(TNO) Sáng nào cũng vậy, nếu không đi đóng phim, thì "lão nông" Trần Hạnh lại ra bán hàng phụ giúp cho con dâu gần cổng ga Hà Nội, phía đường Trần Quý Cáp.
NSƯT Trần Hạnh - Ảnh: Ngọc An
|
Từ anh thợ đóng giày đến nghệ sĩ kịch nói
Khán giả vốn quen với nghệ sĩ Trần Hạnh trong các bộ phim truyền hình, nhưng cái duyên của ông gắn với sân khấu đầu tiên. “Tôi làm nghề đóng giày, đến tối về thì đi tập kịch của câu lạc bộ Thanh Niên ở hồ Thiền Quang. Có lần một người anh trong đoàn bảo giới thiệu tôi về Đoàn kịch Hà Nội làm cho đỡ vất vả, lại được lương bậc 2, hồi đó tính ra là 41 đồng”, ông kể. Vậy là, từ năm 1959, ông về Đoàn Kịch Hà Nội - sau là Nhà hát Kịch Hà Nội công tác.
Thành công trong nghiệp sân khấu của ông phải kể đến hai huy chương vàng với vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa, rồi vai Vũ Kiêm trong Tiền tuyến gọi. “Hồi đấy, được huy chương nhưng nào có tấm huy chương gì, cũng chẳng được tiền thưởng", nghệ sĩ Trần Hạnh cười.
Ông bỗng hào hứng hẳn lên khi nhắc lại kỷ niệm diễn kịch ngày xưa: “Trong vở tôi đóng Nguyễn Trãi, chúng tôi diễn tưng bừng lắm, vào tận mặt trận Quảng Trị diễn cho bộ đội xem trước khi vào Nam cơ mà. Mà hồi đấy khán giả đi xem kịch ở rạp cũng đông vui lắm, hơn bây giờ nhiều. Anh em trong đoàn chỉ có tiêu chuẩn cách ngày mới được mua một vé. Thế là đành xin suất của nhau nếu muốn mua một đôi vé mời bạn thân”. Ông kể, mỗi buổi diễn kịch được bồi dưỡng khi thì 4 hào, 6 hào, rồi cứ tăng dần lên thành 8 hào, rồi 1 đồng 2. “Tính ra 6 hào là được bát phở”, ông cười.
Sáng nào cũng vậy, ông thường ra giúp con trông cửa hàng nhỏ ở cửa ga Hà Nội phía đường Trần Quý Cáp - Ảnh: Ngọc An
|
Trong Liên hoan phim Việt Nam năm 1996, ông được nhận giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc với vai diễn trong bộ phim Nước mắt đàn bà. Ông nhắc lại kỷ niệm vui hồi ấy: “Tôi ở bên sân khấu nên lúc trao giải ở rạp Tháng Tám chả thấy ai báo cho tôi cả. Tôi đi làm phim với bà Bạch Diệp (đạo diễn - PV), bà hỏi tôi sao được nhận trao giải mà không đi nhận, ông Khắc Lợi (đạo diễn - PV) đã nhận hộ rồi. Lúc tôi lên gặp ông Khắc Lợi, tôi bảo phim Nước mắt đàn bà thì phải trao giải cho nữ chứ sao lại cho tôi. Ông ấy bảo, người ta tính là cả quá trình công tác của tôi chứ không chỉ riêng phim này. Ông ấy hỏi: thế cậu nhận hay đem trả nào? Tôi nhận chứ, được thưởng những 500 nghìn mà, hồi đấy số tiền này mua được cả chiếc xe đạp. Nhưng tôi đem về đi liên hoan với anh em, rồi đưa hết cho vợ”.
“Tôi được như thế này là mừng lắm rồi”
Cuộc sống của nghệ sĩ Trần Hạnh lắm nỗi truân chuyên, ông mồ côi cha khi mới 8 tuổi. Đến năm 23 tuổi, ông lấy vợ và vợ ông lần lượt sinh hạ 7 người con. Cuộc sống mưu sinh, nuôi nấng các con với ông có nhiều nỗi cơ cực. “Ban đêm tôi đi diễn, ban ngày lại đi mượn cái xe của ông Hoàng Tích Linh - em trai của ông Hoàng Tích Chỉ (nhà biên kịch - PV), rồi chở mắm, muối, gạo về cho lũ trẻ ở nơi sơ tán. Đi đến Trạm Trôi thì địch ném bom, mấy người đi sơ tán bị chết”, ông nhớ lại.
Đến thời bình, cuộc sống của ông lại có thêm những nỗi cơ cực, vợ ông bị tai biến nằm liệt trong nhiều năm, bà mất năm 2011. Người con trai út của ông không may bị tai nạn cũng đã gần 20 năm, không thể tự chăm sóc bản thân. Căn nhà nhỏ của ông chỉ hơn chục mét vuông mà bao người sinh sống. Cuộc sống của ông giờ trông vào đồng lương hưu hơn 3 triệu đồng và quán hàng nhỏ của người con dâu. Thỉnh thoảng ông mới được gọi đi đóng phim. “Giờ cũng ít phim mời tôi lắm, vì các vai diễn già đâu có mấy đâu. Lâu lâu tôi lại được đi gặp các cháu học sinh hoặc đi đóng phim quảng cáo”.
Ông ít khi được nhắm vào những vai khác ngoài vai lão nông chân chất, hiền lành, người ông hiền hậu, hoặc người đàn ông khắc khổ. Liệu có phải cuộc đời của ông vận vào cả vai diễn? Ông bảo, đúng là có cái gì đó gần giữa ông và những cái vai khổ khổ ấy.
“Nhưng tôi thấy mình trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì hơn bao nhiêu người”, nghệ sĩ nói. Tôi hỏi một ngôi sao của sân khấu kịch như ông cho đến khi là diễn viên “ăn khách” của truyền hình, nếu ông sống ở thời này, cuộc sống sẽ khá hơn, như bao diễn viên ở nhà hát ông có nhà, có xe ô tô đàng hoàng. Ông cười hiền: “Mỗi thời mỗi khác chứ. Tôi chẳng bao giờ thấy mình phải nói giá mà, hay ước mơ điều gì cả. Tôi thấy mình được cuộc sống như bây giờ, nói thật, là mừng lắm rồi cô ạ”.
Ông bảo hài lòng với cuộc sống bây giờ, sáng đi trông hàng cho con một lúc, rồi đi làm việc gì thì làm, đến trưa về nấu cơm ăn, tối về nằm xem phim. Sau cuộc trò chuyện, nghệ sĩ Trần Hạnh dắt chiếc xe cúp quen thuộc đến Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam để thử quần áo cho vai diễn ông sắp tham gia. NSƯT Trần Hạnh tự lái xe máy, chẳng ai nghĩ, nay ông đã bước sang tuổi 87, đã có 3 chắt gọi bằng cụ.
Bình luận (0)