Phá cầu Long Biên là xóa một phần ký ức Hà Nội

19/02/2014 03:00 GMT+7

“Tôi nói ngắn gọn, cả ba phương án đều là phá cầu”, GS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội nói về các phương án liên quan đến cầu Long Biên.

 Phá cầu Long Biên là xóa một phần ký ức Hà Nội
Cầu Long Biên đang đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ - Ảnh: Việt Thanh

Mới chỉ cách đây 2 năm, khi tròn 110 tuổi, cầu Long Biên trở thành nhân vật chính trong bao câu chuyện. Những trang viết trĩu nặng tư liệu. Bao dòng thơ. Phóng sự ảnh ấm lòng của nhiều tay máy Hà Nội hào hoa. Ở đó, cây cầu như một người “lão bộc trung thành”, chứng nhân của lịch sử. Nhưng giờ đây, chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất cầu Long Biên vĩnh viễn. “Cả ba phương án đưa ra về cầu Long Biên (do Bộ GTVT trình xin ý kiến - NV) đều là phá cầu”, GS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội nói.

 

Nó đâu chỉ phải là chuyện cây cầu. Nó còn là một  di sản của tất cả chúng ta

KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích

Nếu là một di tích cấp quốc gia, cầu Long Biên đương nhiên được luật Di sản bảo vệ. Mỗi động thái liên quan đến cây cầu đều phải được sự thỏa thuận với Cục Di sản. Tuy nhiên, trường hợp của Long Biên hơi đặc biệt. “Cầu Long Biên không phải di tích đã xếp hạng”, Cục trưởng Cục Di sản Nguyễn Thế Hùng cho biết.

Từ khía cạnh pháp lý, hiện cầu Long Biên chỉ có một “bảo trợ pháp luật” từ phía Hà Nội. Cây cầu này nằm trong danh sách các công trình kiến trúc trước năm 1954 được bảo tồn, vừa được HĐND TP.Hà Nội thông qua ngày 4.12.2013. Tuy nhiên, những chính sách cụ thể với công trình này hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Chính vì thế, điều này càng làm nguy cơ cầu bị phá tăng lên rất cao. 

Chỉ ra vẻ bảo tồn

“Cầu Long Biên không được công nhận là di tích nhưng vẫn phải ứng xử với nó như một di sản”, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói. “Nó cũng như Nhà hát Lớn, một công trình khác trong danh sách công trình kiến trúc trước 1954 cần được bảo tồn. Nó là một phần ký ức của Hà Nội. Vì thế, tuy không phải là di tích lịch sử, nó vẫn phải được coi như một di tích được luật bảo vệ”.

 

Ba phương án do Bộ GTVT nêu lên để lấy ý kiến bộ ngành liên quan sau khi đã nghiên cứu gồm:

Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.

Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu.

Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.

“Nếu như xếp hạng, nó hoàn toàn có thể được cấp quốc gia”, GS Thịnh nhấn mạnh.

Về việc dịch cây cầu đi nơi khác để bảo tồn, GS Thịnh cho rằng nếu dịch đi thì chẳng còn ý nghĩa bảo tồn gì nữa. “Cần nhận thức cầu Long Biên là một di sản văn hóa. Bộ GTVT không được xâm hại nó như không được xâm hại di sản. Phải giữ nó nguyên trạng. Hà Nội cũng phải có ý kiến, có trách nhiệm về việc này”, ông nói.

Cùng quan điểm, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng đương nhiên phải ứng xử với cầu Long Biên như với một di sản. “Nó đâu chỉ phải là chuyện cây cầu. Nó còn là một di sản của tất cả chúng ta. Bất cứ người dân Việt Nam nào từng nghe, từng thấy nó chắc đều đồng ý điều này”, ông Vinh nói.

Từ quan điểm đó, ông Vinh cho rằng Bộ GTVT đã sai khi không lấy di sản làm điểm chính. Hiện các phương án của Bộ này đưa ra chỉ lấy giao thông làm trọng. “Người ta lấy giao thông làm đầu, rồi sau đó cố tính xem nên làm cái gì đó cho ra vẻ là bảo tồn. Nếu tiếp cận từ góc độ di sản thì phải lấy di sản làm cốt lõi. Di sản cầu Long Biên không chỉ là những nhịp cầu, kèm theo nó là vị trí, tỷ lệ, là khung cảnh vốn có đã tồn tại cùng với nó cả trăm năm nay. Cầu Long Biên còn là cả con đường đi từ Hàng Đậu lên, có hai hàng lan can gạch cũ. Cầu còn định hình tương quan với quy mô dòng sông tại điểm đó thế nào. Không thể rút cầu ra khỏi vị trí bây giờ mà bảo đấy là bảo tồn di sản được”, ông Vinh nói.

Cũng theo chuyên gia bảo tồn này, tốt nhất vẫn là để cầu tồn tại với những giá trị đã vắt qua cả thế kỷ trên dòng sông Hồng mà vẫn tham gia vào cuộc sống. “Và trên thực tế bây giờ, nó vẫn tham gia vào cuộc sống đương đại. Cần giảm tải chứ không phải chất tải thêm cho nó, như thế sẽ thuận tiện và phù hợp hơn. Nếu cần cho nhiều xe đi hơn thì làm những cây cầu ở vị trí khác”.

Cũng theo ông Vinh, không danh hiệu, cầu Long Biên vẫn là di tích lịch sử, là di tích kiến trúc, là thành tố của di sản đô thị. Vì thế, không thể thay mới, mở rộng vì như thế sẽ phá vỡ cấu trúc vốn có của cầu. Nó cũng cần phải được giữ trong khung cảnh nó đứng, với những con đường đến với nó, rồi từ nó tỏa đi. “Bảo tồn cầu Long Biên không phải là giữ nguyên những nhịp cầu sắt một cách cứng nhắc. Cần giữ nó như một di sản sống trong nhịp sống của Hà Nội, vì hơn hết, nó chính là ký ức, là kỷ niệm, là con người. Điều này cao hơn tất cả. Thay đổi nó đi là tước hết những ký ức của những tháng năm lịch sử đi cùng với cây cầu”.

Về ba phương án của Bộ GTVT, ông Vinh ngắn gọn: “Cách tiếp cận sai thì dù có trăm phương ngàn án cũng vẫn sai”.

Trinh Nguyễn 

>> Không được phá cầu Long Biên !
>> Mở rộng đường từ cầu Long Biên - cầu Vĩnh Tuy
>> Triệt phá băng cướp trên cầu Long Biên
>> Kém hào hứng với Festival cầu Long Biên
>> Cầu Long Biên sẽ ra sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.