Đã vào tuổi 75 nhưng nhạc sĩ Trần Long Ẩn vẫn miệt mài các chuyến công tác. Hỏi ông bí quyết để… trẻ, khỏe, ông cười: “Mỗi ngày thức dậy lúc 5 giờ, tôi luôn đều đặn tập thể dục 30 phút và không thức khuya, ráng ngủ sớm, dậy sớm”.
Nhạc cách mạng “ngấm” vào máu từ nhỏ
Thời của ông có nhiều dòng nhạc thế giới du nhập vào VN như bolero, nhạc Âu Mỹ…; trong nước cũng có nhạc trẻ, nhạc trữ tình… Vì sao ông lại chọn truyền thống cách mạng, nhạc phong trào?
Hồi tiểu học tôi học Trường dòng Thánh Giuse (Bình Định), học Trung học Trường La San (Bình Định). Lúc đó tôi toàn tiếp xúc với nhạc đạo nhà thờ và yêu thích. Lúc 5 - 6 tuổi hay hát nhạc kháng chiến, nhất là những bài thiếu nhi. Khi tôi đậu thủ khoa, mẹ thưởng cho chiếc xe gắn máy cáu cạnh và một cái radio. Có cái radio tôi cứ “ôm” suốt để nghe đài, nghe đủ các kênh. Tôi có 2 người cậu ruột đi tập kết nên đơn giản nghe đài để “canh” xem cậu mình có lên đài nói không. Cho nên ngày đêm nghe rất nhiều bài nhạc truyền thống cách mạng và “nhập” vô hồn mình.
tin liên quan
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn được bầu làm Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCMNăm 1966, tôi vào học Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, cùng bạn bè thuê một căn hộ trong hẻm để ở. Hàng xóm chúng tôi quá mê nhạc bolero nên mở nghe cả ngày lẫn đêm. Tôi nghe, thuộc đến mức cứ ngồi làm bài, ôn thi thì trong đầu lại vang lên toàn nhạc bolero, nhạc thất tình. Nhưng để sáng tác tôi không thích vì nghe riết tôi ngán. Có thể do tố chất, do nhạc từ nhà thờ, nhạc kháng chiến ngấm vào máu tôi rồi.
Nhạc của ông chịu ảnh hưởng bởi thời phong trào sinh viên xuống đường những năm 1970?
Hồi đó tôi còn trẻ, hay xung phong hát chứ chưa biết sáng tác. Mấy anh chị lãnh đạo phong trào nói ông hát hay quá, bữa nào sáng tác thử xem. Tôi nghiền ngẫm viết Hát trên đường tranh đấu. Kế đến tôi viết Người mẹ Bàn Cờ (phổ thơ Nguyễn Kim Ngân, là người bạn học từ phong trào tranh đấu của tôi).
Trước năm 1975, phong trào ca nhạc trong sinh viên, học sinh Sài Gòn diễn ra còn có phong trào Du ca VN và đó là động lực để ông sáng tác?
Lúc đầu tôi nghĩ phổ nhạc, sáng tác chơi cho vui thôi nhưng không ngờ được anh em sinh viên, học sinh yêu thích ủng hộ. Đặc biệt các chị, các má khu chợ Vườn Chuối, Bàn Cờ (Q.3) yêu mến. Họ nói một câu tôi rất cảm động: “Tụi sinh viên hay lắm, xuống đường biểu tình đòi độc lập tự do, hòa bình cơm áo cho đồng bào mình nhưng không ca ngợi tụi nó mà lại ca ngợi tụi mình”. Lúc đó nhạc tôi được khen có tính nhân dân, quần chúng, dân tộc nhưng tôi thật sự chưa hiểu gì nhiều. Sau này được học mới hiểu nhiều hơn và cảm thấy rất tự hào.
|
|
|
Tình yêu thời chúng tôi rất lành thánh
|
Đối với tôi, tình yêu trong nhạc hay đời đều lành thánh lắm. Vì tôi ảnh hưởng bởi trường dòng nên cứ lành thánh. Nghĩa là nhiều khi chỉ cần nắm tay thôi lại… nhớ cả đời, chứ còn “làm cái gì đó nữa” sẽ mất cao thượng. Chuyện nào cũng đâu ra đó, đàng hoàng hẳn hoi. Không phải yêu là phải có… gì đó thì mới “nhớ nhau cả đời” (cười lớn).
Vậy khi sáng tác, ông có dành một “góc” nào đó cho người bạn đời hay người con gái mình từng rất yêu?
Cũng có, nhưng phảng phất thôi, là thoáng qua trong bài hát, không trầm trọng hóa. Thường chỉ có tên ai đó trong bài hát và người tinh ý lắm mới biết. Cái này tôi học anh Trịnh Công Sơn. Bạn đời tôi cũng xuất hiện ở một vài tình tiết trong các sáng tác của tôi. Chuyện tình yêu trong tác phẩm của tôi thường là tình yêu về con người, về cộng đồng.
Nhắc đến nhạc Trần Long Ẩn, không ai không nhớ câu “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai” trong bài Một đời người một rừng cây. Có vẻ như ông mượn một “rừng cây” để thay lời muốn nói điều gì đó lớn hơn?
Bài hát này bao nhiêu tuổi tức gắn với rừng đước Cần Giờ (TP.HCM) bấy nhiêu tuổi (khoảng năm 1980). Ý tưởng của tôi xuất phát từ câu của một người lãnh đạo nổi tiếng khi chỉ vào rừng đước và nói, các chú phải trồng gần thì cây đước mới lên thẳng, mới hữu dụng; trồng xa quá thân thấp, um tùm vô dụng. Ý bài hát tôi muốn nói lớp trẻ - bộ đội ta ở nơi gian khổ họ trưởng thành và đã là thanh niên thì chung sức giúp đỡ nhau. Tôi mượn rừng cây để nói về cái đẹp con người, về lực lượng bộ đội ở biên giới Tây Nam những năm tháng đó.
Có bài hát nào mà ông phải viết trong hoàn cảnh khắc nghiệt có cả máu và nước mắt?
Máu thì không nhưng đi vào vùng nguy hiểm thì có. Tôi nhớ mãi trận đàn áp khoảng năm 1970 trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn, Q.1). Tôi cùng bạn bè bị cảnh sát truy đuổi, có người trúng đạn. Tôi nhỏ con, lúc trốn chạy tôi lấy cái chiếu cuốn lại nằm dưới giường nên cảnh sát không thấy. Anh em sau đó đi kiếm… lôi ra. Sau này thời bình gặp lại bạn bè hay trêu Trần Long Ẩn - Ẩn Long Sàn là thế. Tôi mắc cỡ gần chết.
|
Vì nhiệm vụ bí mật phải “trốn” gặp mẹ
|
Hồi trẻ tôi học trường dòng và từng xin cha mình cho đi tu làm sư huynh (thầy dạy ở các trường dòng). Cha tôi không cho vì sợ tuyệt tự. Khi tham gia phong trào sinh viên, các anh đặt vấn đề kéo vô tổ chức. Khi về quê Bình Định (khoảng năm 1971) tôi không dám nói cha mẹ mà nói với ông ngoại: “Ngoại ơi kỳ này về thăm ngoại chắc lần cuối. Khi nào đất nước hòa bình con mới trở về”. Ông nghe hết hồn hỏi đi đâu, tôi chỉ ra hướng bắc nói con theo cậu ba, cậu bảy. Đến 1972, các bác, các chú muốn bảo toàn lực lượng nên kéo chúng tôi vô rừng lại để học tập. Vì điều này nên tôi phải trốn mẹ. Sau ngày giải phóng tôi mới đoàn tụ cùng gia đình.
Một số tác phẩm của ông thường gắn với người lao động, phải chăng liên quan đến bút danh Đoàn Công Nhân?
Lúc theo phong trào, sinh viên học sinh được xem là ngòi pháo, thân pháo là giai cấp công nhân. Khi vô rừng học tôi cảm nhận nhiều hơn vai trò quan trọng của giai cấp công nhân. Từ đó tôi hay chuyển đề tài sang người lao động nhiều hơn…, và cái tên Đoàn Công Nhân ra đời.
Ở tuổi không còn trẻ nữa mà ông đi nhiều, làm nhiều, có khi nào người bạn đời ông không vui?
Chúng tôi quen như thế rồi (33 năm sống cùng nhau - PV). Tôi đi nhiều, bà nhà tôi cũng… đi nhiều. Khi về đến nhà là tôi bỏ hết, làm việc nhà, là người đàn ông của gia đình. Tôi rất thích tưới cây, giặt giũ quần áo, rửa chén… Chính lúc làm việc lặt vặt tôi hay nghêu ngao hát và bật ra nhiều ý tưởng hay. “Không thể nói khác hơn đâu em, không thể nghĩ khác hơn đâu em...” là lời bài hát sắp tới của tôi khi nghe những người hàng xóm đi nhậu về cãi nhau (cười).
Một số bạn thân của nhạc sĩ khẳng định: Trần Long Ẩn còn là “trùm” nhạc chế, “trùm” chuyện tiếu lâm?
Nhạc của tôi, tôi “chế” lời tùm lum hát thấy vui lắm. Lúc sáng tác, dây thần kinh cũng căng nên phải có cái gì đó giải trí cho vui chứ căng quá, bị chập, điên mất. Tôi cũng khoái kể chuyện tiếu lâm trong những chuyến thực tế cho cả đoàn vui. Có người còn khoái khi tôi chế nhạc anh Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên… Anh Nguyễn Ngọc Thiện có lần bảo sao ông không “chế” nhạc của tui. Thế là tôi chế cho ổng một bài, ổng mê tít.
Luôn là cánh chim đầu đàn
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên
Truyền tải thông điệp sâu sắc lay động lòng người
MC Quỳnh Hương
|
Bình luận (0)