Những nữ soạn giả cải lương hiếm hoi: Nhị Kiều - soạn giả có nhiều kịch bản nhất

30/09/2021 06:51 GMT+7

Nếu NSND Bảy Nam được tôn vinh là nữ soạn giả đầu tiên của cải lương thì Nhị Kiều được tôn vinh là nữ soạn giả viết nhiều kịch bản cải lương nhất. Có hơn 100 kịch bản dài cùng khoảng 1.000 bài vọng cổ được bà viết trải dài hơn 40 năm từ lúc trẻ cho đến khi hơn 80 tuổi.

Còn nhớ khoảng năm 2002, tôi lặn lội ra Bình Dương tìm soạn giả Nhị Kiều (tên thật: Quản Thị Minh Nguyệt) để viết bài, sẵn thăm nghệ sĩ Tám Vân (Lê Văn Tám) - chồng bà nghe nói cũng già yếu. Tôi ái mộ bác Tám Vân, một nghệ sĩ diễn và dàn dựng rất giỏi, từng dìu dắt thế hệ Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Tú, Mộng Tuyền, Bảo Quốc… Hai ông bà rời Sài Gòn ồn ào, về sống trong một khu vườn xanh mướt cây trái, nhưng ở khá sâu trong thôn ấp, tôi phải nhờ cậu thanh niên cháu của bà Nhị Kiều ra đón và dẫn vào. Bác Tám ít nói, chỉ có bà Nhị Kiều xởi lởi nói chuyện.
Tôi thật sự ngạc nhiên vì lúc đó bà đã 81 tuổi, người rất gầy nhưng lại nhanh nhẹn, minh mẫn, trí nhớ không giảm sút tí nào; hỏi đến chuyện nào, người nào, bà đều nhớ vanh vách. Tôi lại giật mình vì bà nói bà vẫn còn sáng tác lai rai. Bà vừa chăm chồng bệnh, vừa có thể cầm bút ở cái tuổi 81, thật không thể tưởng tượng! Bà cười: “Người ta đặt hàng mà, cũng kiếm tiền sống được. Viết cũng là cách luyện não để đừng bị lẫn đó!”. Đâu chỉ những bài vọng cổ ngắn, hoặc chập cải lương ngắn mà cả tuồng dài, bà cũng viết được. Hình như trời cho sức lực như thế không được mấy người.

Soạn giả Nhị Kiều

Gia tài kịch bản đồ sộ

Thực sự với kho tàng kịch bản đồ sộ của bà trước kia, luôn được các đoàn hoặc hãng băng đĩa lấy ra tái dựng thì tiền nhuận bút cũng về đều đều. Hai ông bà có đôi chút thiếu hụt thì con cháu bù đắp. Quả thật, kịch bản của bà rất nhiều vở ăn khách, chẳng hạn Nắng sớm mưa chiều, Truyền thuyết tình yêu... đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ lên đỉnh cao như Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Kiều Phượng Loan. Hoặc Mùa thu lá bay (viết chung với soạn giả Thế Châu) đã giúp Bạch Tuyết tỏa sáng trong vai Hàn Ni và Minh Phụng trong vai Văn Lâu.
Văn phong của bà rất nhẹ nhàng nhưng triết lý thâm sâu, và bà vẫn muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, mượn dã sử để gửi gắm những suy tư thăm thẳm về cuộc đời. Nhưng nhìn chung, thế mạnh của bà là mảng kịch bản xã hội, rất gần gũi cuộc sống, lại ngọt ngào tình cảm, cứ xoáy vào trái tim người ta mà thôi. Giọt mưa thu, Thân phận má hồng, Những mảnh đời, Tố Tâm, Vết thương kỷ niệm, Vị đắng lá sầu đâu, Lỡ chuyến đò thương, Tắt đèn, Huyền thoại một tình yêu, Những đứa trẻ lạc loài, Đầu đường xó chợ... đều là những tác phẩm ăn khách một thời.
Hỏi lại kỷ niệm lúc mới bước vào nghề, bà cười cười nhìn bác Tám Vân: “Sư phụ của tôi đó. Nhờ ổng chỉ dẫn mà tôi mới giỏi nghề. Thật lòng, tôi chăm sóc ông không chỉ với tư cách vợ chăm chồng, mà còn với tư cách người học trò tri ân thầy mình. Có ổng, tôi mới có chút tiếng tăm như ngày nay, và tất nhiên cũng có tiền để chăm lo cho gia đình”. Quả thật, nhìn cái cách bà rót nước cho ông, bà dọn cơm, loay hoay bên ông, thấy rõ sự kiên nhẫn vô bờ, sự tận tụy lạ lùng, không còn là bổn phận nữa mà là một thứ tình nghĩa rất nặng sâu.
Bà kể cái hồi làm phụ tá cho ông ở đoàn Thanh Nga, ông rất khó tánh, sai một chút là ông rầy, ông chỉnh. Nhưng chính nhờ sự khó tánh và nghiêm túc đó mà đào luyện nên một cô Nguyệt cẩn trọng, tinh tế. Từ vai trò trợ lý, cô Nguyệt mê luôn sân khấu, mê luôn ông thầy của mình và lao vào cầm bút. Ông Tám Vân chỉnh sửa, chỉ bảo, truyền kinh nghiệm cho cô Nguyệt rất nhiệt tình. Đến năm 1960 thì cô Nguyệt được nhà văn Ngọc Linh đặt bút danh mới là Nhị Kiều vì cô phóng tác cuốn tiểu thuyết của ông thành kịch bản Nắng sớm mưa chiều quá hay. Năm 1961, soạn giả Nhị Kiều kết hôn với nghệ sĩ Tám Vân, và họ tiếp tục “song kiếm hợp bích” khuấy động sân khấu cải lương.
Thời hoàng kim của soạn giả Nhị Kiều còn kéo dài đến sau 1975, và sự nghiệp cầm bút còn tiếp tục mãi đến năm bà hơn 80 tuổi. Bất cứ lúc nào viết được là bà cứ viết, hễ mệt thì nghỉ, bệnh thì nghỉ, giản đơn như cơm ăn nước uống, cứ viết như con tằm đang nhả tơ miệt mài và hạnh phúc, viết như liều thuốc tự chữa trị cho mình.
Năm 2009, nghệ sĩ Tám Vân mất thì năm 2010, soạn giả Nhị Kiều cũng đi theo ông. Hình như 89 tuổi đời bà cầm bút không ngơi nghỉ. Sức lao động và tình yêu sân khấu của bà đáng cho ta cúi đầu khâm phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.