'Nomadland': Cái giá của đời tự do

30/01/2021 10:00 GMT+7

Trong Nomadland, nữ diễn viên gạo cội Frances McDormand hóa thân thành một phụ nữ lựa chọn cuộc sống du mục và phải đối mặt với nhiều định kiến xã hội áp đặt.

Nomadland (tựa Việt: Kẻ du mục) có nội dung xoay quanh Fern (Frances McDormand) - một phụ nữ trung niên gần 60 tuổi, bị mất việc tại khu nhà máy Empire, Nevada (Mỹ) sau khi nơi này đóng cửa. Cô quyết định sinh sống trên chiếc xe tải, khám phá và trải nghiệm chuyến hành trình xuyên miền tây nước Mỹ. Trong bối cảnh ảm đạm của cuộc khủng hoảng kinh tế, hành trình vô định của Fern để lại nhiều suy ngẫm cho khán giả. 
Kịch bản Nomadland dựa trên cuốn sách Nomadland: Surviving America in the Twenty-First Century của tác giả Jessica Bruder. Ngoài Frances McDormand và David Strathairn, dàn diễn viên trong Nomadland đa phần là những cư dân du mục thực sự. Họ sinh sống trên những chiếc ô tô, tự do rong ruổi khắp nước Mỹ. Nhờ đó, bộ phim của đạo diễn Chloé Zhao đậm tính chân thực, tái hiện rõ nét cuộc sống của những con người khắc khổ, bị nền kinh tế bỏ lại đằng sau.

Nomadland như thước phim tài liệu về cuộc sống của những người du mục nước Mỹ

Ảnh: Variety

Trong chuyến hành trình của Fern, cô có cơ hội trò chuyện với nhiều người. Mỗi người có một hoàn cảnh sống và một lý do dẫn đến đời du mục. Có người chủ động lựa chọn điều đó dù còn rất trẻ, nhưng cũng có người vì muốn chạy trốn nỗi đau, chạy trốn cảm giác bị kìm kẹp trong cuộc sống gia đình ngột ngạt hoặc không chấp nhận giam giữ mình trong những công việc nặng nhọc, bị vắt kiệt sức cho đến chết.
Cuộc sống du mục cho phép họ được là chính mình, được tìm thấy cảm giác thanh thản, thư giãn giữa bộn bề nỗi lo toan. Có khi họ tụ tập với nhau cùng ca hát, chuyện trò, sẻ chia gánh nặng thường nhật, có khi họ cùng nhau dọn rác thải, làm thiện nguyện, cho nhau mượn đồ đạc thiếu thốn.
Tuy nhiên, đời tự do không phải toàn màu hồng. Bản thân Fern hàng ngày phải vất vả xin việc, chấp nhận làm hết công việc này đến công việc khác để có tiền trang trải cuộc sống. Nhân vật sinh hoạt trong một chiếc ôtô bé tẹo, đi vệ sinh trong thùng nhựa, ăn uống tiết kiệm. Mỗi khi chiếc xe gặp trục trặc, Fern vất vả với việc sửa chữa, thậm chí cô phải đến gặp người thân trong gia đình để vay mượn tiền bạc. Fern càng có nhiều tình bạn dọc đường thì mối quan hệ giữa cô với những người cùng dòng máu lại càng trở nên xa cách, phai nhạt vì bất đồng quan điểm sống.

Frances McDormand thể hiện khả năng diễn xuất nội tâm trong Nomadland

Ảnh: Variety

Thông điệp ý nghĩa về nhân sinh

Nomadland không tô hồng hay thi vị hoá cuộc sống du mục. Tác phẩm nhìn nhận vấn đề bằng con mắt khách quan và thể hiện chúng dưới hai mặt đối lập nhau. Những cá nhân như Fern phải đối mặt với nhiều định kiến, đánh giá từ mọi người xung quanh. Có người xem cô như biểu tượng của sự mạnh mẽ, dũng cảm, dám sống cuộc đời mình yêu thích, nhưng cũng không thiếu một bộ phận coi Fern là kẻ lập dị, thích đi ngược đám đông. Thậm chí, họ cho rằng lối sống du mục mà cô chọn đồng nghĩa với cách sống ích kỷ, ngu ngốc và vô tổ chức.
Frances McDormand là linh hồn của Nomadland. Cô thành công trong việc khắc họa nội tâm nhân vật Fern thông qua ánh mắt giàu cảm xúc cùng khuôn mặt luôn toát lên vẻ ưu tư, chiêm nghiệm. Không gai góc và ồn ào như Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (2017), McDormand trong Nomadland lại là mẫu nhân vật bình lặng, từng trải, chịu đựng nhiều vết sẹo tinh thần trong quá khứ.
Đối với Fern, cuộc sống du mục cho cô cơ hội khám phá những gam màu đa dạng, giúp cô nhận ra nhiều ý nghĩa cuộc đời. Thông qua câu chuyện của Fern, đạo diễn Chloé Zhao gửi gắm thông điệp về nhân sinh, cách con người vượt qua mất mát để sống thanh thản và nhìn cuộc đời bằng lăng kính lạc quan.

Mỗi khung hình của Nomadland đều giàu chất thơ và khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ

Ảnh: Variety

Nomadland không có những khoảnh khắc kịch tính, những cú twist (bẻ ngoặt) bất ngờ. Phim có cách thể hiện đậm chất tài liệu, với nhiều góc máy cận, cảnh quay dài cùng những đoạn độc thoại đầy nội tâm của nhân vật về cuộc đời họ. Phần nhạc phim do nhà soạn nhạc người Ý Ludovico Einaudi thực hiện, với chất liệu chủ đạo là dương cầm và vĩ cầm, tạo nên không khí lắng đọng, da diết cho tác phẩm.
Nomadland nhận được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn. Phim hiện có điểm 97% trên Rotten Tomatoes và 96/100 trên Metacritic. Trước đó, hồi 12.9.2020, Nomadland giành giải Sư tử vàng cho hạng mục phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Venice 2020. Chiến thắng này giúp Chloé Zhao trở thành nhà làm phim nữ hiếm hoi giành được giải thưởng cao nhất của liên hoan phim nổi tiếng kể từ khi Sofia Coppola chiến thắng với Somewhere vào năm 2010. Chloé Zhao cũng là người phụ nữ da màu đầu tiên nâng cúp Sư tử vàng sau Mira Nair năm 2001. Đây được xem là sự thúc đẩy triển vọng cho khả năng cạnh tranh Oscar sắp tới của tác phẩm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.