Nhầm lẫn nhân vật lịch sử thờ ở lăng Ông Bà Chiểu

24/08/2020 06:18 GMT+7

Thượng công linh miếu - đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (hay còn gọi lăng Ông Bà Chiểu) là công trình văn hóa tâm linh lớn nhất TP.HCM. Tuy nhiên tại đây đang có một nhầm lẫn về nhân vật lịch sử được thờ bên cạnh Tả quân.

Kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: tiền điện, trung điện và chính điện với gian chính giữa thờ Lê Văn Duyệt, bên phải thờ Phan Thanh Giản, bên trái thờ Lê Chất; trong khi bài vị thờ tự ở chính điện tả ban lại là của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong - em trai tả quân.

Sự nhầm lẫn tai hại

Theo sách Nghệ thuật kiến trúc, trang trí, lễ hội lăng Tả quân Lê Văn Duyệt của tác giả Bùi Thị Ngọc Trang (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) ở mục “Sự bài trí thờ cúng ở lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt” cho biết: “Tại chánh điện, các ban thờ và khám thờ ở hai bên tả, hữu là nơi thờ bài vị của Đức Kinh lược Phan Thanh Giản (từ năm 1894 cho đến nay) và Đức Thiếu phó Lê Chất (không rõ từ năm nào). Tìm hiểu lý do vì sao lại thờ Phan Thanh Giản và Lê Chất tại miếu thờ Lê Văn Duyệt, nhiều vị am tường giải thích: Lê Chất cùng Tả quân Lê Văn Duyệt khi xưa đã từng “vào sanh ra tử” để giúp Tiên Đế (Gia Long), về sau cùng chịu một hình phạt: Khi đã “xử tội” xong Lê Văn Duyệt, Minh Mạng lại truy tội Lê Chất (đã chết) và lệnh cho xiềng xích mộ phần Lê Chất, y như đã hài tội Lê Tả quân. Cho đến khi cả hai người được “xóa án” thì nhân dân thờ chung một nơi cho trọn tình “đồng sinh, đồng tử”. Theo truyền thống, đã có võ quan là Đức Thiếu phó Lê Chất ở bên trái bàn thờ Tả quân Lê Văn Duyệt thì còn thiếu một văn thần nữa nên nhân dân quyết định chọn đức Kinh lược Nam Kỳ là Phan Công Lương Khê, tức Phan Thanh Giản, đặt bài vị thờ bên phải cho đủ “hữu ban, tả ban” và cũng để tưởng nhớ công lao “kinh lược Nam Kỳ” của vị quan này”.
Hồ sơ xếp hạng di tích của Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM cũng công nhận nhân vật Lê Chất được thờ ở tả ban, cũng đầy hàm đoán mang tính chủ quan về tình cảm của người dân Nam bộ dành cho ông khi được thờ với tả quân mà không có sự khảo cứu kỹ hệ thống thờ tự. Từ đó đã có sự nhầm lẫn giữa nhân vật được thờ tự, khắc ghi trên bài vị - Thần chủ khởi nguyên từ khi xây dựng đền miếu với nhân vật đang được thờ hiện nay.
Nhầm lẫn nhân vật lịch sử thờ ở lăng Ông Bà Chiểu1

Bài vị đề “Tả doanh Đô thống chế lãnh Bắc thành Phó tổng trấn tính Lê thần vị”

Hiện tại, khám thờ tả ban ở chính điện là nơi quan trọng nhất của việc thờ tự, xác định đối tượng thờ tự chính xác nhất qua bài vị - Thần chủ cho nhân vật được thờ. Nơi đây có đặt một bài vị - Thần chủ, có kích thước cao 65 cm, rộng ngang 32 cm, trang trí rồng chầu vào trung tâm, tại vị trí chính giữa có nội dung chạm chữ Hán đọc từ trên xuống: 左 營 都 統 製 領 北 城 副 總 鎮 姓 黎 神 位 (Tả doanh (dinh) Đô thống chế lãnh Bắc thành Phó tổng trấn tính Lê thần vị). Căn cứ vào các nguồn sử liệu triều Nguyễn, xác định đây là bài vị thờ Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong - em trai Tả quân Lê Văn Duyệt. Tuy nhiên, do không nghiên cứu kỹ hay vì một lý do nào đó mà các bàn thờ ở phía dưới ngay khám thờ khu chính điện và các bàn thờ ở trung điện đều ghi người được thờ là quận công, Thiếu phó Lê Chất (1769 - 1826), thậm chí hằng năm tổ chức cúng giỗ ông một cách trang trọng nơi đây, trong khi người được thờ chính là Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong lại chìm vào quên lãng. Phải chăng do chỉ đọc được và tìm hiểu được một vị quan nào đó giữ trọng trách tại Bắc thành thời Nguyễn, lại mang họ Lê - với nhiều nguồn sử liệu ghi chép liên quan đến mối quan hệ với Đức tả quân - mà những người sau này đã tự tiện cho nhân vật được thờ là Quận công Lê Chất, trong khi chức tước, phẩm hàm trên bài vị lại của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong?

Nơi thờ tự cho Phó tổng trấn Bắc thành

Thân thế và sự nghiệp của nhân vật lịch sử Lê Chất được chính sử triều Nguyễn chép như sau: Lê Chất (1769 - 1826) là người H.Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông vốn là một võ tướng có tài của Tây Sơn, giữ chức đô thống, sau đó vì nhận thức được thời thế với sự rối ren trong nội bộ nhà Tây Sơn đã bỏ theo Nguyễn Ánh, dần lập công lớn, giúp vua Gia Long đại định thiên hạ nên được phong làm Bình Tây Đại tướng quân, Khâm sai, tước Quận công, giữ chức vụ cao nhất là Tổng trấn Bắc thành (giai đoạn 1818 - 1826) và khi mất được tặng hàm thiếu phó.
Suốt cả cuộc đời Quận công Lê Chất chưa một lần đặt chân đến Nam bộ, công lao của ông với nhân dân và triều Nguyễn cũng chỉ từ Bình Định trở ra Bắc. Vì vậy mà cho rằng ông được người dân Nam bộ tôn kính để thờ tự ở di tích lăng Ông Bà Chiểu là hoàn toàn không phù hợp. Nếu theo tác giả Bùi Thị Ngọc Trang và cả hồ sơ xếp hạng di tích của ngành văn hóa đều giải thích như vậy là có sự nhầm lẫn đáng tiếc về đối tượng thờ tự ở tả ban trong đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt.
Điều bất ngờ là khi tra cứu về chức tước, phẩm hàm được khắc ghi trên bài vị thờ tự ở chính điện tả ban lại chính là của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong - em trai Tả quân Lê Văn Duyệt, một nhân vật lịch sử nổi danh nhưng ít được sử liệu ghi chép chứ không phải là Quận công Lê Chất vốn đang được thờ hiện nay. Phó tổng trấn Bắc thành Lê Văn Phong là người cùng thời với Quận công Lê Chất, hai ông cùng được triều Nguyễn tin tưởng giao cho trấn giữ Bắc thành với hai chức vụ quan trọng nhất: Quận công Lê Chất làm tổng trấn, Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong làm phó tổng trấn. Thiết nghĩ cần sớm trả lại đúng tên và nơi thờ tự cho Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong, đồng thời hiệu chỉnh lại các nội dung liên quan đến việc giới thiệu và những hoạt động khác của một di tích cấp quốc gia như lăng Ông Bà Chiểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.