Nhạc Việt giữa cơn bão cách mạng công nghiệp 4.0

13/12/2019 06:18 GMT+7

Sáng 12.12, tại TP.HCM diễn ra tọa đàm với chủ đề “Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong xu hướng hội nhập quốc tế và công nghiệp âm nhạc dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tọa đàm do Sở VH-TT TP.HCM, Cơ quan Thường trực Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn tại TP.HCM, phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Hội Âm nhạc TP.HCM chủ trì thực hiện.
Mở đầu tọa đàm, ông Huỳnh Thanh Nhân, Ủy viên UBND TP.HCM, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: “Tọa đàm là nội dung quan trọng trong hoạt động của Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM lần thứ 1 - Hò dô năm 2019, nhằm đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc đánh giá thực trạng và định hướng phát triển của nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong xu hướng hội nhập quốc tế một cách chủ động”.

Việt Nam đã thực sự có nền công nghiệp âm nhạc chưa ?

Mỗi người có thể ở một nơi khác nhau nhưng vẫn cùng sáng tác chung. Ca sĩ khi phát hành bài hát ở thời đại số thì sẽ đến được với nhiều người, nhiều thị trường hơn một cách nhanh chóng nhất

Nhạc sĩ Huy Tuấn

Nói về điều này, nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Hải Phong cho biết Việt Nam hiện trong tình trạng “chân trong chân ngoài”. “Nếu xem ca khúc là tác phẩm nghệ thuật thì người sáng tác chỉ chú trọng đến tình cảm của khán giả dành cho ca khúc; còn nếu tư duy ca khúc là sản phẩm hàng hóa được đóng gói, có gia công sản xuất để đem ra quảng bá, bán ở thị trường thì mới mong thu được lợi nhuận cao nhất từ ca khúc. Hiện các nhạc sĩ ở Việt Nam vẫn còn đi theo hai trường phái này, chứ không hoàn toàn đồng nhất mục đích. Chúng ta chỉ bắt đầu có một nền công nghiệp âm nhạc nếu chọn âm nhạc là một sản phẩm!”.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong (bìa phải) tại buổi tọa đàm

Ảnh: P.C.T

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhận định trong 1 - 2 năm nữa, cùng với sự phát triển của các công ty kinh doanh nhạc số; với xu hướng nghe nhạc online; các hiệp hội ghi âm ra đời, nghệ sĩ cập nhật kiến thức cả về chuyên môn làm nhạc cũng như những vấn đề về bản quyền..., thì nhạc Việt sẽ nhanh chóng phát triển theo hướng chuyên nghiệp như các nền công nghiệp âm nhạc khác trên thế giới.
Nhạc sĩ Huy Tuấn, Giám đốc âm nhạc và nghệ thuật của lễ hội Hò dô, chia sẻ: “Thời đại kỹ thuật số đã đến quá nhanh, đó là những trào lưu, thể loại âm nhạc mới, cách quản lý, khai thác sản phẩm âm nhạc cũng như nghệ sĩ, hiện đã khác rất nhiều so với trước đây. Những hội thảo, tọa đàm từ các festival, lễ hội âm nhạc như thế này với sự tham dự của nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc thế giới là rất cần thiết cho các nghệ sĩ Việt Nam, để có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm mà hòa nhập với quốc tế”.

Bản quyền chưa tốt sẽ kéo lùi phát triển âm nhạc

Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM lần thứ 1 - Hò dô năm 2019 được tổ chức trong 3 ngày: 13, 14, 15.12 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1. Lễ hội là hoạt động góp phần thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của TP.HCM đến năm 2020 - 2030.

Ngoài các hoạt động biểu diễn có sự tham gia của nhạc sĩ: Nguyên Lê, Đức Trí, Hoài Sa, Anh Quân, Phương Uyên, Dũng Đà Lạt, Hồng Kiên...; ca sĩ Hà Trần, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Đức Tuấn, Võ Hạ Trâm, nhóm nhạc Oplus, ban nhạc Cá Hồi Hoang..., lễ hội còn có hoạt động giao lưu của các nghệ sĩ đến từ Nga, Colombia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ...
Trên thế giới, ngành âm nhạc trực tuyến đang ngày càng phát triển và mang về nhiều lợi nhuận. Trong khi đó, ở Việt Nam, khán giả phần đông chưa có thói quen nghe nhạc trả phí bản quyền. Theo nhạc sĩ Huy Tuấn: “Âm nhạc thu lại lợi nhuận tốt thì mới có thể gọi là một nền công nghiệp thực sự. Sản phẩm chỉ bán được khi vấn đề bản quyền được thực thi chặt chẽ. Điều này không phải là vấn đề đơn giản, ngày một ngày hai làm được, bởi sự phát triển quá nhanh của internet nên hiện tại Việt Nam chưa làm tốt, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của nghệ sĩ”.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cho biết luôn tạo hành lang pháp lý an toàn trong thực thi bảo hộ quyền tác giả. “Bảo hộ quyền tác giả đã và đang là điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để có kết nối tương thích với các tổ chức quốc tế về dữ liệu tác giả - tác phẩm, hiện nay thông tin về tác giả - tác phẩm được VCPMC cập nhật thường xuyên trên hệ thống lưu trữ quốc tế Cisnet và trên phần mềm lưu trữ tác giả - tác phẩm châu Á Mis@Asia theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ sở cho các tổ chức bản quyền trên thế giới tra cứu, tìm kiếm thông tin về tác giả - tác phẩm âm nhạc Việt Nam”, ông Cẩn thông tin.

Cá tính nhạc Việt cần được giữ gìn trong thời 4.0

Rõ ràng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã có tác động rất lớn đối với nhạc Việt hiện tại. Như nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ, cách làm nhạc, cách làm bản phối, thu âm... của riêng ê kíp sản xuất của anh đã khác rất nhiều so với hơn 10 năm trước.
“Chúng tôi có thể hợp tác với nhau đa dạng hơn, mỗi người có thể ở một nơi khác nhau nhưng vẫn cùng sáng tác chung. Ca sĩ có thể thu âm trực tuyến, gửi về một đầu mối. Ca sĩ khi phát hành bài hát ở thời đại số thì sẽ đến được với nhiều người, nhiều thị trường hơn một cách nhanh chóng nhất”, ông Tuấn nói. Chẳng hạn mới đây, MV Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt đã không chỉ đạt thành tích kỷ lục lượt xem ở Việt Nam mà còn vào top thịnh hành ở một số nước như Hàn Quốc, Úc, Canada, Singapore..., được tạp chí Billboard viết bài giới thiệu.
Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ cũng cho rằng chính sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến “chất” riêng của nhạc Việt dễ bị mai một. Các ca khúc liệu sẽ có sự trùng lắp khi thời 4.0, trên mạng có sẵn “ngân hàng giai điệu” (beat data), phần mềm sáng tác...? Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng yếu tố con người luôn là quyết định, dù có sẵn những công thức sáng tác hay melody mẫu thì sự sáng tạo riêng của mỗi cá nhân sẽ góp phần làm cho sản phẩm âm nhạc đó có sự đặc biệt, có “cái hồn” riêng; còn ai chọn sự giống nhau thì đó là cách giết chết chất nghệ sĩ của chính mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.