Những gia tộc cải lương lừng danh: 100 năm tuồng cổ Minh Tơ

18/05/2021 06:13 GMT+7

Nói đến cải lương, có lẽ phải nhắc đến 5 gia tộc lớn đã theo nghề bền bỉ, đóng góp vào kho tàng cải lương nhiều công lao và tác phẩm có giá trị. Những gia tộc này đã truyền nghề cho con cháu đến mấy đời, và đời nào cũng có người làm rạng danh cho cải lương.

Có lẽ gia tộc Minh Tơ là gia tộc cải lương hùng hậu nhất trong 5 gia tộc với 6 thế hệ theo nghiệp, con số nghệ sĩ lên đến gần 40 người. Hiện nay, Minh Tơ đang phục hồi bảng hiệu một cách ngoạn mục, hứa hẹn một sức sống mạnh mẽ.

Từ hát bội chuyển sang hồ quảng

Ông bà bầu Vĩnh Xuân lập gánh hát bội Vĩnh Xuân (những năm đầu thập niên 1910) diễn khắp Nam kỳ lục tỉnh. Hát bội lúc bấy giờ thịnh hành khắp miền Nam, chưa có cải lương. Đến thế hệ thứ hai là Nguyễn Văn Thắng, con của ông bà Vĩnh Xuân nối nghiệp cha mẹ. Nguyễn Văn Thắng 14 tuổi đã lên sân khấu, 20 tuổi trở thành một kép đẹp nổi danh khắp Nam kỳ, 30 tuổi quyết định lập gánh riêng cho mình, lấy tên Vĩnh Xuân Ban đóng đô tại đình Cầu Quan, Q.1, Sài Gòn (1925). Ông bầu Thắng có xu hướng cải cách hát bội vì lúc bấy giờ hát bội đã dần thoái trào. Cải lương bắt đầu xuất hiện làm khán giả mê mẩn. Những đoàn cải lương như Phước Cương (của cha NSND Kim Cương), Huỳnh Kỳ (của NSND Phùng Há và Bạch công tử), Nam Đồng Ban, Hồng Nhựt, Nghĩa Hiệp Ban... nhanh chóng được yêu thích khắp thành thị. Ông bầu Thắng nghiên cứu viết lại tuồng sao cho nhẹ nhàng, dễ xem hơn, bớt tiếng Hán, và thêm những kỹ thuật biểu diễn đẹp mắt. Ông có công với hát bội từ giai đoạn cải cách này.
Nhưng cải lương vẫn như một làn sóng cuốn khán giả đi, hát bội khó lòng chống đỡ. Sau khi ông bầu Thắng qua đời, anh em ông Minh Tơ quyết lòng chuyển hướng. Ông bầu Thắng có 10 người con, trong đó theo nghiệp hát có Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú. Minh Tơ trở thành trụ cột của thế hệ thứ ba, phải gánh vác cả đoàn hát. Ông lập tức cùng vợ và hai em là Khánh Hồng, Đức Phú sang gánh Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há học cải lương. Nói cho rõ, sau khi ly hôn với Bạch công tử, bà Phùng Há kết duyên với kỹ sư Nguyễn Bửu và ông lập gánh mới cho bà là gánh Phụng Hảo. Đây là cái nôi đào tạo nhiều tài danh cải lương. Lúc đó chưa có trường lớp sân khấu, chỉ học nghề từ chính sàn diễn. Nghệ sĩ Phùng Há dạy nghề luôn tận tâm, không hề giấu giếm, ích kỷ. Nhờ vậy, anh em ông Minh Tơ hấp thụ tinh hoa cải lương thật nhanh, và về đoàn của mình lập nên một thể loại mới là cải lương hồ quảng. Đây là sự kết hợp giữa các trình thức tuyệt đẹp của hát bội với bài bản cải lương, cùng các giai điệu mới của Hồng Kông, Đài Loan. Nghệ sĩ Đức Phú rất giỏi về âm nhạc, có công sáng tác bài bản mới hoặc chuyển từ nhạc Hồng Kông, Đài Loan sang nhạc mang âm hưởng Việt, và cũng mang âm hưởng cải lương, thậm chí có bản mang âm hưởng bolero. Thế là hồ quảng làm mưa làm gió sân khấu, khán giả mê như điếu đổ. Ngay đến tận bây giờ, hồ quảng vẫn thu hút công chúng.

Chi tộc Minh Tơ và những điểm son

Gia tộc Minh Tơ có hai chi lớn rạng danh nhất dòng họ. Đó là chi của ông Minh Tơ và chi của bà Huỳnh Mai (mẹ của NSƯT Thành Lộc). Về chi của ông Minh Tơ, ông có 7 người con theo nghề và đều nổi tiếng, làm nên thế hệ thứ tư, đó là Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn. Chưa kể, hai người con rể là Hữu Cảnh (chồng Xuân Yến) và Trường Sơn (chồng Thanh Loan) cũng là nghệ sĩ hồ quảng lừng danh thời ấy.
Xuân Yến và Thanh Loan là hai cô đào chuyên đóng lẳng độc xuất sắc. Nhất là Thanh Loan đã ghi dấu ấn trong vai Thượng Dương hoàng hậu (vở Câu thơ yên ngựa) trở thành mẫu nhân vật kinh điển cho các thí sinh sau này chọn đi thi. Còn Minh Tâm chuyên về nhạc, sáng tác và phối nhạc cho hồ quảng. Nghệ sĩ Công Minh chuyên về trang phục, mấy chục năm nay vẫn là người thiết kế và may trang phục rất tin cậy cho rất nhiều vở cải lương hoành tráng. Còn nghệ sĩ Thanh Sơn là người giảng dạy cho nhiều lứa sinh viên về bộ môn tuồng cổ, biên tập, chỉnh lý kịch bản xưa để phù hợp với hôm nay.
Điểm son của chi tộc Minh Tơ chính là NSND Thanh Tòng, người có công chuyển từ cải lương hồ quảng sang thể loại là cải lương tuồng cổ chuyên về các vở lịch sử Việt Nam. Sau năm 1975, nhà nước có chủ trương không cho hát tuồng Tàu, nên nghệ sĩ Thanh Tòng suy nghĩ làm sao để hồ quảng thích ứng được với xã hội. Ông từng lên sân khấu lúc 3 tuổi, đến 20 tuổi thì viết kịch bản và đạo diễn các vở như Võ Tòng sát tẩu, Phạm Lãi Tây Thi, Bao Công vô lò gạch gây ấn tượng rất tốt. Với kinh nghiệm đó, Thanh Tòng bắt tay viết hàng loạt vở như Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long, Tô Hiến Thành xử án, Bức ngôn đồ Đại Việt... Ông cùng chú ruột là Đức Phú một lần nữa Việt hóa gần 100% các giai điệu nhạc và vũ đạo hồ quảng, đưa thêm trình thức hát bội vào, sử dụng cả các điệu lý dân gian, các bài bản cải lương truyền thống... được cả lãnh đạo lẫn khán giả chấp nhận. Những kịch bản đó vẫn còn gây tiếng vang đến bây giờ, các thí sinh vẫn lấy trích đoạn để tham gia cuộc thi Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ... NSND Thanh Tòng là người đa tài. Ông diễn, viết, dựng, dạy học trò, làm giám khảo, đều rất giỏi.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.