Phát hiện lịch sử về di tích Hải Vân quan

25/08/2018 07:33 GMT+7

Lần đầu tiên sau nhiều năm bị chôn vùi sâu dưới lớp đất đá, những hiện vật giá trị cùng công trình cổ tại di tích quốc gia Hải Vân quan (nằm giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế) đã được phát lộ.

Tìm thấy con đường thiên lý Bắc - Nam
Sau gần 4 tháng khai quật trên diện tích gần 900 m2, nhóm chuyên gia Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng đã làm sáng rõ quá trình hình thành và biến đổi của di tích Hải Vân quan. Qua đó đã xác định được quy mô, kết cấu nền móng kiến trúc của công trình, cung cấp những cứ liệu khoa học cần thiết để phục hồi và phát huy giá trị di tích này.
Ông Nguyễn Ngọc Chất (thành viên đoàn khai quật, thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho biết khai quật cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan tại độ sâu 1,5 m đã làm xuất lộ mọi dấu tích, xác định chân móng của cổng được bó đá khối hộp chữ nhật giống ở Hải Vân quan. Trước cổng có khoảng sân rộng 7,9 m, dài 7,1 m được đầm chặt bằng đất cát và đá.
[VIDEO] Cận cảnh dấu tích con đường thiên lý bắc nam 200 năm tuổi
Đáng chú ý, các chuyên gia đã tìm thấy phía trước nền sân là lối đi của đường thiên lý từ kinh đô Huế vào cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan. Lối đi này rộng 4,8 m, chạy men theo hướng đông bắc lên sườn núi phía tây của ngọn Hải Vân sơn. “Điều này được chứng minh rõ khi cách cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan khoảng 300 m về phía đông bắc, trong quá trình khảo sát, chúng tôi còn phát hiện dấu tích đường thiên lý từ kinh đô Huế về Hải Vân quan qua cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan. Đường thiên lý rộng từ 2,6 - 2,8 m, men theo sườn núi. Khu vực này cần tiếp tục khảo sát và nghiên cứu kỹ hơn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị về con đường thiên lý xưa”, ông Chất cho biết.
Phát hiện lịch sử về di tích Hải Vân quan1
Tại di tích quốc gia Hải Vân quan, các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện nhiều công trình cổ mang tính lịch sử
Kết quả khai quật cũng làm rõ dấu tích 10 bậc cấp đi từ cổng Hải Vân quan lên được xếp bằng đá núi (dài 7,4 m, rộng 5,5 m). Khai quật tại cổng này, các chuyên gia nhận định phía nam là hệ thống bậc cấp dẫn xuống đường thiên lý. Trong giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ đồn trú, ngoài việc xây thêm kiến trúc trên nóc cổng, hệ thống bậc cấp trước cổng cũng đã bị xẻ đôi để tạo lối đi mới. Kết quả khai quật đã làm xuất lộ dấu tích bậc cấp cùng đường thiên lý (rộng khoảng 6,8 m) phía nam cổng Hải Vân quan. Đường thiên lý chạy vòng về bên trái Hải Vân quan theo hướng đông nam, chạy theo sườn núi phía nam của ngọn Hải Vân sơn xuống vịnh Đà Nẵng tại khu vực Làng Vân hiện nay.
Kiến nghị phá dỡ công trình xây mới
Ông Hoàng Văn Thưởng (thành viên đoàn khai quật, thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho biết, trong quá trình khai quật, đoàn đã phát hiện 2 tấm bia cổ bị vỡ được khắc dưới triều Nguyễn. Nhiều khả năng trong quá trình đồn trú tại Hải Vân quan, quân đội Pháp, Mỹ đã cho đập bỏ và vứt đi. “Tiếc là cả 2 tấm bia không còn nguyên vẹn dù ký tự còn khá rõ. Điều thú vị là tại di tích với 2 cổng lại có các tấm bia đá như thế. Vấn đề này rất cần nghiên cứu, làm rõ...”, ông Thưởng nói. Tiếp tục đào thám sát mở rộng, các chuyên gia đã có thêm những phát hiện mới về cổng phụ dẫn lối xuống khu vực khu nhà ở cho binh lính đồn trú tại Hải Vân quan.
Đáng chú ý, với vai trò là một lũy thành phòng thủ, kiểm soát an ninh qua lại trên đường thiên lý bắc - nam cũng như các tàu thuyền trên biển, từ cổng Hải Vân quan đến Thiên hạ Đệ nhất hùng quan được xây dựng một hệ thống tường thành bao bọc toàn bộ khu di tích. Theo các nhà khảo cổ, những dấu tích hiện còn ngày nay với chiều rộng hơn 1 m, được xếp đá ngay ngắn đã khiến nhiều người ngộ nhận hệ thống tường thành ở đây còn khá nguyên vẹn. “Tuy nhiên, qua quá trình khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu vết nền móng tường thành cũ, qua đó khẳng định đa số những dấu tích tường thành hiện thấy đều đã được cải tạo vào giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ chiếm đóng (từ năm 1946 - 1975)”, ông Chất nói thêm. Cũng khoảng thời gian này đã có thêm nhiều công sự được xây mới làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tích. Trong đó rõ nhất tại 2 cổng đã bị xây mới thêm phần kiến trúc trần bê tông phía trên để mở rộng tầm kiểm soát. Ngoài ra, xung quanh Hải Vân quan, quân đội Mỹ đã xây thêm 5 lô cốt bảo vệ cứ điểm.
Các chuyên gia Bảo tàng Lịch sử quốc gia kiến nghị phục hồi di tích theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Theo đó, sẽ tháo dỡ những kiến trúc xây mới trên nóc 2 cổng cũng như các công trình bên trong khu di tích. Đối với 5 lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ, các chuyên gia cho rằng cần bảo tồn và xem là chứng tích lên án chiến tranh và phản ánh sự biến đổi các thời kỳ lịch sử di tích. Ngoài ra, cần phục hồi tường thành, ụ súng thần công, bậc cấp, đường đi qua 2 cổng; phục hồi kiến trúc nhà trú sở và vũ khố làm nơi đón tiếp khách tham quan và bảo tàng.
Nên phục hồi con đường thiên lý Bắc - Nam
Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng ngành chức năng cần nghiên cứu để phục hồi, tôn tạo con đường thiên lý bắc - nam qua 2 cổng để người dân và du khách có thể hình dung được việc đi lại của người xưa, có thể làm dài đến hàng trăm mét. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đơn vị tư vấn đã có 2 phương án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan, trong đó đề nghị chọn phương án 1 (kinh phí 39 tỉ đồng) nhằm phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng 1 bảo vệ di tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.