Những chuyện 'thâm cung bí sử' gây tò mò tại dinh Độc Lập

10/03/2018 14:54 GMT+7

Tồn tại 150 năm giữa Sài Gòn – TP.HCM với nhiều chuyển động của lịch sử, dinh Độc Lập trước đây có một giai đoạn từ năm 1868 đến 1966 ít được nghiên cứu và biết đến, thậm chí dư luận còn rất tò mò…

Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 9.3 Hội trường Thống Nhất - đơn vị quản lý di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt dinh Độc Lập chính thức khai trương trưng bày Từ dinh Norodom tới dinh Độc Lập 1868-1966 với hơn 500 tư liệu, hiện vật quí và có giá trị lịch sử, được thực hiện trong ngôi nhà hai tầng được xây dựng từ thời Pháp nằm trong quần thể của di tích dinh Độc Lập. Theo chị Hồ Thị Thanh Minh, Phó Phòng nghiệp vụ thuyết minh (Hội trường Thống Nhất): “Về lịch sử ngôi nhà đang dùng cho trưng bày thì chỉ biết đây từng là trụ sở làm việc của Đảng Dân chủ dưới thời Đệ nhị VNCH, đã có từ trước 1954 và được gọi là Nhà Trắng, trong 1 số biên bản họp vào thời gian xây lại dinh Độc lập, khoảng năm 1964, 1965 chứ không biết cụ thể thời điểm và làm nhiệm vụ gì trong dinh”.
Quang cảnh lúc mới thi công dinh Độc Lập còn ngổn ngang

Dinh Độc Lập năm 1966
Bức thư ông Nguyễn Văn Thế gởi người thân nói rõ về bức rèm hoa đá bao quanh tầng 2
Vì sao phải xây dinh ?
Theo các tư liệu của Hội trường Thống Nhất và các tài liệu hiện có có thể khẳng định: Nhằm khẳng định sự thống trị của người Pháp trên đất Nam kỳ, chính quyền Pháp mới bàn bạc và đi đến quyết định phải chọn một khu đất cao ở vị trí trung tâm thành phố để xây dựng dinh thự khá uy nghi làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ.
Trong thời gian Pháp đánh chiếm và bình định Sài Gòn năm 1859, các Thủy sư Đô đốc hải quân Pháp đều làm việc và sống trên các soái hạm thả neo trên sông Sài Gòn. Cho đến ngày 25.2.1861, sau khi hạ được đồn Chí Hòa, Phó Đô đốc Charner đã rời soái hạm lên tổng hành dinh là một lán trại đặt tại trại binh Đồn Đất (nằm ở khoảng giữa thành Gia Định cũ, sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè).
Tháng 12.1861, chuẩn Đô đốc Bonard quyết định cho xây một dinh thự tạm thời để ở và làm việc. Ông chọn vị trí xây dinh ở cuối đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi, trong khuôn viên trường chuyên Trần Đại Nghĩa). Đây là một ngôi nhà bằng gỗ có thể tháo rời mua từ Singapore, được xem là dinh thự đầu tiên của Thống đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn.
Khi chính quyền Pháp bắt đầu tìm kiếm đề án xây dựng dinh Thống đốc mới thì tình cờ trong một dịp ghé Hồng Kông, chuẩn Đô đốc Ohier và Roze (từng là Thống đốc Nam Kỳ) gặp kiến trúc sư Achille Antoine Hermitte, người đã thiết kế Tòa Thị chính Hồng Kông. Sau khi về VN, Ohier và Roze đã đề cử Hermitte thiết kế Dinh Thống đốc và được sự chấp thuận của Thống đốc Nam Kỳ La Grandière.
Ngôi nhà cổ độc đáo của dinh Độc Lập dùng để tổ chức trưng bày ẢNH: QUỲNH TRÂN


Người xem vô cùng thích thú trước những tư liệu đồ sộ ẢNH: QUỲNH TRÂN
Sau khi đồ án thiết kế của kiến trúc sư Achille Antoine Hermitte được thông qua, Ngày 23.2.1868, lễ khởi công xây dựng dinh Thống đốc diễn ra dưới sự chứng kiến của nhiều sĩ quan và viên chức cao cấp người Pháp, Thống đốc La Grandière long trọng tuyên bố “Không thể nào phủ nhận rằng vùng đất thuộc địa này đang bước vào kỷ nguyên mới thịnh vượng”. Công trình do Sở Công chánh Sài Gòn xây dựng, sử dụng ngân sách Thuộc Địa với dự toán công trình là 4.714.662fr bằng ¼ ngân sách thuộc địa.
Dinh Thống đốc khánh thành vào ngày 25.9.1869 nhưng mãi cho tới năm 1875 mới hoàn tất việc trang trí bởi vì ảnh hưởng của những biến cố chính trị ở nước Pháp, quân đội Pháp thất bại cuộc chiến Pháp Phổ và Napoléon Đệ tam bị bắt. Sau khi xây dựng, dinh thự này có tên là dinh Norodom, bởi mặt tiền nằm ngang đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trong một chuyến công tác ghé qua dinh đã viết trong hồi ký Xứ Dông Dương, rằng: "Cảm thấy dường như nó đã bị bỏ hoang từ mười năm trước"
Gia đình trị và những tranh giành quyền lực của Diệm - Nhu
Theo tài liệu của Hội trường Thống Nhất: “Tháng 6.1954, Bảo Đại chỉ định Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng Quốc gia VN. Ngày 7.9.1954, Ngô Đình Diệm tiếp nhận dinh Norodom từ Đại tướng Paul Ely và ngay hôm sau đổi tên thành dinh Độc Lập. Từ tháng 6.1954 cho tới cuối năm 1956, đây là giai đoạn khó khăn nhất của chính quyền Ngô Đình Diệm. Vừa phải lo ổn định chính quyền vừa lo củng cố thế lực, ông ta đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau từ việc trì hoãn rồi tới chia để trị và cuối cùng là sẵn sàng đối đầu. Trưng bày giới thiệu hình ảnh về các biện pháp nhằm trì hoãn, đối phó, thanh trừng của Ngô Đình Diệm với các lực lượng đối lập như: lực lượng Bình Xuyên nòng cốt là giới xã hội đen ven lực lượng quân đội của giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài”.
Đối với các giáo phái, Ngô Đình Diệm sử dụng thủ đoạn “chia để trị”. Bằng tiền viện trợ của Mỹ, Ngô Đình Nhu tìm cách mua chuộc thủ lĩnh của các giáo phái như:Trung tướng Trần Văn Soái, lãnh tụ Hòa Hảo, còn Thiếu tướng Trịnh Minh Thế, Thiếu tướng Nguyễn Thành Phương của Cao Đài được Ngô Đình Diệm tiếp đón chu đáo khi hai tướng này đem quân về hợp tác với chính phủ quốc gia… giải tỏa nhiều tò mò cho người xem.
Khẩu súng "phiên bản" của bà Trần Lệ Xuân ẢNH: QUỲNH TRÂN
Và "phiên bản" máy chụp hình của Ngô Đình Diệm ẢNH: QUỲNH TRÂN
 Sau vụ ném bom đảo chính vào ngày 27.2.1962, dinh Độc Lập bị hư hỏng nặng không thể khôi phục lại, tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng lại dinh thự mới theo đề án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế phụ trách ban kiến trúc cùng các đồng sự. Việc xây dựng dinh do Cục Công binh của quân đội Sài Gòn đảm nhiệm dưới sự quản đốc của trung tá kỹ sư Phan Văn Điển - Cục phó Cục Công binh. Ngoài ra còn có sự tham gia của các kiến trúc sư, kỹ thuật gia, trang trí gia và đội ngũ thợ lành nghề ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Quá tình xây dinh được kể bằng hình ảnh gốc khá chi tiết
Công trình dinh Độc Lập mới được khởi công xây dựng ngày 1.7.1962 trên nền đất cũ, diện tích 4.500 m², cao 26m, diện tích sử dụng 20.000m² với hơn 100 phòng, mỗi phòng có cách trang trí khác nhau tùy theo mục đích sử dụng nhưng vẫn phù hợp với tổng thể kiến trúc của toàn dinh thự. Nguyên vật liệu xây dựng công trình chủ yếu lấy từ trong nước trừ một số vật dụng nội thất được nhập từ nước ngoài. Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500m² , gồm 3 tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng, một tầng nền và tầng hầm, điểm nổi bật của công trình chính là bức rèm hoa đá bao quanh tầng 2 với sự hiến kế của điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế. Bức thư của ông gởi cho người thân nói rất rõ điều đó.
Ba Cụt, một trong những thủ lĩnh Hòa Hảo bị kết án tử hình
Sắc lệnh của Ngô Đình Diệm bác đơn xin ân xá Ba Cụt ẢNH: Tư liệu đặc biệt của Hội trường Thống Nhất
Gia đình trị Ngô Đình Diệm

Ngô Đình Diệm cùng binh sĩ sau chiến thắng quân Bình Xuyên, tháng 5.1955 ẢNH: Tư liệu đặc biệt Hội trường Thống Nhất
Tướng Cao đài Trịnh Minh Thế đem quân về hợp tác với Ngô Đình Diệm ẢNH: Tư liệu đặc biệt Hội trường Thống Nhất
Sau khi hoàn thành, dinh Độc Lập được coi là bước đột phá mang tính tiên phong và trở thành một công trình kiến trúc tiêu biểu lúc bấy giờ bởi lối thiết kế có sự kết hợp hài hòa giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại.
Sự ra đời của dinh Độc Lập mới cũng đã khép lại câu chuyện lịch sử cùng những câu chuyện về các nhân vật và các sự kiện liên quan đến họ trong suốt gần 100 năm, giai đoạn lịch sử ít được biết đến sẽ được “giải mã” sau khi xem xong trưng bày Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập (1868 – 1966).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.