Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM - HBS0) kể, mỗi ngày anh và các anh chị tình nguyện viên hùng hục mang mấy trăm phần quà, khiêng mấy tấn gạo, nhu yếu phẩm, rau củ quả rồi phân chia quà/gói an sinh, bất kể nắng mưa; bản thân anh bê mấy bao gạo nặng 50kg-60kg ngon lành...
|
Lùng bảo, "Làm này làm kia, ngày này qua ngày kia đến, rồi tới lúc xách vali tạm biệt mọi người và đi bộ hơn 1km về nhà, qua chốt kiểm soát chào mấy anh đồng đội bộ đội hai tuần vừa qua rồi về, rưng rưng trái tim...".
* Thời gian qua, ca sĩ, diễn viên, MC... tham gia hỗ trợ người dân chống dịch không ít, anh có lẽ là nghệ sĩ múa đầu tiên có mặt trong đội tình nguyên chống dịch?
- Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng: Tôi đã muốn đi làm tình nguyện viên từ khá lâu rồi, nên khi Nhà hát - nơi tôi công tác hỏi có muốn tham gia tình nguyện viên không thì tôi đăng ký luôn. Nhưng để an toàn cho bản thân và những người người xung quanh, tôi chờ tiêm mũi 2 xong mới đi.
Ở nhà tôi vẫn luôn cập nhập thông tin về tình hình dịch, biết rằng tuyến đầu cùng tất cả những người đang tham gia chống dịch đã rất mệt mỏi, họ vất vả rất nhiều tháng nay... Tôi đi với tinh thần tự nguyện, muốn được làm gì đó trong thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng như thế này, san sẻ một chút sức lực của mình với mọi người…
|
|
|
|
|
* Cảm giác, cảm xúc của anh khi chuẩn bị "lên đường" thế nào? và khi trực tiếp tham gia công việc tình nguyện khác nhau ra sao?
- Khi nhận được thông tin mình được tham gia đội tình nguyện viên chống dịch, trong đầu tôi chỉ nghĩ: “Ồ, cuối cùng cũng được đi rồi"; nhưng sau lại có một vài vấn đề khiến tôi tò mò thậm chí có một chút lo sợ, không biết ở những điểm dịch căng thẳng ra sao, liệu mình có ổn không...
Để an toàn cho người nhà, tôi xác định đi là ăn ngủ nghỉ tại chỗ luôn chứ không về nhà trong thời gian tham gia giúp bà con chống dịch, nên đã gọi điện, nhắn tin hỏi anh chị trong tổ điều phối nhân sự tình nguyện viên xem mình cần chuẩn bị những gì, địa điểm nào ở gần nhà mình để mình tiện di chuyển đến đó... Và có phường cách nhà tôi 1km, có thể 3 tại chỗ luôn. Tôi không biết đi xe máy (cười) nên tốt nhất vẫn nên là làm tình nguyện viên tại đâu thì ở yên tại chỗ cho tiện.
Khi chuẩn bị hết đồ dùng cá nhân... tôi cứ phải động viên mình là “không sao, không có gì phải sợ đâu". Khi đến nơi, vừa cất vali là lao vào làm việc luôn.
Làm việc rồi, tôi thấy cũng chẳng có gì đáng sợ như mình đã nghĩ. Tôi làm bên thực phẩm và gói an sinh cùng với các bạn bộ đội và một vài anh chị em tình nguyện nữa. Công việc chính là đi nhận và gói gói an sinh mang trao cho người dân. Việc khá nặng, toàn hàng mấy tấn nên bê bê vác vác, mỗi người một tay, ngày làm 7-8 tiếng. Mọi người vừa làm vừa đùa nhau sau dịch có thêm nghề tay trái bốc vác kiếm tiền (cười).
Ăn uống thì có bếp nấu cho tất cả mọi người ăn, ngủ thì ở hội trường của phường. Ngày làm bắt đầu từ 8 giờ, có vất vả nhưng tan làm tôi duy trì việc vẫn tập thể dục, ngủ sớm, sáng 6 giờ dậy tập yoga... Tôi giữ tinh thần luôn thoải mái.
|
* Mỗi ngày mới, anh thường nghĩ đến điều gì và khi trở về thì sao?
- Thật ra tôi không có quá nhiều thời gian để suy nghĩ, tôi tìm đủ mọi cách để thật bận rộn dù là ở nhà hay ở chỗ làm tình nguyện viên, chỉ mong muốn dịch bệnh đi qua thật nhanh để mọi thứ trở lại cuộc sống bình thường.
Có ngày làm về rưng rưng cảm xúc, dù mệt đấy, mà thấy sao vui, thấy hạnh phúc mới mẻ lạ lùng, cảm giác cho đi một chút xíu thôi mà sao trong lòng lâng lâng. (Nói thật là đến lúc này tôi còn rơi nước mắt luôn, giống như mình diễn xong một vở diễn trên sân khấu vậy).
* Những việc anh làm hẳn đều là lần đầu tiên? Anh có nghĩ những khoảnh khắc rưng rưng, xúc động ấy - những trải nghiệm đặc biệt ấy một ngày nào đó sẽ được "chuyển hóa" vào tác phẩm múa của mình khi trở lại sàn diễn?
- Tôi xuất thân nông dân nên chuyện bê vác mấy bao gạo hay rau củ vài chục ký lô một bao rất là bình thường; những việc còn lại thì đều là lần đầu tiên: đi phát quà cho F0, đi test với đội y tế…
5 tháng không cắt tóc, tóc tôi đã đủ dài để cột, luôn bịt kín mít nên có bác kia nhờ tôi: Cháu gì ơi giúp bác bê bịch đồ lên xe với? Mà chẳng biết là cháu gái hay cháu trai nhỉ, tóc không dài không ngắn? Tôi: Dạ cháu trai bác ơi (cười).
Đi trao gói an sinh với các bạn bộ đội thì người dân cám ơn rối rít, lại còn tặng lại mỗi người chai nước suối; hay đi test cũng vậy, nắng nóng mà mặc đồ bảo hộ, khẩu trang kín mít, một bác thấy thương quá nên đi vào nhà lấy ra mấy chai nước ngọt bảo “các cháu uống chai nước cho mát", rưng rưng xúc động. Tôi thấy ấm lòng lắm, yêu lắm lắm những khoảnh khắc đấy. Tất cả sẽ là trải nghiệm quý giá cho bất nghệ sĩ nào, chứ không chỉ riêng tôi, khi trở lại cuộc sống bình thường mới với công việc sáng tạo của mình.
|
|
|
* Và bức ảnh ghép 2 hình Sùng A Lùng thời đi học với quân phục và anh của ngày hôm nay - khi làm việc với đồng đội là bộ đội mà anh vừa chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hẳn "ẩn chứa" nhiều điều muốn nói?
- Tôi vốn làm việc rất nghiêm túc. Đến nỗi, các bạn bộ đội còn nói: "Anh Lùng làm việc cứ như quân đội ấy nhỉ", tôi cười đáp: "Thì anh cũng xuất thân từ trường quân đội mà". Thời còn học trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, tôi còn nhỏ tuổi lắm, lớp 9 đã thi vào học rồi, hết lớp 11 là ra trường, đi làm, lớp 12 thì vừa làm cơ quan vừa học ở trường. Bây giờ đã gấp đôi tuổi năm ấy, mọi thứ đều thay đổi, trưởng thành rất nhiều.
Lùng của năm ấy chỉ là một cậu bé, chỉ biết chăm chăm vào học, mọi thứ đều suy nghĩ đơn giản; còn bây giờ thì có thể nói là trưởng thành rồi, cũng gọi là từng trải, suy nghĩ phức tạp hơn (cười)... Nhưng vẫn còn rất nhiều thứ mà tôi không muốn đánh mất, hay thay đổi, những điều đó đã tạo ra một Sùng A Lùng của hôm nay. Đó là sự nghiêm khắc mình dành cho chính mình, làm việc không ngừng nghỉ, đã làm là phải làm cho tới, cho đến cùng.
Cảm ơn Sùng A Lùng đã chia sẻ!
Bình luận (0)