NSƯT Ngọc Khanh âm thầm 'giữ lửa’ cho hát bội

23/03/2021 19:00 GMT+7

NSƯT Ngọc Khanh là một trong những học trò xuất sắc của NSND Đinh Bằng Phi. Và hơn 30 năm nay, bà rong ruổi với đoàn hát bội tự mình lập ra, cố "giữ lửa" cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Ở tuổi 67, NSƯT Ngọc Khanh vừa làm “bà bầu” vừa kiêm luôn vai trò quản lý, tổ chức biểu diễn, chỉ đạo nghệ thuật, dàn dựng, đào tạo lớp trẻ… Có thể nói ở phía Nam, cùng với Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM thì chỉ còn Đoàn hát bội - tuồng cổ Ngọc Khanh vẫn đang "giữ lửa" cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này. NSƯT Ngọc Khanh đã có cuộc trò chuyện với Thanh Niên về việc "giữ lửa" cho nghệ thuật hát bội.
* Mới đọc thấy trạng thái (status) của bà trên Facebook than rằng các sô diễn trong mùa chầu này bị hủy hết. Hát bội một năm chỉ sống nhờ mùa chầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, mà nay bị hủy sô thì anh em nghệ sĩ phải làm sao? Họ có nghề tay trái để cầm cự hay không?
- NSƯT Ngọc Khanh: Tại dịch Covid-19 nên đành chịu, chứ biết làm sao bây giờ. Dù các sân khấu, tụ điểm giải trí đã được phép biểu diễn trở lại, nhưng lễ hội thì vẫn chưa thể tổ chức được, vì thường tập trung hằng trăm, hàng ngàn người. Mà hát bội sống nhờ lễ hội cúng đình hằng năm. Năm ngoái đã bị hủy sô, năm nay tiếp tục. Anh em nghệ sĩ đành sống nhờ nghề tay trái như chạy xe ôm, sửa xe, buôn bán, phụ việc… Thì họ vẫn làm các nghề đó trong năm, khi đến mùa chầu mới tạm ngưng để đi theo gánh hát. Nhưng họ vẫn vui vì có được 3 tháng sống với nghề, không bị quên tuồng. Chứ còn nghỉ hoài như vầy thì ai cũng nhớ nghề lắm, buồn lắm!

Đoàn hát bội - tuồng cổ Ngọc Khanh biểu diễn ở một sân đình trước đây

ẢNH: NSCC

* Ngày thường thì các nghệ sĩ trong đoàn tản mác khắp nơi, đến mùa mới tập trung lại? Và bà đi kiếm sô cho đoàn có khó lắm không? Sao trong tên đoàn lại có chữ “tuồng cổ” đứng bên cạnh chữ “hát bội”?
- Tôi đâu có nuôi nổi nghệ sĩ quanh năm. Ai ở nhà nấy, rải khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ. Có suất hát thì tôi gọi điện thoại,  các nghệ sĩ sắp xếp đi lên. Mà toàn đi bằng xe máy. Còn chiếc xe tải tôi thuê chỉ dùng chở cảnh trí, đạo cụ. Trời thương, anh em nghệ sĩ còn khỏe mạnh để đi xa. Riêng tôi kiếm sô cũng không khó, vì mấy chục năm hoạt động người ta biết hết, tới mùa họ tự động gọi, mình khỏi phải chạy tìm. Và sở dĩ tên đoàn có thêm chữ "tuồng cổ" bởi vì chúng tôi có thể hát được cải lương tuồng cổ, nếu địa phương nào đề nghị thì mình diễn luôn. Có nơi, một suất hát bội, một suất tuồng cổ chen nhau, khán giả thích gì thì coi thứ ấy, rất vui vẻ.
* Nghệ sĩ trong đoàn của bà hình như đều là con nhà nòi chứ không qua trường lớp đào tạo nào? Và vì sao họ yêu hát bội như vậy trong khi hát bội đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn?
- Anh em nghệ sĩ trong đoàn đều là con cháu của nghệ sĩ hát bội lớp trước, đúng nghĩa cha truyền con nối. Cha mẹ họ đi hát, họ đi theo, riết rồi nhập tâm sân khấu. Dù không đi theo cha mẹ thì tự nhiên máu hát bội có sẵn trong người, khi lớn lên họ tự động giữ nghề của cha mẹ, bước lên sân khấu một cách dễ dàng. Trong đó có cháu nội của tôi là Khánh Minh, tự động theo nghề, tôi hoàn toàn chấp nhận. Giải thích thế nào đây về tình yêu của họ? Chỉ biết cảm động, cảm ơn thôi, họ đã giữ cho hát bội không bị mai một.
* Trong đoàn hát của bà người trẻ chiếm nhiều không? Bà đào tạo họ thế nào?
- Nghệ sĩ trẻ chiếm hơn 50% lực lượng. Khi họ vào đoàn thì cứ theo tuồng cũ mà hát, tôi có hướng dẫn nhưng không quá vất vả. Họ là con nhà nòi mà, chứ tay ngang làm sao theo nổi.

Lực lượng diễn viên trẻ của Đoàn hát bội - tuồng cổ Ngọc Khanh

ẢNH: NSCC

Cố gắng giữ cho 'lửa' hát bội đừng tắt

* Tuồng cũ là vẫn kịch bản xưa phải không? Tuổi thơ tôi từng xem đến thuộc lòng ở mái đình quê ngoại. Bà có nghĩ đến việc làm mới, cách tân hát bội để dễ tiếp cận khán giả trẻ hay không? 
- Đúng là những tuồng xưa được ưa chuộng như Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, San hậu, Tiết Nhơn Quý chinh đông, Chung Vô Diệm, Ngũ hổ bình tây… Các tuồng này được lưu truyền lại, nghệ sĩ thuộc lòng, có khi khỏi cần tập tuồng. Đặc biệt, nghệ sĩ của tôi phải đóng được tất cả các vai trong một vở, nếu thiếu người là phải vô diễn thay. Vì vậy anh em rất đa năng, mùi - thương - độc - lẳng, vai gì cũng hát được.
Thật lòng tôi cũng muốn cách tân, nhưng lực bất tòng tâm. Muốn cách tân thì phải có tuồng mới, có đạo diễn, có thời gian tập tuồng… Tiền đâu ra? Có ai đầu tư cho chúng tôi không? Nên chắc việc cách tân đó để dành cho Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, đơn vị chính quy được nhà nước đầu tư. Riêng tôi chỉ nghĩ tới việc giữ lại vốn liếng xưa đã là may rồi. 
* Nếu bà không cách tân, mà giữ nguyên chất liệu truyền thống cho hát bội thì mai này người ta muốn tìm về nguyên bản hát bội thì sẽ có đoàn hát của bà. Nhưng theo bà, cách tân có nghĩa là sao?
- Tôi nghĩ cách tân ở chỗ bớt tiếng Hán - Việt lại, mà thay bằng từ thuần Việt, bớt "ứ ư" lại, mà ca rõ lời hơn, dễ nghe hơn. Thật sự hiện nay đoàn chúng tôi cũng chú ý điểm này, dù hát nguyên bản gốc nhưng vẫn cố gắng làm sao cho khán giả dễ tiếp thu hơn xưa.
* Nghe tin đoàn hát của bà mới vừa giúp cho sinh viên trường Đại học FPT làm tác phẩm tốt nghiệp về hát bội?
- Tôi rất vui khi trường đại học quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. Điều này khích lệ chúng tôi cố giữ lấy nghề.
* Bà mơ ước gì cho tương lai của hát bội?
- Tôi chỉ cố gắng vực dậy bộ môn này, giữ cho "lửa" đừng tắt. Việc còn lại thuộc về các ban ngành chức năng có kế hoạch tổ chức biểu diễn thế nào cho khán giả trẻ xem. Nếu các ban ngành khéo léo kết hợp thì tôi tin khán giả trẻ vẫn thưởng thức được hát bội. Bản thân tôi và anh em nghệ sĩ đã làm hết sức suốt mấy chục năm qua, chỉ mong có thêm những bàn tay hỗ trợ. Giữ "lửa" thì giữ, chứ cũng mong có ai cho thêm củi. (cười)
Mẹ của NSƯT Ngọc Khanh là cô đào hát bội Ba Út nổi tiếng một thời với NSND Thành Tôn (cha của NSƯT Thành Lộc) và NSND Năm Đồ; còn ba của bà đi theo cải lương. Khi Ngọc Khanh lớn lên, mẹ không cho đi hát, NSND Đinh Bằng Phi phải tới tận nhà thuyết phục mẹ bà. Thế là Ngọc Khanh được vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc do thầy Đinh Bằng Phi giảng dạy bộ môn hát bội. Sau 1975, NSƯT Ngọc Khanh được giữ lại trường và giảng dạy. Lúc này trường đổi tên thành trường Nghệ thuật Sân khấu 2.
Học trò của bà như NSƯT Ngọc Nga, NSƯT Hữu Danh, NSƯT Hữu Nhi… đều trở thành những nghệ sĩ giỏi của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM . Riêng bà không chịu về nhà hát, mà thích hoạt động tự do và thành lập Đoàn hát bội Ngọc Khanh (nay là Đoàn hát bội - tuồng cổ Ngọc Khanh) vào năm 1990, trực thuộc Hội Sân khấu TP.HCM. Từ năm 1996, bà chuyển đoàn về trực thuộc Sở Văn hóa tỉnh Đồng Nai, hoạt động đều đặn khắp các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.