Đây là lần thứ 4, NSND Đặng Thái Sơn được mời vào vị trí ban giám khảo cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin (gọi tắt là cuộc thi Chopin) cùng nhiều tên tuổi lớn của thế giới. Ông cũng sẽ tham gia trong phần trình diễn chưa từng có từ trước đến nay cùng 3 nghệ sĩ đã giành chiến thắng của cuộc thi là Martha Argerich (giải nhất năm 1965), Kevin Kenner (giải nhì - không có giải nhất năm 1990), Yulianna Avdeeva (giải nhất năm 2010), với sự tham gia của dàn nhạc Warsaw Philharmonic Orchestra, nhạc trưởng Andrzej Boreyko. Các nghệ sĩ sẽ chơi bản Concerto in A minor BWV 1065 cho 4 piano và bộ dây của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach trong buổi gala khai mạc diễn ra lúc 14 giờ Ba Lan (19 giờ Việt Nam) vào ngày 2.10, được phát trực tuyến tới khán giả trên khắp thế giới.
Gần 550 thí sinh ở khắp nơi trên thế giới đã đăng ký tham dự cuộc thi Chopin. Sau vòng loại chấm băng video và biểu diễn trực tiếp, 87 thí sinh đến từ 18 quốc gia trên thế giới, ở độ tuổi 17 - 31, được lựa chọn để bước vào vòng thi chính thức diễn ra từ ngày 2 - 23.10 tại thủ đô Warsaw, Ba Lan. Các buổi thi sẽ được phát trực tuyến trên nhiều nền tảng, trong đó có website cuộc thi (Chopin2020.pl), kênh YouTube Chopin Institute.
Số điểm của các thí sinh được công bố sau 2 ngày trao giải. Người chiến thắng cuộc thi năm nay được trao tặng giải thưởng 40.000 euro (tương đương hơn 1 tỉ đồng)
|
Từng xuất hiện tin đồn giữa ông và nghệ sĩ Martha Argerich có mâu thuẫn, nhưng rõ ràng việc biểu diễn cùng nhau trong gala sắp tới cho thấy không có“vấn đề” nào giữa ông và bà?
Tôi phải nói cho rõ lại về scandal của cuộc thi Chopin năm 1980, khi đó bà Martha Argerich làm giám khảo. Bà đã bỏ về trước vòng chung kết để phản đối việc Ivo Pogorelich không được vào vòng chung kết cuộc thi năm đó, chứ giữa tôi và bà không có vấn đề gì. Năm 2010 và 2015, chúng tôi cùng làm giám khảo của cuộc thi Chopin, không những thế còn ngồi cạnh nhau khi chấm. Nếu có vấn đề gì thì chúng tôi không đời nào chấp nhận như vậy.
Phần trình diễn của 4 nghệ sĩ thắng giải có lẽ là sự kiện lớn nhất đến giờ tại cuộc thi Chopin. Trong đó, bà Martha Argerich là nghệ sĩ thuộc hàng “top của top” trong làng nhạc cổ điển. Tôi từng biểu diễn với dàn nhạc Ba Lan trong gala khai mạc cuộc thi năm 2005. Lần biểu diễn tới, với tôi, đó sẽ là vinh dự lớn nữa khi được xếp vào mâm quá sang trọng này!
Vậy còn ở lần thứ 4 làm giám khảo cuộc thi, ông chờ đợi điều gì?
Không riêng gì lần này, lần nào ngồi vị trí giám khảo tôi cũng chờ đợi những tài năng mới, những tài năng đặc biệt. Sau mỗi lần tổ chức, mức độ khó của cuộc thi lại tăng lên. Như ở cuộc thi lần này, sau 2 vòng loại, thí sinh phải bước vào
4 vòng chính thức. Việc chấm thi không phải là không mệt mỏi, nhưng những lúc được thấy tài năng, mình lại phấn chấn, quên hết cả mệt. Việc đó còn bổ hơn uống sâm!
Nhiều học trò của ông, trong đó phần lớn đến từ châu Á, đã giành giải thưởng tại cuộc thi Chopin. Việc góp công đào tạo ra những thế hệ tài năng trong suốt nhiều năm qua có khiến ông hài lòng?
Theo quy luật, lúc trẻ mình sung sức biểu diễn, càng về sau kinh nghiệm giảng dạy thu được nhiều hơn. Với tôi, việc giảng dạy có thể nói vừa là quy luật như trên nhưng cũng là sự hào hứng của bản thân. Cũng bởi trước đây tôi đã trải qua nhiều khó khăn khi mình học tập. Chẳng hạn, thời kỳ để mình phát triển tốt nhất là thời sơ trung thì lại là khoảng thời gian đất nước chiến tranh. Nhưng chính từ những khó khăn, mình phải tự tìm cách để đuổi kịp chúng bạn. Nhờ đó, mình biết cách làm sao đi ngắn lại mà bước nhanh hơn và bây giờ mình truyền lại cho học trò. Cũng vì tự trải qua những khó khăn nên mình hiểu học trò hơn và cũng có hứng thú nhiều hơn trong việc giảng dạy.
Sự khác biệt trong đào tạo âm nhạc cổ điển giữa châu Âu và châu Á hiện nay ít hơn ngày xưa nhờ những thông tin trên mạng internet. Nhưng dù thế nào, người Á Đông vẫn hiểu người Á Đông nhiều hơn từ mặt thể lực, tới tình cảm, sự nhạy cảm…
Nhiều học trò châu Á tìm đến tôi là vì thầy giáo châu Á thuộc thế hệ tôi không có nhiều, mà chỉ có thế hệ trước đó thì nay cũng đã 80 - 90 tuổi cả rồi, hoặc là thế hệ trẻ hơn. Có lẽ vì số lượng ít, nên lợi thế của mình nhiều, tạo nên vị trí của mình trong công tác giảng dạy. Hiện nay, tôi giảng dạy ở 2 trường của Mỹ và có nhiều lớp masterclass ở khắp nơi.
Cách đây vài năm, ông từng lên tiếng báo động chưa có nhiều thí sinh Việt Nam được giải ở những cuộc thi âm nhạc cổ điển lớn của thế giới, nếu không nhanh chóng thay đổi, Việt Nam sẽ bị bỏ rơi. Đến giờ, ông thấy đã có sự thay đổi nào chưa?
Hiện nay, nhiều tài năng ở Việt Nam đi theo hướng: khi còn nhỏ thì học tập trong nước, lúc lớn lên nếu gia đình có điều kiện thì các cháu ra nước ngoài học tập. Hiện nay, lứa học sinh trung cấp học tập ở nước ngoài đã nhiều hơn. Bây giờ ở Việt Nam là phát triển theo kiểu tư nhân như thế, còn chờ cơ chế của nhà nước thì lâu lắm.
Hiện tại, những trung tâm tư nhân về âm nhạc ở Việt Nam đang mọc như nấm nhưng hầu hết là dạng phổ cập, còn những trung tâm cao cấp hơn một chút chưa có nhiều. Bắt đầu đang có một số nghệ sĩ trẻ về lập ra những trung tâm như vậy chẳng hạn Lưu Đức Anh. Với đà này, theo thời gian, mọi thứ sẽ tốt lên, tất nhiên là mình vẫn phải nhanh lên. Chúng ta không dám so với nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Trung Quốc, nhưng ngay cả với Thái Lan hay Malaysia họ cũng đã đi nhanh lắm rồi. Việt Nam cũng đi nhưng vẫn còn chậm, nhưng nếu giậm chân tại chỗ thì còn khổ hơn nữa.
Riêng với cuộc thi Chopin lần này, có 1,5 thí sinh người Việt tham gia (cười). Một là Nguyễn Việt Trung, cái tên không còn xa lạ với nhiều người yêu nhạc cổ điển trong nước; và một em khác là J J Jun Li Bui có bố là người Việt, mẹ là người Trung Quốc, và là học trò của tôi.
Bình luận (0)