Nỗi niềm nhạc ngoại lời Việt

12/05/2018 07:40 GMT+7

Không ít ca sĩ rất muốn làm album với những ca khúc nhạc ngoại lời Việt đã được yêu thích qua các thế hệ, nhưng lại bị “ách tắc” khâu thủ tục xin phép...

Không ít ca sĩ rất muốn làm album với những ca khúc nhạc ngoại lời Việt đã được yêu thích qua các thế hệ, nhưng lại bị “ách tắc” khâu thủ tục xin phép, nhất là phần xác minh nhân thân tác giả, khiến nhiều dự án bị chậm trễ hoặc giậm chân tại chỗ.
Khó nên chỉ phát hành online, in đĩa... tặng
Thời gian gần đây, nhiều ca khúc nhạc ngoại lời Việt (nhạc Hoa, Nhật, Pháp lời Việt) đã được “khai quật” sử dụng cho các thí sinh tham gia những cuộc thi ca hát trên truyền hình, làm dấy lên làn sóng hoài cổ, tìm nghe lại những bản hit một thời như: Tình nồng, Đợi em đợi đến hoa cũng tàn, Chỉ còn mình anh, Hoa nào anh quên... Cũng vì thấy sức hút ấy nên Lân Nhã, sau khi tham gia các sân chơi Mặt nạ ngôi sao, Gia đình song ca... đã thu âm và phát hành online những bài hát nhạc Hoa lời Việt mình từng dự thi, thu hút lượng khán giả rất lớn trên kênh YouTube của anh. Ca sĩ Khánh Ngọc cũng ra mắt album Hạnh phúc nơi nào, với những bản nhạc ngoại lời Việt (Tình lầm lỡ, Người yêu dấu, Hận tình trong mưa, Hỡi người tình, Ngàn năm vẫn đợi, Niềm đau chôn giấu, Lại gần hôn em...). Những bài hát nhạc ngoại lời Việt như Người tình mùa đông, thậm chí cả Tây du ký cũng được Hà Anh Tuấn chọn biểu diễn trong concert hồi tháng 4 vừa qua và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả.
Song, người nghe yêu thích và phát cuồng trở lại với những giai điệu xưa hay nghệ sĩ mong muốn thu âm - phát hành để gửi đến người hâm mộ là một chuyện, vấn đề hợp thức hóa thủ tục để ra CD lại là chuyện khác, mà hầu hết đều vướng chung điểm dừng: khó tìm được tác giả lời Việt hoặc bản gốc để xin phép/đóng tiền tác quyền. Theo ghi nhận của một số đơn vị phát hành băng đĩa, dù theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang… kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, các đơn vị/cá nhân muốn xin phép phát hành băng đĩa không bắt buộc phải đóng tiền tác quyền trước nữa, nhưng vấn đề tôn trọng bản quyền cũng như thanh toán tác quyền vẫn phải được đảm bảo. “Riêng đối với nhạc ngoại lời Việt, chúng tôi từng bị từ chối khi muốn đóng tiền tác quyền làm album cho một vài ca sĩ, bởi có những bài không thuộc quản lý của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN. Sở VH-TT vẫn có thể cấp phép phát hành, với điều kiện ca sĩ/nhà sản xuất phải ký cam kết chịu mọi trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến tác quyền nếu xảy ra tranh chấp hay kiện tụng. Chính vì thấy… phiền phức, khó lường hậu quả nên chúng tôi cũng từ chối phát hành đĩa cho ca sĩ. Mảng album nhạc ngoại lời Việt vài năm nay vì thế gần như bỏ trống”, bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc Phương Nam Phim cho biết.
Cũng vì khó khăn này mà ca sĩ Lân Nhã dù rất muốn phát hành đĩa truyền thống tập hợp những bản nhạc Hoa lời Việt nhưng đành ngậm ngùi gác lại, ca sĩ Hồng Ân cũng chỉ phát hành dưới dạng online. Còn ca sĩ Khánh Ngọc cho biết cô ra CD Hạnh phúc nơi nào chỉ để... tặng.
Viết lời Việt mới, tại sao không !
Chúng tôi từng bị từ chối khi muốn đóng tiền tác quyền làm album cho một vài ca sĩ, bởi có những bài không thuộc quản lý của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN
Phan Mộng Thúy, Giám đốc Phương Nam Phim
Theo một số ca sĩ, ngoài những bài được viết lời Việt bởi những tên tuổi nổi tiếng: Niềm đau chôn giấu, Tiễn anh trong mưa, Lạc mất mùa xuân... (Lữ Liên), Vũ nữ thân gầy, Trở về mái nhà xưa, Chủ nhật buồn, Tuyết rơi, Giàn thiên lý đã xa (Phạm Duy), Búp bê không tình yêu, Anh thì không… (Vũ Xuân Hùng), có nhiều bài nhạc ngoại lời Việt không xác minh được cả tác giả gốc lẫn người chuyển soạn lời Việt.
Đã có trường hợp đáng tiếc xảy ra, với ca sĩ Hoàng Bách, khi thực hiện đĩa nhạc ngoại lời Việt Trời còn mưa mãi. Anh cho biết làm đĩa nhạc Nhật lời Việt này như cách thể hiện sự cảm phục đối với tinh thần vượt qua nỗi đau của người Nhật sau thảm họa sóng thần. Nhưng rốt cuộc, phải đến 2 năm sau thảm họa ấy, đĩa mới ra mắt được, cũng vì vướng việc... đi tìm tác giả không ra nên phải đổi bài.
Dù lối ra, một cách chính thức, của các sản phẩm nhạc ngoại lời Việt có vẻ bế tắc. Tuy nhiên, việc đặt lời mới cho bản nhạc ngoại Anh thì không (bởi Châu Đăng Khoa) của ca sĩ Mỹ Tâm, khi vi phạm bản quyền đối với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, có lẽ cũng là hướng mới để các nghệ sĩ hiện thực hóa ước mơ hát nhạc ngoại lời Việt của mình. Hay trước đó, ca sĩ Mỹ Linh rất thành công với album nhạc cổ điển lời Việt Chat với Mozart. Và việc phát hành tiếp Chat với Mozart 2, với đa phần ca khúc được chính Mỹ Linh viết lời Việt, đã mang đến không gian âm nhạc mới cho những tác phẩm thính phòng kinh điển, gần gũi với cuộc sống hiện tại, phù hợp với cảm xúc người nghe đương thời. Vì thế, với những ca khúc nhạc ngoại kinh điển gặp khó khăn trong việc xác minh người chuyển soạn lời Việt, nghệ sĩ có thể hiện thực hóa ước mơ phát hành album nếu mạnh dạn đặt hàng nhạc sĩ viết lời Việt mới. Dĩ nhiên việc viết lời mới cũng phải đảm bảo yếu tố hợp pháp: được sự đồng ý của tác giả gốc hoặc tổ chức đang sở hữu bản quyền tác phẩm đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.