Phát triển Liên hoan phim Việt Nam thành một Cannes mới?

02/08/2021 06:20 GMT+7

Theo đề án của Bộ VH-TT-DL, Liên hoan phim Việt Nam sẽ trở thành thương hiệu quốc gia, có thể sẽ thu hút như Liên hoan phim Cannes nổi tiếng ở Pháp.

“Người người biết đến” như Cannes

Đề án Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan phim (LHP) Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai. Đề án có 3 mục tiêu chung. Thứ nhất, LHP Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực điện ảnh, khẳng định vị thế, uy tín ở trong nước và quốc tế. Thứ hai, góp phần quảng bá nghệ thuật điện ảnh, hình ảnh quốc gia, sức hấp dẫn văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách. Thứ ba, góp phần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 1755 của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện điều đó, đề án cũng đề ra việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác tổ chức, truyền thông quảng bá sự kiện LHP Việt Nam. Trong đó sẽ có bộ phận chuyên trách tổ chức, giám đốc cũng như đại sứ của liên hoan.
Về việc nâng cao chất lượng phim dự liên hoan, đề án nêu 4 điểm. Thứ nhất, nâng cao hiệu quả của công tác đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tăng cường chất lượng đầu vào liên hoan. Thứ hai, xây dựng kế hoạch lựa chọn đề tài, kịch bản đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, đặt mục tiêu tham dự LHP Việt Nam đồng thời cùng các nhiệm vụ khác. Thứ ba, có kế hoạch đầu tư một phần ngân sách nhà nước cho tư nhân sản xuất phim nhằm nâng cao chất lượng, hướng tới mục đích gửi phim tham dự LHP Việt Nam. Cuối cùng, nâng cao chất lượng tuyển chọn phim tham dự LHP Việt Nam.
Về mô hình các LHP, giải thưởng đã từng thành công trên thế giới, đề án chia làm 3 loại tiêu biểu. LHP tài liệu quốc tế Florence (Ý) thiên về chức năng giao lưu văn hóa, trao đổi ngành điện ảnh, không ưu tiên đầu tư phát triển thị trường. Mô hình LHP Cannes (Pháp) đề cao tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật, đồng thời tích cực xúc tiến giao dịch thương mại. Mô hình Oscar (Mỹ) thiên về thương mại, doanh thu phòng vé, truyền thông và tính thương mại được ưu tiên, khai thác triệt để.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng chúng ta sẽ đi theo mô hình Cannes. “Của mình thì đương nhiên phải hướng tới tôn vinh giá trị các tác phẩm điện ảnh. Mình phải theo mô hình Pháp chứ theo cách tôn vinh giải trí sao được”, ông Thành cho biết.

Mục tiêu sai từ đầu ?

Chuyên gia marketing Phạm Vũ Tùng, người nhiều năm gắn bó với truyền thông văn hóa, cho rằng đề án này bị… ngược. Theo đó, phần đề án liên quan đến các việc truyền thông như mang quảng bá phim ở các hội chợ du lịch, lập ban truyền thông… lại nhiều hơn phần việc cần làm cho giá trị liên hoan. “LHP thì quan trọng nhất là phim. Phim không hay thì không thu hút và truyền thông cũng chẳng làm gì được”, ông Tùng nói. Ông cũng cho rằng việc xây dựng giá trị LHP chủ yếu trên giá trị phim nhà nước hiện tại không còn phù hợp khi lượng phim lèo tèo và cũng không thu hút khán giả.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khá ngạc nhiên về việc chọn LHP Việt Nam để phát triển thành thương hiệu quốc gia, trong khi có LHP quốc tế Hà Nội đang làm tốt. “Còn cái cốt lõi của đề án đã sai từ đầu khi nói là LHP quốc tế không phù hợp mà là LHP quốc gia mới phù hợp để thành thương hiệu quốc gia. Điện ảnh không cần sợ yếu tố quốc tế. Đọc đề án thấy dường như có áp lực phải chứng minh LHP quốc gia tốt hơn LHP quốc tế Hà Nội”, đạo diễn Hoàng Điệp nhận định.
Thêm vào đó, nữ đạo diễn cho rằng LHP phải là một nơi phát hiện và phát triển điện ảnh. Điện ảnh cũng không phải câu chuyện của du lịch. “Việc coi điện ảnh như công cụ để quảng bá du lịch, điện ảnh hay nhận tiền từ các đơn vị du lịch là hoàn toàn sai trách nhiệm của LHP”, bà cho biết và lưu ý về việc: “Nếu lựa chọn sai thì sẽ đầu tư sai, kế hoạch hành động cũng sai”.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng muốn thúc đẩy điện ảnh có sức cạnh tranh và khả năng hội nhập, thành nhân tố mạnh trong xây dựng công nghiệp văn hóa thì trước hết không thể lơ mơ về các tiêu chuẩn chung để được công nhận. Theo ông: “Cơ bản chúng ta đang áp dụng hệ giá trị một mình một chợ, rất xa các tiêu chuẩn chung của quốc tế không chỉ trong kiểm duyệt, hợp tác làm phim với nước ngoài, thúc đẩy tính cạnh tranh của điện ảnh quốc gia, đối xử với tài năng và cả trong hội nhập quốc tế”.
Ông Di cũng cho rằng việc chọn LHP Việt Nam để xây dựng thành thương hiệu quốc gia thay vì một LHP quốc tế cũng cho thấy tư duy kiểu “không giống ai”. “Cách gì khiến một LHP quốc gia vốn chỉ để tuyên dương phim của một nền điện ảnh nhỏ như Việt Nam lại có thể trở thành một thương hiệu để quốc tế biết đến? Đó phải là một LHP quốc tế do một quốc gia tổ chức, được thử thách qua thời gian, là điểm đến được tin tưởng lựa chọn của giới điện ảnh toàn cầu thì mới trở thành một thương hiệu quốc gia được”, ông Di nói.
“Việc cải thiện cho được những vấn đề nội tại đang rất trầm kha của ngành mới là việc cần làm ngay, thay vì nghĩ ra những đề án đao to búa lớn nhưng thiếu thực tiễn và không có cơ sở khoa học vững như đề án này”, đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ. Một trong những vấn đề đó, theo ông, là việc đầu tư bài bản cho những người làm phim trẻ. Nhiều người trong số họ đã dự các LHP lớn trên thế giới một cách chính thức mà không hề có hỗ trợ của nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.