Các em học sinh trong bộ đồng phục áo sơ mi đỏ cụt tay, quần tây xanh coban đang nô đùa, rượt đuổi trên trảng cỏ sân trường xanh biếc, thênh thang. Lác đác, vài em ngồi nói chuyện và tránh nắng trong các shaalla, một loại nhà nhỏ để ngồi nghỉ chân ở Thái, phảng phất kiến trúc của vương triều Lanna, trị vị miền bắc Thái Lan xưa. Học sinh nam thường cắt tóc song krian, kiểu tóc đầu đinh của lính Thái. Mái tóc cắt ngang, ngắn ngủn của em gái hao hao kiểu nàng Chơ Mai trong bộ phim Thái Cô gái nghèo hai mươi năm trước, toát lên sự ngộ nghĩnh, vui nhộn...
Ở Nongbuadang, có cả học sinh người Akha, người Mông, Lahu. Gương mặt các em khiến tôi thấy gần gũi, như đang gặp những em bé VN ở những bản làng Tây Bắc - những em bé Hà Nhì (Akha), Hmông (Mông), La Hủ (Lahu).
Trong nhóm học sinh, có vài em trông cao lớn, là người Shan, Karen từ Myanmar. Các em bỏ lỡ mấy năm đi học rong ruổi theo cha mẹ rời Myanmar sang Thái Lan mưu sinh và tạm rời những bất an từ cuộc xung đột của quân đội chính phủ và các lực lượng vũ trang của các vùng dân tộc, chưa bao giờ ngưng suốt hơn nửa thế kỷ qua... Các em không có giấy tờ, nhưng được chấp nhận vào học, như cách chính phủ Thái Lan mở rộng tay đối với người tị nạn.
Vòng tròn đã xếp và buổi vui chơi của các em với Tổ chức Serve Without Borders (Phục vụ không biên giới) bắt đầu. Nhìn vòng tròn ở Nongbuadang, kỷ niệm thời tiểu học bỗng xô ùa về. Tôi thấy lại mình và bạn bè thôn Hiệp Phước nắm chặt tay nô đùa trong vòng tròn quanh cột cờ vào những buổi chiều muộn trên sân trường. Tôi được giao làm quản trò một trò chơi. Cũng hơn mười lăm năm, từ những ngày sinh hoạt đội ở cấp 1 cấp 2, tôi không tham gia các trò chơi tập thể. Tôi nhìn ra sân trường, cỏ xanh lơ thơ trong gió, cố nhớ lại cách chơi của một số trò “kinh điển” như: Tôi bảo, Đi chợ, Mèo bắt chuột... Thình lình, dòng chữ Con thỏ ăn cỏ lướt qua trong đầu. Con thỏ ăn cỏ là trò chơi thử thách phản xạ bằng các động tác tay, minh họa cho hành động con thỏ ăn cỏ, uống nước, chui vô hang... Quản trò nói một đường, làm một nẻo để đánh lừa người chơi. Vì phải dịch sang tiếng Thái nên trò chơi của tôi gần như không đánh lừa được các em...
Người bạn Thái Lan chơi trò Phom phuut (Tôi nói), trò chơi ra hiệu hành động khi có từ “Phom phuut”, tựa như trò Tôi bảo của học sinh Việt. Bạn Mông Cổ thì tổ chức trò Shuvuu, vvr, bvgd (Chim, cái tổ, tất cả) cũng giống trò Chim sổ lồng - trò chơi có ba người, hai người làm tổ và một người làm con chim và “con chim” phải tìm được tổ mới khi có hiệu lệnh...
Từ những em bé Akha, Lahu, Mông ở Trường Nongbuaden đến các trò chơi giống nhau, và những từ đồng âm, càng thấy thế giới bao la nhưng gần gũi. Những con người trên lãnh thổ khác nhau nhưng lại có những đường nét cuộc sống giống nhau..
Bình luận (0)