn sách bán chạy, cần phải có kế hoạch quảng bá thích hợp”.
Là người có kinh nghiệm trong nghề tự in ấn và phát hành sách, nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết sắp tới các tác phẩm của anh sẽ chọn xu hướng phát hành online cho hợp thời công nghệ 4.0 này. “Nhà văn đi bán sách vừa có dịp gần hơn với độc giả để lắng nghe họ đang muốn anh viết gì, lại vừa gỡ khó cho thị trường”, Trần Nhã Thụy chia sẻ.
Bình luận (0)