“Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ”
Sinh thời nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển luôn nhắc rằng ông yêu lắm hình ảnh đồi sim (ở quê nhà Duy Xuyên, Quảng Nam nơi ông viết lên ca khúc để đời Thu, hát cho người). Ông còn mê hình ảnh phượng hoàng, suối mơ, mùa thu, sông nước, làn điệu dân ca… Vậy nên, những sáng tác của nhạc sĩ luôn có những hình ảnh thân quen ấy hiện diện. Bước vào tuổi đôi mươi, ông ghi dấu ấn khi viết lên một bản tình ca mà đến nay, sau hơn 50 năm bài hát ấy vẫn luôn lay động trái tim người nghe khi ca sĩ cất lên: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa…” (Thu, hát cho người). Kể từ ngày viết lên ca khúc dành cho người con gái ông thương (nhưng cả hai đã không thể đến được bên nhau), ông thổ lộ mình chưa một lần gặp lại nàng. Trước khi mất, ông từng nói về Thu rằng trên 50 năm rồi cả hai không hề gặp lại, nhưng ông vẫn tin người con gái ấy có một cuộc sống bằng an, hạnh phúc. “Gặp là duyên, xa nhau là duyên, không gặp nhau mãi cũng là duyên”, ông nói thế khi nghĩ về Thu.
Trong những ngày bị bệnh mất dây thanh không phát ra tiếng nói và sau đó là ung thư, ông vẫn miệt mài viết báo, viết sách, sáng tác… Nhiều lần nhạc sĩ tâm sự cùng người viết rằng ông không muốn ngồi một chỗ dù bị bệnh. Ông muốn được giao lưu, đi chấm thi như ngày còn giọng nói. “Tôi muốn đi nhiều, gặp gỡ nhiều người trẻ. Tôi muốn nhìn thấy nhiều hoàn cảnh sống của xã hội để góp nhặt chuyển tải hết các chất liệu cuộc sống, cảm xúc vào tác phẩm, ca khúc…”, nhạc sĩ bộc bạch. Thế nên cứ dăm ba bữa khỏe lên ông lại bắt xe ôm lang thang khắp Sài Gòn.
Hơn 6 tháng trước, trong một lần trò chuyện cùng người viết (qua tin nhắn và email vì không thể nói chuyện), ông viết: “Tôi đau lắm, đau từng cơn đến nỗi không còn biết gì xung quanh. Mỗi khi hết đau tôi lại ngồi vào viết sách gởi cho nhà xuất bản rồi họ tự lo các khâu còn lại. Tôi vẫn luôn dành thời gian viết báo vì đó là đam mê, chỉ khi nào đau quá không thể gõ chữ được nữa thì dừng”.
Vậy nên thời gian bị bệnh ông vẫn phát hành sách về nhạc bolero (Lắng nghe giai điệu bolero), sách cho tuổi mới lớn (Phượng ca), sách về tấm lòng một người miền Trung đã chọn miền Nam và Sài Gòn làm nơi khởi nghiệp (Miền Nam sống đẹp)...
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn được mọi người gọi thêm bằng cái tên thân thương là “Nhà Kim Dung học Việt Nam”, sau khi NXB Trẻ in bộ Kim Dung giữa đời tôi của ông năm 1998. Ngoài âm nhạc, cả tuổi thanh xuân (từ thập niên 1960) cho đến ngày rời cõi tạm, nhạc sĩ đã dành thời gian miệt mài nghiên cứu tác phẩm của Kim Dung.
Những ca khúc và tấm chân tình để lại
Hầu hết các văn nghệ sĩ khi nhận xét về nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đều cho rằng ông là người sống rất tình cảm, hiền hậu, chất phác như chính những gì ông thể hiện qua tác phẩm. Bởi thế, dù đã biết trước ngày ông ra đi, nhưng nhiều nghệ sĩ không khỏi bất ngờ, tiếc thương.
NSND Kim Xuân nhớ lại: “Mỗi lần nghe anh (nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - NV) nói chuyện tôi càng quý trọng hơn bởi một người trí thức, chân chất. Anh luôn chia sẻ, lắng nghe những gì mình nói một cách chân thật, không chút màu mè. Tôi thích nghe nhạc của anh bởi phần lời bài hát thấm đẫm cảm xúc. Chúng ta đã mất đi một người tài năng nhiều lĩnh vực, sống một cuộc đời đàng hoàng, tử tế và luôn muốn cống hiến qua từng tác phẩm”.
Từ Mỹ, ca sĩ Bằng Kiều (người từng thành công với Thu, hát cho người) xúc động bày tỏ: “Trong làng âm nhạc Việt Nam vừa mất đi một cây cổ thụ. Dù ông ra đi, nhưng tôi tin những tác phẩm của ông luôn sống mãi với thời gian và trong lòng mọi người”.
Là một trong những nghệ sĩ trẻ từng có dịp làm việc với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, diễn viên - ca sĩ Quý Bình cho biết: “Được nghe nhạc, được hát ca khúc của nhạc sĩ, tôi cảm nhận nhiều hơn tình cảm đặc biệt của một người con đất Quảng Nam đã dành cho miền Tây sông nước quê tôi qua những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng. Càng trân trọng hơn khi đã được trực tiếp làm việc cùng ông, một nhạc sĩ hiền hậu, chân chất như những ca từ mộc mạc trong từng ca khúc ông sáng tác. Cảm ơn nhạc sĩ với những gì đẹp đẽ nhất để lại cho tôi và cho cuộc đời này”.
|
Chia buồn
Được tin Nhạc sĩ VŨ ĐỨC SAO BIỂN (VÕ HỢI), sinh năm 1948, quê quán Duy Xuyên, Quảng Nam, nguyên là thư ký tòa soạn Thanh Niên bán nguyệt san của Báo Thanh Niên, đã từ trần vào lúc 23 giờ 35 phút, ngày 6.5.2020 (nhằm ngày 14 tháng 4, năm Canh Tý), hưởng thọ 74 tuổi; Linh cữu quàn tại tư gia: 22/7 Tân Thới Nhất 18, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM; Lễ viếng từ 15 giờ ngày 7.5 đến hết ngày 9.5. Lễ an táng lúc 8 giờ 45 phút, ngày 10.5.2020;Sau đó gia đình đưa đi an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương; Ban Biên tập, cán bộ, PV, BTV, CNV Báo Thanh Niên trân trọng gửi lời chia buồn sâu sắc cùng gia đình nhạc sĩ.
Thanh Niên
|
Bình luận (0)