Những chiếc thuyền giấy - Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy

25/03/2018 09:00 GMT+7

Nhà tôi nằm cuối con phố nhỏ, trời mưa ngập nước, trời nắng cát bay. Tôi đã quen dần với âm thanh kĩu kịt của những xe đẩy hàng mỗi sáng tạt ngang qua nhà, khói theo gió bay vào cay xè con mắt.

Cả cái tiếng trẻ con vọc nước mỗi độ mưa dầm, tiếng người nhà giàu bên kia đường la ó trách mắng bọn trẻ con phá phách xếp thuyền giấy thả trôi làm dơ cả khu phố nhỏ.
Thằng Tân hay tâm sự với tôi mỗi chiều trái gió: “Giá mà ba má em chịu sống cùng nhau thì chắc đời em đã khác”. Tôi xoa đầu nó, sợ một chốc nữa thằng Tâm lại buồn, lại khóc, tôi vội vã níu áo nó kéo ra ngoài phố. Thị trấn cổ kính có đường ray xe lửa cắt ngang. Những chuyến xe ngày mấy lượt chạy qua, còi tàu inh ỏi, khói bụi lẫn những vệt lửa đỏ hỏn bắn ra từ thanh ray tàu. Hai bên đường, hàng quán lúp xúp sớm đông, trưa vắng, chiều tàn. Những cuộc đời lặng lẽ lớn lên rồi lặng lẽ già đi như hàng cây êm đềm mấy mươi năm dang tay che chở phố, thấm thoắt đã bạc mái đầu...
*
Ba thằng Tân làm nghề sửa xe. Tấm liếp mỏng dựng hờ chỗ gờ tường đầy rêu là nơi ba nó mưu sinh mỗi ngày. Mấy lần thằng Tân định nghỉ học, nó bảo: “Để con đi học nghề sửa xe hay bất cứ nghề nào cũng được, miễn là kiếm ra tiền để ba đỡ cực”. Ba Tân im lặng một lúc rồi nói như năn nỉ: “Ráng mà học chữ để mai sau nhờ lấy tấm thân”. Nó nói vậy chứ ba biết nó mặc cảm, nhất là khi nghe đám bạn trêu chọc: “Đồ cái thằng không má!”. Nó ấm ức sấn tới đánh thằng kia tới tấp, máu mũi tuôn ra, nó hoảng quá quăng tập bỏ chạy ra ngồi thu lu một mình ngoài cánh đồng phía ngoại ô xa tít.
Nó ấm ức cũng phải! Tôi nghĩ vậy. Ai đời lại không có má cơ chứ?
Tôi không nhớ thằng Tân dọn đến khu phố này tự bao giờ, một ngày mưa dầm dề từ sáng đến chiều, áo quần ướt sũng, tôi ngồi ngoài hàng ba nhìn dòng nước cuộn bao nhiêu rác thải trôi dềnh dàng mặt đường. Mùi âm ẩm, mùi cống tanh rình bốc lên. Ngó sang dãy tập thể đối diện, tôi thấy thằng Tân ngồi xếp thuyền bằng giấy tập học sinh rồi thả trôi theo dòng. Chẳng biết nó nghĩ thuyền giấy như cuộc đời, lênh đênh rồi đắm chìm đâu đó giữa dòng nước xiết hay chỉ xem thuyền giấy là thú vui trẻ con. Thuyền giấy trôi tấp vào sân nhà tôi là một điều tệ hại, giấy trắng vữa ra nằm nham nhở trên mặt đường, tôi hét: “Ngừng lại! Đủ rồi đấy!”. Nghe tiếng la của tôi, thằng nhỏ hoảng hốt ngồi thụt vào bệ cửa. Nó không khóc, chỉ lặng lẽ nhìn tôi bằng ánh mắt sợ hãi, đục ngầu. Trông vẻ mặt xanh xám của nó, tự dưng tôi buồn cười. Mưa tạnh, thuyền giấy ngừng trôi, nó lủi thủi nhìn tôi rồi đi vào trong nhà, khuất bóng...
Một buổi chiều về nhà ngang qua chỗ đường ray xe lửa giao nhau, tôi bỗng nghe có tiếng chửi bới ngậu xị, tiếng đánh đấm phình phịch và những lời tục tĩu buông ra từ khuôn miệng trẻ thơ. Tôi dựng xe đạp chỗ gốc cây ven đường rồi đi vào ngõ vắng. Trước mặt tôi, thằng bé trong khu tập thể bị bọn côn đồ đầu tóc xanh đỏ ghì ra đánh túi bụi. Nó giãy giụa, nó dùng hết sức lực nhỏ nhoi của mình để chống chọi lại những cú đánh đau điếng. Tôi vờ la lên: “Công an tới!”. Bọn côn đồ xô thằng nhỏ ngã ngửa ra bức tường chạy nháo nhào. Tôi trờ tới bế thốc nó lên tay, máu mũi, máu trán chảy ra ướt sũng ngực áo. Tôi hỏi nó: “Đau lắm không em?”. Nó khẽ lắc đầu. Lạ thật! Thằng nhỏ không hề để rơi một giọt nước mắt nào biểu lộ sự đau đớn trên cơ thể, tôi xé toạc tay áo sơ mi cầm máu cho nó rồi gọi taxi đưa thằng nhỏ đến bệnh viện.
Chập choạng tối, tôi đưa nó về.
Từ đó, tôi biết nó tên Tân, cả cuộc đời u buồn và sự cứng cỏi của nó tôi cũng biết...
*
Năm thằng Tân bốn tuổi, má Tân bỏ nhà ra đi. Ba thằng Tân lận đận mãi vẫn không tìm được vợ, đớn đau sống cảnh gà trống nuôi con. Người ta đồn má thằng Tân cặp với một ông giàu sụ, nhà lầu, xe hơi, trong khoảnh khắc trở thành chủ tiệm làm tóc lớn nhất nhì thị trấn. Một ngày cuối năm, ba thằng Tân quyết định bán căn nhà mấy mươi năm gắn bó, căn nhà che nắng che mưa, căn nhà nghĩa tình... dắt thằng Tân về phố sinh sống. Thằng Tân vẫn tiếp tục đi học, ba nó dựng lều sửa xe sống đắp đỗi qua ngày. Nhọc nhằn mãi cuối cùng ba thằng Tân cũng tìm được người đàn bà năm cũ. Người phụ nữ mặc chiếc áo dài thêu hoa vẫn thường ngồi xích lô đi ngang qua chỗ ba nó sửa xe. Mái tóc dài với vóc dáng thanh tao là đặc điểm để ba thằng Tân nhận ra người cũ khi chiếc xe khuất dạng sau bức tường dày. Đợi chờ. Rình rập. Buổi mai hôm ấy, nắng nhạt, gió đầy, ba thằng Tân nỗ lực chạy theo chiếc xích lô quen quen, gọi: “Quỳnh, Quỳnh ơi! Đừng đ...”. Người đàn bà quay lại. Người cũ nhận ra nhau, trong một cuộc đời khác, một hình hài khác. Ba Tân không nói gì, cũng không trách móc người đàn bà bội bạc, chỉ trầm ngâm hỏi má nó một câu để lòng bình an: “Sao hồi đó, em bỏ tôi mà đi?”.
Người đàn bà rơm rớm nước mắt. Im lặng. Cái im lặng đến chạnh lòng từ mấy năm về trước cho đến tận bây giờ. Gió thoảng qua phố, thơm phức, lạnh tanh. Mùi thơm không biết thoảng ra từ làn tóc buông dài, mùi nước hoa ngoại nhập của kẻ qua đường hay của ngọn gió lành muôn đời vẫn vậy. Người cúi đầu nhận lỗi, rỉ rả giọng buồn: “Quên em đi, nhớ chi hoài để buồn, để khổ!”.
Ba Tân lặng im. Lòng xốn xang.
“Anh biết không?”, thằng Tân kể, “Hôm đó má em tìm đến dãy tập thể, ngỏ ý dẫn em về nhà của má để nuôi nấng nên người. Dĩ nhiên là em không chịu! Ở với ba, tuy nghèo mà em vui. Má em bây giờ lạ quá, đâu giống má ngày xưa...”. Nghe mà đứt ruột. Đời cho người bao cuộc chia ly rồi hóa thành người xa kẻ lạ, như chưa từng thuộc về nhau...
*
Thỉnh thoảng, má thằng Tân vẫn thường ghé ngang khu tập thể. Hôm trời mưa ngồi học bài bên cửa sổ, tôi thoáng thấy có người phụ nữ mặc áo dài tay cầm ô bước xuống xe hơi. Đoán chắc là má thằng Tân về thăm nó. Tôi đứng nép mình ở cửa ngó sang. Má Tân vuốt tóc, phủi mấy hạt nước bắn lên chiếc áo được may bằng loại vải trơn bóng, sáng màu. Tôi nghe bà gọi: “Tân, Tân à! Má về thăm con nè”. Thằng Tân chậm rãi bước ra, đôi môi nở nụ cười nhìn thôi cũng biết là gượng gạo. Nó ấp úng: “Má... tìm con chi?”. “Thì má nhớ má tìm, không được sao?”, bà cười. Người phụ nữ xoa đầu, vệu má nó rồi lấy khăn chùi sạch vết bùn trên mặt nó, nói uyên thuyên: “Coi nè, dơ hết trơn rồi. Để má lau cho sạch”. Nó lùi lại. Người đàn bà chầng hẫng. Một lúc sau, bà đi. Chiếc xe hơi chạy trong màn mưa, nước bắn lên tung tóe. Chỉ ít lâu sau xe đã mất hút trong biển người lô nhô, chen chúc lúc mưa dầm...
Tôi hỏi Tân: “Bộ em không thương má em sao? Dù gì cũng là má của em, ghét bỏ sao được?”. Nó trả lời: “Em đâu có ghét má, mà... thương hay không cũng vậy thôi anh! Má làm gì chịu bỏ sang giàu để trở về sống cùng ba con em”. “Em cũng đâu thể bỏ ba mà đi theo má, phải không Tân?”, tôi tiếp lời. Nó gật đầu.
... Mùa mưa năm ấy, má thằng Tân ra đi. Đi mãi.
Tôi nghe người ta kể lại: má thằng Tân qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, người đàn bà bất hạnh di chúc để cả số tiền tích cóp được trong ngân hàng cho cha con thằng Tân. Tôi lặng người. Người ta cần để lại gì cho nhau trước lúc ra đi, tiền bạc, gia tài hay đơn giản chỉ là con tim chung thủy?...
Hôm nọ, tôi thấy thằng Tân ngồi một mình dưới gốc cây chò. Xếp thuyền giấy. Trời không mưa, thuyền giấy theo gió la đà trên mặt đường, chao đảo nhưng không tan xác. Tôi gọi Tân, nó cười, khuôn mặt thánh thiện và đôi mắt trong ngần như chưa từng trải qua giông gió cuộc đời. Một lúc sau, tôi mơ hồ trông thấy thuyền giấy được treo đầy trên những cành sao, rung rinh trong gió.
Thuyền giấy trong mưa. Thuyền giấy trong nắng. Thuyền giấy bình an. Và giấc mơ... trôi mãi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.