Nhớ "Tây Tiến"

17/10/2010 02:30 GMT+7

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ bỏ quên đời/Chiều chiều oai linh thác gầm thét/Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người/Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi/... Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành”!

Đấy là những câu được trích từ bài thơ Tây Tiến của thi sĩ Quang Dũng và được khắc vào mặt sau tấm bia chiến tích. Lịch sử thơ ca qua các cuộc trường chinh kháng chiến của dân tộc chưa từng có  bài thơ nào được vinh danh như thế bao giờ. Độc đáo hơn nữa, có thể nói đây là trường hợp độc nhất vô nhị, ấy là bài thơ Tây Tiến còn tỏa sáng trong ngày sinh nhật của mình. Kỷ niệm 60 năm bài thơ ra đời (năm 1948), những cựu binh Trung đoàn 52 Tây Tiến - đồng đội của thi sĩ Quang Dũng bây giờ đã bạc phơ mái tóc ngồi quây quần lại với nhau nhắc chuyện xưa “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/Kìa em xiêm áo tự bao giờ/Khèn lên man điệu nàng e ấp/Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”. Xưa nay chỉ thấy con người ta làm sinh nhật, hoặc là sinh nhật một đơn vị, một cơ quan, một tổ chức cho đến cả một đất nước, nhưng sinh nhật một bài thơ thì chỉ thấy ở những cựu binh Tây Tiến. Sức sống một bài thơ lộng lẫy đến như thế có lẽ đấy không chỉ là một biểu tượng đẹp hào hùng của đoàn quân Tây Tiến, mà còn là di sản văn hóa, di sản văn học trong mảng đề tài viết về các cuộc kháng chiến hùng vĩ của dân tộc.

Những chuyện đẹp một cách huyền thoại như vậy tôi đã được nghe chị Bùi Phương Thảo - con gái út của cố nhà thơ Quang Dũng kể lại, cho đến ngày tôi nhận được sách Tây Tiến một thời và mãi mãi, cũng do chị Bùi Phương Thảo mang từ Hà Nội vào tặng. Sách dày gần năm trăm trang in, gồm những ghi chép, hồi ức và hình ảnh của các cựu binh Tây Tiến. Gần như một nửa dung lượng của sách là những bài viết về nhà thơ Quang Dũng và bình giá bài thơ Tây Tiến. Có một câu chuyện thú vị như thế này: Hỏi chuyện thơ trước giao thừa thế kỷ do nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình thực hiện với chủ đề được đưa ra là: “Nếu chỉ được mang theo 5 bài thơ hay nhất về chiến tranh cách mạng và anh bộ đội Cụ Hồ vào thế kỷ mới, thì anh sẽ chọn những bài thơ nào? Của ai?”. Và nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình đã mang câu hỏi đó đi gõ cửa các nhà thơ, nhà phê bình khác nổi tiếng trong quân đội theo cách chọn lựa của ông. Trong 8 cái địa chỉ Ngô Vĩnh Bình chọn lựa, thì có đến 6 người chọn bài thơ Tây Tiến.

Cũng như nhiều đơn vị bộ đội khác được thành lập vào những tháng năm kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn Tây Tiến được khai sinh tại Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đa số cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị là những thanh niên, công chức, học sinh Hà Nội, nhà thơ Quang Dũng có mặt trong đoàn quân ấy, và bài thơ Tây Tiến được ông viết tại làng Phù Lưu Chanh vào cuối năm 1948. Sự ra đời của bài thơ giống như một thứ định mệnh đã gieo xuống cuộc đời ông những hệ lụy, nó vừa làm nên tên tuổi nhà thơ Quang Dũng đẹp rực rỡ trên thi đàn, đồng thời bao tai vạ chừng như muốn đốn ngã nhà thơ từ những thứ lý do nàng “kiều thơm” vừa lung linh vừa ẩn chứa thứ bất trắc khôn lường. Nói như Giáo sư Phong Lê “… hình như (bài thơ) làm hại ông suốt một thời gian dài, cho đến năm ông nằm liệt trên giường bệnh, trước lúc ông qua đời… nó mới được đưa vào tập Mây đầu ô, có nghĩa là phải đến lúc này, Tây Tiến mới được nguyên vẹn trở về với người đã sinh ra nó để nhận lại vị trí của đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kiện, không chỉ của ông mà còn là của cả nền thơ kháng chiến, ở vị trí mở đầu, ít có bài thơ nào thay thế được” (Sđd. Tr312).

Vùng núi non Tây Bắc thời ấy, cùng hành quân ra trận với Tây Tiến “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” còn biết bao đơn vị, những sông Đà, sông Lô, Sơn La, Bình Ca… Nhưng đất nước, hay vuông vắn lại là quê hương xứ Đoài mây trắng chập chùng phiêu bồng lãng mạn kia chỉ sinh ra mỗi Quang Dũng, và cũng chỉ mỗi anh Vệ quốc - thi sĩ Quang Dũng góp mặt vào đoàn quân Tây Tiến. Có lẽ vì vậy bài thơ Tây Tiến không chỉ khuôn lại là một biểu tượng đẹp huyền thoại của đoàn quân Tây Tiến mà còn là sông suối sử thi chất ngất âm hưởng hào hùng và bi tráng chảy vang dội và trường cửu giữa tâm hồn dân tộc.

Hơn hai mươi năm rồi thi sĩ Quang Dũng đã về với cái thế giới “người muôn năm cũ”, những đồng đội cựu binh Tây Tiến cứ đến ngày kỷ niệm hằng năm gặp nhau lại thêm thưa thớt. Thời gian vẫn cũ mòn cùng với cái việc trôi chảy lở bồi của nó, và dẫu cho những mái tóc bạc ấy có thêm phần vắng vẻ đi, thì những mái tóc xanh mỗi ngày lại lớn lên cùng với sự nuôi nấng màu mỡ của bao lớp tầng vỉa phù sa văn hóa của người xưa gởi lại đắp bồi. “Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?/Sông xa từng lớp lớp mưa dài”, ai đó - những người bạn của tôi đã ngâm tràn nỗi nhớ se sắt như thế khi lang thang giữa xứ Đoài mây trắng. Mây trắng thì ở đâu mà không mây trắng, nhưng ở xứ Đoài dường như là thứ mây trắng có linh hồn, bởi mỗi khi có dịp đi dưới bầu trời thênh thênh xanh um bóng Ba Vì ấy, là từ đâu vô thức, trí nhớ tôi lại cứ vỡ tràn ra: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”!

Nguyễn Nhã Tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.