Nhiều nước lên tiếng vì bị SkyMusic vi phạm quyền tác giả âm nhạc?

20/12/2018 07:22 GMT+7

Sáng 19.12, Công ty SkyMusic bị 'tố' xâm phạm quyền tác giả của 2.000 tác phẩm, 700 tác giả. Trong đó có quyền tác giả của nhạc sĩ nước ngoài tại 8 nước và vùng lãnh thổ.

Đòi bồi thường hơn 3 tỉ đồng

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), cho biết gần 2 năm nay đã phát hiện một số nhà hàng, quán bar sử dụng đĩa ghi hình của Công ty SkyMusic (Sky). “Đây là các doanh nghiệp từng ký hợp đồng với VCPMC để thực hiện quyền tác giả thì họ không gia hạn hợp đồng mà lại ký với Sky”, ông Cẩn nói. Trong khi đó, ông cho biết Sky không nắm quyền tác giả của các tác phẩm âm nhạc trên. Cũng theo ông Cẩn, đối soát cho thấy hiện Sky vi phạm quyền tác giả của 700 tác giả, gần 2.000 tác phẩm trong và ngoài nước.
Ông Cẩn cũng phân tích một số thông tin của Sky đưa lên trang web của mình, rằng Sky đang cố lập lờ việc mình không được ủy quyền tác giả của các tác phẩm. “Họ công bố cung cấp bản quyền kho bài hát hơn 20.000 bài với đầy đủ quyền sử dụng gồm quyền tác giả và quyền liên quan. Danh sách tác phẩm này trên website có nhạc của Trần Minh Phi, Nguyễn Văn Chung. Các nhạc sĩ này đã phản đối việc công bố đó”, ông nói. Đây là hai tác giả ủy quyền khai thác tác phẩm cho VCPMC.
Thế nhưng theo ông Cẩn, hợp đồng Sky ký với doanh nghiệp như Gia Nghi, Trung Nguyên lại chỉ ghi chung chung là giấy chứng nhận quyền sử dụng bản quyền đối với bản ghi chứ không rõ là “quyền tác giả và quyền liên quan”. “Sky đang đánh lận con đen, nói là có quyền. Thì đó là quyền gì? Quyền tác giả hay quyền liên quan? Trên thực tế, Sky không nắm quyền tác giả mà chỉ nắm quyền liên quan. Như vậy, ở đây khái niệm bản quyền bị đánh tráo”, ông nói.
Ông Cẩn cũng cho biết, VCPMC đã yêu cầu Sky đền bù 3,3 tỉ đồng. Số tiền này dựa trên việc nếu các doanh nghiệp gia hạn hợp đồng thực hiện quyền tác giả với VCPMC thì VCPMC sẽ thu được. Mặc dù vậy, thời điểm này, nếu VCPMC đưa ra yêu cầu đền bù số tiền sẽ khác. Điều ông Cẩn nhấn mạnh là: “Sau khi chúng tôi phát văn bản bồi thường thì Sky không bồi thường, cả nhạc trong nước và quốc tế… Sky hoàn toàn không có đàm phán”, ông nói.
Trong khi đó, phía Sky cho biết đã có văn bản yêu cầu VCPMC nghiêm túc đàm phán chi trả nhuận bút, thù lao theo tần suất, lượt phát. Người phát ngôn của Sky, luật sư Trương Quốc Việt cho biết: “Về số tiền phí sử dụng quyền tác giả cần trả cho VCPMC, quan điểm đàm phán của Sky rất rõ ràng. Nó phải dựa trên tần suất phát, số lượng phát thực tế tại từng địa điểm kinh doanh (căn cứ điều 43.4b của Nghị định 22). Con số 3,3 tỉ đồng mà VCPMC đã đề cập tới là dựa trên một số hợp đồng quá khứ theo cách tính toán trái pháp luật, không dựa trên số lượt phát, tần suất phát như đã quy định tại điều 43.4b Nghị định 22 và trước đó là điều 45a.1 Nghị định 100. Vì vậy, Sky bác bỏ đề xuất này của VCPMC”.

Tiến hành các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả

Ông Cẩn cho biết, hiện tại tổ chức đại diện quyền tác giả âm nhạc của 8 quốc gia và vùng lãnh thổ đã gửi văn bản yêu cầu VCPMC thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả cho các nhạc sĩ. Đó là tổ chức của Anh, Pháp, Canada, Úc, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, phía Anh đã 2 lần gửi cảnh báo về việc Sky xâm phạm quyền tác giả. “VCPMC là tổ chức đại diện độc quyền của họ tại VN. Phía Anh còn cho biết nếu cần thiết sẽ cử chuyên gia sang hỗ trợ”, ông nói.
Cũng trong sáng 19.12, ông Đinh Công Thuận, đại diện Hội Nhạc sĩ VN đọc nghị quyết của hội, trong đó yêu cầu VCPMC tiến hành ngay các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả. “Trong trường hợp cần thiết, VCPMC yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý bằng pháp luật đối với những hành vi xâm phạm quyền tác giả của Công ty cổ phần Sky Music”, nghị quyết nêu. Về điều này, ông Cẩn cho biết VCPMC sẽ hoàn chỉnh hồ sơ với ý định đưa vụ việc ra xử lý hình sự, dự kiến vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Ông Cẩn còn nhấn mạnh khả năng cơ quan ngoại giao các quốc gia và vùng lãnh thổ trên vào cuộc. “Họ hoàn toàn có thể lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của công dân nước mình”, ông Cẩn nói. Khi đó, theo ông Cẩn, hình ảnh về việc bảo vệ tác quyền tại thị trường VN có thể bị ảnh hưởng.
Phía Sky lại cho rằng họ đã có thiện chí đàm phán với VCPMC nhưng không được hợp tác. Sky cung cấp cho Thanh Niên Công văn số 91 ngày 7.11.2018 tóm tắt diễn biến vụ việc và đề nghị Cục Bản quyền (Bộ VH-TT-DL) “chủ trì đàm phán giữa Sky và VCPMC với tư cách là đại diện cho các đơn vị sử dụng âm nhạc để thống nhất mức nhuận bút sử dụng quyền tác giả căn cứ vào tần suất khai thác”. Sky còn cung cấp thư mời số 22 ngày 12.11. Theo đó, Cục Bản quyền chủ động mời Sky và VCPMC tới buổi làm việc ngày 16.11. Sky cho biết đại diện Sky từ TP.HCM ra Hà Nội đúng hẹn nhưng VCPMC đã không tới làm việc.

Một số diễn biến vụ việc VCPMC - Sky

- Tháng 4.2018, nhiều nhạc sĩ lên tiếng về việc Sky vi phạm quyền tác giả của họ. Theo đó, họ không hề ủy quyền cho Sky khai thác tác phẩm, nhưng tác phẩm lại được đưa vào các gói sử dụng nhạc mà Sky đang bán. Trong số này có các nhạc sĩ như Nguyễn Văn Chung, Hoài An.
- Cũng tháng 4.2018, VCPMC có buổi gặp gỡ các nhạc sĩ và đại diện gia đình các nhạc sĩ như: Thế Hiển, Võ Thiện Thanh, Hoài An, Trần Minh Phi, Bùi Quang Ân, Nguyễn Văn Chung, Ngô Thụy Miên, Châu Kỳ... Ông Đinh Trung Cẩn cho biết, thời điểm đó nhiều nhạc sĩ đề nghị đưa vụ việc ra tòa.
- Tháng 5.2018, Sky và VCPMC gặp nhau, cùng lập biên bản về việc Sky sử dụng các tác phẩm âm nhạc của tác giả thành viên VCPMC. Hai bên sẽ cùng nhau rà soát dựa trên danh sách bản ghi mà Sky cung cấp, từ đó xác định thiệt hại và mức bồi thường (nếu có).
- Tháng 10.2018, VCPMC gửi Sky Công văn số 1050 về việc cảnh báo và yêu cầu Sky Music chấm dứt ngay hành vi xâm phạm quyền tác giả.
- Tháng 11.2018, Sky khởi kiện VCPMC về việc cố tình công bố thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của Sky. Hồ sơ gửi TAND Q.10 (TP.HCM).
- Tháng 12.2018, VCPMC họp báo đưa thông tin về việc Sky vi phạm quyền tác giả âm nhạc của 700 nhạc sĩ với 2.000 tác phẩm âm nhạc. VCPMC cho biết chuẩn bị khởi kiện hình sự Sky.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.